Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh nghiệm chuyển đổi số của Thái Lan

Đông Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Chỉ số sẵn sàng kết nối 2022 (Networked Readiness Index - NRI) của Thái Lan xếp thứ 46 trong số 131 nền kinh tế được đánh giá, tăng từ vị trí 54 của năm 2021.

Trong số các quốc gia được đánh giá đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, Thái Lan đặt mục tiêu tăng nền kinh tế số lên 50% vào năm 2030. Nhờ các chính sách của chính phủ, quốc gia này đang đi trước các nước láng giềng trong khu vực về sự phát triển nền kinh tế số. Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Thái Lan đứng ở vị trí thứ 3 trong số 8 quốc gia (ASEAN) với số điểm là 56,56, sau Singapore (79,35 điểm) và Malaysia 60,58 điểm.

Xây dựng và phát triển mạng băng rộng quốc gia

Công ty tư vấn kinh tế AlphaBeta (Singapore) nhận định, chuyển đổi số ở Thái Lan có thể tạo ra giá trị kinh tế hàng năm lên tới 79,5 tỷ USD vào năm 2030. Tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC năm 2022, các quan chức Thái Lan cho biết, cơ sở hạ tầng và nền tảng kỹ thuật số hiện có sẽ cho phép chính phủ Thái Lan “cải thiện việc cung cấp các thước đo kinh tế và những dịch vụ khác của chính phủ bằng kỹ thuật số, đưa Thái Lan vào kỷ nguyên của nền kinh tế số và đóng góp vào sự tăng trưởng toàn diện của Thái Lan”. chính phủ Thái Lan ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, động lực cơ bản để thúc đẩy đất nước hướng tới nền kinh tế số.

Ảnh minh họa. Nguồn AP.
Ảnh minh họa. Nguồn AP.

chính phủ Thái Lan cũng sẽ tập trung hợp tác với khu vực tư nhân xây dựng cơ sở hạ tầng cứng, để cung cấp kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin phù hợp thúc đẩy kinh tế số, như internet băng rộng tốc độ cao, các trung tâm dữ liệu khác nhau và các cổng kỹ thuật số… nhằm thúc đẩy nền kinh tế số của địa phương. chính phủ Thái Lan tập trung xây dựng và phát triển mạng băng rộng quốc gia (National Broadband Network - NBN), triển khai cơ sở hạ tầng viễn thông để cung cấp dịch vụ internet tốc độ cao cho toàn bộ người dân.

8 đề án trong năm 2023

Mới đây Ủy ban xã hội và Kinh tế số quốc gia Thái Lan (ONDE) đã công bố 8 đề án quốc gia trong năm 2023 để sẵn sàng bước vào các giai đoạn tiếp theo của quá trình chuyển đổi số.

Đầu tiên, Thái Lan quyết tâm triển khai đề án đào tạo kỹ năng số cho các cơ quan chính phủ sau khi đã triển khai thành công 60 khóa đào tạo. Năm 2023, đề án này sẽ thực hiện triển khai thêm 70 khóa đào tạo kỹ thuật số với tư duy, phải thay đổi nhận thức từ ngay các cơ quan của chính phủ.

Thứ hai là đề án ''Nghiên cứu định hướng kỹ thuật số Thái Lan'' nhằm cung cấp dữ liệu quan trọng để sử dụng trong quá trình phát triển xã hội và kinh tế số của đất nước mà chính phủ đang tích cực thực hiện. ONDE sẽ sử dụng các tham số phù hợp với hướng dẫn do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đưa ra để đo lường, đánh giá quá trình chuyển đổi số của Thái Lan.

Đề án thứ ba tập trung vào những nỗ lực cải thiện việc đo lường nền kinh tế số của đất nước và đóng góp của nó vào GDP của quốc gia theo định hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

Năm 2022, Thái Lan đã tài trợ khoảng 74,5 triệu USD cho 600 dự án được đề xuất, trong đó 41 dự án đủ điều kiện triển khai. Ảnh ICT
Năm 2022, Thái Lan đã tài trợ khoảng 74,5 triệu USD cho 600 dự án được đề xuất, trong đó 41 dự án đủ điều kiện triển khai. Ảnh ICT

Đề án thứ tư nhằm phát triển mạng lưới tình nguyện viên kỹ thuật số. Mục đích của đề án này là mở rộng khả năng tiếp cận kỹ thuật số trong cộng đồng địa phương, giáo dục công chúng về kiến ​​thức và kỹ năng số, khuyến khích người dân sử dụng công nghệ số, giúp họ khám phá các cơ hội tạo thu nhập mới bằng cách tận dụng công nghệ.

Đề án thứ năm bao gồm các sáng kiến ​​nhằm thúc đẩy phát triển hệ sinh thái 5G cho các ứng dụng thương mại. Dự thảo kế hoạch hành động thúc đẩy phát triển công nghệ 5G giai đoạn 2 và dự thảo hướng dẫn thúc đẩy công nghệ 5G trong các ngành công nghiệp chính của Thái Lan giai đoạn 2023-2027 hiện đang được xây dựng.

Đề án thứ sáu liên quan đến việc phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và dịch vụ bảo mật. Năm 2023, ONDE đặt mục tiêu nâng cấp các dịch vụ của Trung tâm dữ liệu và dịch vụ đám mây của chính phủ (GDCC) bằng cách hỗ trợ dịch vụ điện toán đám mây. Nhà cung cấp sẽ cung cấp các nền tảng cho phép người dùng tự phát triển và triển khai các ứng dụng riêng của mình trên đó qua mạng Internet (nền tảng dưới dạng dịch vụ - PaaS) và mô hình phân phối phần mềm, trong đó nhà cung cấp bên thứ ba cung cấp các ứng dụng cho khách hàng qua Internet (phần mềm dưới dạng dịch vụ - SaaS).

Đối với đề án thứ bảy, ONDE có kế hoạch theo đuổi giai đoạn 2 của Kế hoạch di sản văn hóa kỹ thuật số, trong đó các tài nguyên văn hóa quốc gia có thể được hiển thị dưới dạng kỹ thuật số. Điều này nhằm mục đích tạo ra sức mạnh mềm để có thể tạo ra lợi nhuận cho nền kinh tế quốc gia.

Đề án cuối cùng liên quan đến Quỹ phát triển xã hội và kinh tế số nhằm cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nhà nghiên cứu để tạo ra sự đổi mới và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Năm 2022, Thái Lan đã tài trợ khoảng 74,5 triệu USD cho 600 dự án được đề xuất, trong đó 41 dự án đủ điều kiện triển khai.

Những kinh nghiệm của Thái Lan cần được chúng ta quan tâm để thúc đấy quá trình chuyển đổi số của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Một yếu tố mang tính quyết định khi triển khai dự án digital là khả năng liên kết giữa kinh doanh và IT. Dự án đòi hỏi các quản lý cấp cao phải có sự hiểu biết nhất định về digital.

(Tham khảo The Network Readiness Index - 2022)