70 năm giải phóng Thủ đô

Kinh doanh té nước theo mưa 'chém' khách

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Gần đây nhất, tại Hà Nội, khi các thương hiệu có xe máy tự bốc cháy trong thời gian qua chưa đưa ra kết luận về sự cố, dịch vụ chống cháy cho xe cũng xuất hiện.

Tận dụng sự cố thời tiết, tai nạn, ngày lễ tết... hàng loạt dịch vụ ăn theo bùng nổ, chặt chém khách. Dù phản ánh đúng quy luật cung cầu, song những hình thức kinh doanh này khiến thượng đế rầu lòng.

Đêm Giáng sinh vừa qua, phí gửi xe ở khu vực phố Nhà Chung cạnh Nhà Thờ Lớn (Hà Nội) lên tới 50.000 đồng thay vì 5.000 đồng hay 10.000 đồng như thông lệ. Quế Minh, sinh viên trường ngoại ngữ cho hay, dịp Noel, ôtô bị cấm từ đường Hai Bà Trưng dọc lên Tràng Tiền, Nhà Chung (Hà Nội) nên chỉ có xe máy được lách vào. Để tiện vào Nhà Thờ Lớn, cô gửi xe luôn ở khu vực gần phố Nhà Chung nhưng đến khi thanh toán cô ngã ngửa vì phí trông xe gấp cả chục lần ngày thường. "Noel năm ngoái, gửi xe chỉ hết 20.000 đồng thì năm nay đã tăng lên gấp rưỡi, chóng cả mặt", Quế Minh tâm sự.

Kinh doanh té nước theo mưa 'chém' khách - Ảnh 1
 

Chống cháy cho xe máy là một trong những dịch vụ "té nước theo mưa" khá hút khách trong những ngày gần đây. Ảnh: Hà Đan.

Anh Nguyễn Hải, chân ướt chân ráo từ Hà Nội vào TP HCM thăm bạn đúng vào dịp Noel. Chờ mãi không thấy người bạn ra đón, đường lại quá đông không thể bắt taxi anh đành phải thuê xe ôm. Quãng đường từ Nhà Thờ Đức Bà đến Phạm Ngũ Lão chưa đầy 3 km nhưng người lái xe ôm ép giá lên tới 50.000 đồng. "Nếu ngày thường, chỉ khoảng 15.000 đồng thôi, nhưng tối Noel thì phải thế. Cái gì chả tăng giá, cả năm mới có một ngày, đi lẹ đi", chú xe ôm nói. Là khách du lịch từ phương xa tới, anh Hải đành rút ruột bỏ tiền đắt gấp 3 lần ngày thường chỉ vì lý do "cả năm mới có một ngày".

Gần đây nhất, tại Hà Nội, khi các thương hiệu có xe máy tự bốc cháy trong thời gian qua chưa đưa ra kết luận về sự cố, dịch vụ chống cháy cho xe cũng xuất hiện. Trong khi nhiều người tiêu dùng còn hoài nghi về khả năng thành công của dịch vụ này thì chủ cửa hàng khẳng định, đây là biện pháp do chủ cửa hàng tự nghĩ ra, không liên quan gì đến hãng Honda. Mỗi ngày, nhân viên chống cháy cho 3 - 5 chiếc.

Dù giá không hề rẻ, từ 150.000 đồng đến hơn 300.000 đồng mỗi lần, song từ khi biết có dịch vụ này, hàng chục người vẫn kéo đến chống cháy cho xe chỉ để yên tâm hơn. Anh Nguyễn Long, nhà ở phố Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) kể, vài người mách, chỉ cần lấy dầu mỡ bôi vào dây dẫn xăng hoặc điện, chuột không dám cắn nữa. Dù biết đây chỉ là một trong những cách ăn theo sự cố, song vì không yên tâm, anh Long vẫn mang xe đến cửa hàng.

Trước đó, năm 2009, khi dịch cúm gia cầm bùng phát, người dân đổ xô đi mua khẩu trang hoạt tính để chống cúm. Công sở phát khẩu trang cho nhân viên, nhà nhà cũng tìm mua để phòng dịch cúm. Khẩu trang, đặc biệt là loại đặc chủng phòng chống dịch H1N1 bỗng trở thành mặt hàng khan hiếm và giá đội thêm 3 - 5 lần. Các cửa hàng y tế, trên mạng rao vặt ồ ạt chào bán khẩu trang chống cúm với đủ giá cả khác nhau, thậm chí còn lên tới gần 100.000 đồng, gấp hơn 2 lần giá gốc.

Kinh doanh té nước theo mưa 'chém' khách - Ảnh 2
 

Những dịp lễ, tết, các bãi trông xe cũng là dịch vụ "chặt chém" du khách. Ảnh: Bách Hợp.

Khẩu trang Trung Quốc trước kia khoảng 1.000 đồng thì nay lên 3.000- 5.000 đồng. Cá biệt, loại khẩu trang có chứa chất hóa học hữu cơ và than hoạt tính lên 135.000 đồng một chiếc. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau, những chiếc khẩu trang này bị chìm vào quên lãng và rơi vào cảnh ế ẩm. Đến nay, trên các phố lớn, những khẩu trang hoạt tính cũng không còn được bày bán rầm rộ như trước.

Trao đổi với PV, ông Ngô Văn Long, Phó giám đốc Công ty cổ phần truyền thông và dịch vụ thương mại L.T cho hay, xu hướng kinh doanh kiểu "té nước theo mưa", nhìn dưới góc độ kinh tế học là phản ánh đúng quy luật cung cầu. Bởi khi cầu nổ ra thì lập tức thị trường sẽ điều tiết nguồn cung tương ứng. Tuy nhiên, trong bối cảnh cầu vượt cung, giá cả sẽ bị đội lên, khách hàng chịu thiệt và người bán sẽ hưởng lợi. "Điều này cũng dễ hiểu và khách hàng có thể chấp nhận lựa chọn dịch vụ hoặc không", ông Long nói.

Trong trường hợp nguồn cung khan hiếm, nhiều kẻ gian lợi dụng chặt chém khách hàng hoặc cung cấp những sản phẩm kém chất lượng. "Những kiểu kinh doanh theo kiểu ăn theo nhưng chất lượng không đảm bảo là vi phạm đạo đức kinh doanh. Cơ quan quản lý cần phải quy trách nhiệm, xử lý nghiêm mới có thể hạn chế được tình trạng này", ông Long cho hay.