Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh nghiệm bảo tồn làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá

Thu Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 15km về phía Tây, làng Nhiếp ảnh Lai Xá được biết đến là một làng nghề đặc biệt, độc nhất vô nhị, chuyên lưu giữ khoảnh khắc thời gian.

Không gian trưng bày ảnh tại Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá. Ảnh: Anh Tuấn
Không gian trưng bày ảnh tại Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá. Ảnh: Anh Tuấn

Điều đặc biệt là người dân nơi đây đã biết thành lập Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá - bảo tàng đầu tiên được cộng đồng thôn/ làng thành lập nhằm bảo tồn và giới thiệu di sản truyền thống của làng mình.

Làng Nhiếp ảnh Lai Xá là làng nghề truyền thống lâu đời với trên 120 năm tuổi và được biết đến là cái nôi của nền nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam. Làng nghề Nhiếp ảnh Lai Xá thuộc xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội.

Theo lịch sử làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá, cụ Đặng Huy Trứ là người đầu tiên du nhập nghề nhiếp ảnh vào Việt Nam sau một lần đi sứ sang Trung Quốc vào năm Ất Sửu (1865). Tại đây, do thích thú với nhiếp ảnh, ông đã thuê một người Hoa mua dụng cụ rồi học nhiếp ảnh.

Về nước năm 1869, ông Trứ mở hiệu ảnh mang tên Cảm Hiếu Đường - hiệu ảnh đầu tiên của Việt Nam tại phố Thanh Hà (nay là phố Ngõ Gạch - Hà Nội). Tuy nhiên, Cảm Hiếu Đường chỉ tồn tại được 4 năm và phải đóng cửa vào năm 1873 bởi chiến tranh. Phải đến năm 1890, khi ông Nguyễn Đình Khánh được người chú ruột giúp đỡ, đem ông từ Lai Xá đưa ra Hà Nội học nghề ảnh tại cửa hiệu Chu Dương của người Hoa thì nghề nhiếp ảnh Việt Nam kể từ lúc đó mới đứng trước cơ hội phát triển.

Sau 2 năm theo học ở hiệu ảnh người Hoa, ông Khánh đã tìm tòi, học hỏi được những ngón nghề, kỹ thuật chụp ảnh, kỹ thuật “buồng tối” để mở hiệu ảnh Khánh Ký tại phố Hàng Da vào năm 1892 khi mới tròn 18 tuổi. Không chỉ mưu sinh bằng nghề ảnh, ông Nguyễn Đình Khánh đã về quê truyền nghề cho cả làng và được người dân Lai Xá suy tôn thành ông tổ làng nghề.

Từ đây, nghề nhiếp ảnh phát triển ra khắp Hà Nội và toàn cõi Việt Nam. Lai Xá cũng là làng nghề nhiếp ảnh truyền thống duy nhất ở Việt Nam. Khánh Ký trở thành một trong 4 danh nhân nhiếp ảnh có tên trong Bách khoa thư Việt Nam (gồm Đặng Huy Trứ, Khánh Ký, Võ An Ninh và Đinh Đăng Định).

Vào tháng 5/2017, nhân kỷ niệm 125 năm cụ Nguyễn Đình Khánh mở hiệu ảnh, niên đại được dân làng coi là năm khai sinh làng nghề Nhiếp ảnh Lai Xá (1892 - 2017), Nhân dân trong làng đã tổ chức khánh thành và đưa vào hoạt động Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá - bảo tàng đầu tiên của cộng đồng một thôn (một làng) được xây dựng hoàn toàn từ nguồn kinh phí xã hội hóa nhằm bảo tồn và giới thiệu di sản truyền thống của mình. Đây cũng là loại Bảo tàng đầu tiên về một làng nghề ở Hà Nội.

Bảo tàng là một tòa nhà 2 tầng, tọa lạc ở giữa làng, cạnh đình Đụn với tổng diện tích trưng bày gần 300m2. Bảo tàng tập trung kể câu chuyện về nghề nhiếp ảnh ở Lai Xá với mong muốn trả lời nhiều câu hỏi như làm thế nào ông Tổ nghề ảnh của làng và những học trò của ông có thể làm cho làng trở thành một làng nghề, dân làng có kiếm sống được bằng nghề ảnh? Họ đã xây dựng thương hiệu ảnh của mình như thế nào? Những người Lai Xá đã đóng góp như thế nào cho sự phát triển văn hóa ảnh ở nước ta?

Có thể khẳng định, với việc khánh thành và đưa vào hoạt động Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá cùng với Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, Gallery Nguyễn Anh Tuấn… và những thế mạnh về di sản văn hóa truyền thống, làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá hứa hẹn trở thành một điểm du lịch mới hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước khi tới Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến.