Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế 6 tháng cuối năm 2021: Trong nguy có cơ!

TS Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết quả tăng trưởng GDP là tổng hòa các tác động của nhiều nhân tố khác nhau, trong đó đại dịch Covid-19 là nhân tố mới có từ đầu năm 2020 đến nay.

Đại dịch có tác động rất tiêu cực về lượng song lại có tác động tích cực về chất lượng tăng trưởng GDP.

Các nhân tố ảnh hưởng tới kết quả tăng trưởng GDP 6 tháng 2021

GDP năm 2020 và 6 tháng năm 2021 Việt Nam vẫn đạt tích cực. Năm 2020, GDP tăng 2,91% là thành tựu nổi bật của Việt Nam. 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%, trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36% là động lực tăng trưởng lớn nhất, đóng góp tới 59,05% vào mức tăng trưởng chung, đặc biệt ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 11,42%, cao hơn nhiều so với mức tăng 5,06% của 2020; tiếp đến là khu vực dịch vụ (tăng 3,96%, đóng góp 32,78%) và của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (tăng 3,82%, đóng góp 8,17%).

Một số ngành dịch vụ vẫn duy trì đà tăng trưởng, trong đó, ngành tài chính -ngân hàng tăng gần 9,3% so với cùng kỳ; ngành y tế tăng khoảng 10,5%; thông tin và truyền thông tăng hơn 5,2%; ngành giáo dục và đào tạo tăng gần 6,2%. Tuy nhiên, cũng như năm 2020, các ngành du lịch và khách sạn, nhà hàng, giải trí tiếp tục sụt giảm mạnh, đặc biệt, khách quốc tế giảm 97,6% so với cùng kỳ năm trước.
 Bốc xếp hàng xuất khẩu tại Cảng Hải Phòng. Ảnh: Công Hùng
Xét về bên cầu, 6 tháng 2021 có sự cải thiện đáng kể. Tiêu dùng cuối cùng tăng 3,56% cao hơn mức tăng gần 0,7% so với cùng kỳ 2020; tích lũy tài sản tăng 5,67% cao hơn mức tăng 1,93%; xuất khẩu tăng 24,5% (cùng kỳ giảm 0,31%), nhập khẩu tăng 22,76% (cùng kỳ giảm 2,5%). Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tăng 7,2%, trong đó, vốn khu vực Nhà nước tăng 7,3%; ngoài Nhà nước tăng 7,4%; FDI tăng 6,7%.

Cả nước có 93,2 nghìn DN, trong đó DN đăng ký thành lập mới tăng 8,1% và quay trở lại hoạt động tăng 3,9%. Trong khi đó, có 70,2 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ.

Kết quả tăng trưởng GDP là tổng hòa các tác động của nhiều nhân tố khác nhau, trong đó đại dịch Covid-19 là nhân tố mới có từ đầu năm 2020 đến nay. Đại dịch có tác động rất tiêu cực về lượng song lại có tác động tích cực về chất lượng tăng trưởng GDP. Nhìn chung, phần lớn các ngành hàng đều chịu tác động tiêu cực do việc gián đoạn nguồn cung, giảm nhu cầu/cầu mua hàng đối với nhiều mặt hàng (một phần do thu nhập giảm) và các nhân tố khác.

Tuy nhiên, nghiên cứu của tác giả cho thấy có tới 15 nhóm ngành được hưởng lợi từ đại dịch. Đây là những ngành phục vụ sản xuất, tiêu dùng và phân phối thông qua các hoạt động phi tiếp xúc hay tiếp xúc từ xa giữa người với người, ví dụ: Ngành Sản xuất phương tiện/phần mềm giáo dục/họp từ xa; Phần mềm, Công nghệ thông tin; dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa,... Nói chung, đại dịch tạo cú hích cho tiến trình chuyển đổi số của DN, Nhà nước.

Lưu ý là ngành xăng dầu chịu tác động kép từ việc thực hiện giãn cách xã hội và suy giảm tăng trưởng kinh tế. Nhiều DN được hưởng lợi từ việc giá xăng dầu giảm, qua đó giảm chi phí vận tải (ngoại trừ các DN lọc dầu trong giai đoạn đầu đại dịch). Bên cạnh đó, việc giá xăng dầu giảm sâu giúp giá thành các sản phẩm đầu vào thay thế như phân đạm Urê, nguyên liệu nhựa… cũng giảm mạnh.

DN FDI (đặc biệt là Sumsung Electronics Vietnam) tiếp tục là nhân tố quan trọng nhất thúc đẩy xuất nhập khẩu ra toàn cầu, nhất là hàng điện thoại thông minh, điện tử,... phần lớn nhờ việc họ cầm đầu chuỗi sản xuất, có mạng lưới phân phối, sản xuất được duy trì tương đối tốt. Việc Việt Nam kiểm soát tốt, nhất là kiểm soát sớm dịch bệnh trong năm 2020 cũng là nhân tố quan trọng trong thu hút thương mại, đầu tư.

Nhìn chung, đại dịch là một nhân tố có tác động mạnh, với nhiều đặc trưng mới lên nền kinh tế. Tuy nhiên, đây không phải là nhân tố có tác động lấn át lên nền kinh tế Việt Nam. Các nhân tố khác có tác động đồng thời lên nền kinh tế bao gồm: Một là, thời thế (thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTAs), nhất là thế hệ mới, phong trào đầu tư Nam tiến…); hai là, vị trí địa kinh tế, địa chính trị thuận lợi của Việt Nam; và ba là, nhân tố Trung Quốc (với tính cách là nền kinh tế có ảnh hưởng chi phối tới cả nguồn cung và nguồn cầu quốc tế).

Thuận lợi và khó khăn với năm 2021

Năm 2021, tăng trưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng của một số nhân tố cũ song lại có những sắc thái mới. Nếu như năm ngoái, đại dịch tác động vào nền kinh tế Việt Nam chủ yếu từ bên ngoài thì năm nay, lại xuất phát từ trong nước, nghĩa là phụ thuộc nhiều hơn vào năng lực thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát, giảm thiểu hậu quả của đại dịch. Những thuận lợi và thách thức trong đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2021 là:

Về thuận lợi, nhìn chung, các nước đối tác kinh tế Việt Nam, nhất là các đối tác chủ chốt đều đã bắt đầu kiểm soát tốt hơn dịch bệnh, đạt mức tiêm chủng cao, giúp thúc đẩy mạnh hơn tăng trưởng GDP, thương mại, đầu tư. Các nhân tố gần đây như Chiến tranh Thương mại Mỹ - Trung và xu hướng “Nam tiến” FDI từ Nhật Bản, Hàn Quốc… và nỗ lực đa dạng hóa thị trường đầu tư từ Trung Quốc tiếp tục có tác động tích cực.

Các FTA thế hệ mới được triển khai thuận lợi hy vọng sẽ đóng góp nhiều hơn xuất nhập khẩu và đầu tư, kể cả FTA với Anh quốc (VUKFTA).

Những nỗ lực và cam kết của Chính phủ trong thúc đẩy tăng trưởng, nhất là tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tăng tín dụng ưu đãi cho DN và hỗ trợ thu nhập cho những người yếu thế, điều chỉnh chiến lược phòng chống, kiểm soát bệnh dịch,... cũng giúp DN vượt qua khó khăn và thúc đẩy tăng trưởng.

Trong khi đó, thách thức lớn nhất trong nửa năm cuối 2021 là kiềm chế hữu hiệu những tác động ngày càng tiêu cực của đại dịch, nhất là khi tỷ lệ tiêm chủng ở Việt Nam còn thấp, trong khi rủi ro lây nhiễm biến thể Virus mới vẫn còn. Việc chỉ số phục hồi Covid-19 (Covid-19 Recovery Index) của Việt Nam giảm mạnh (đứng thứ 141 trên 180 nước được xếp hạng vào 10/7/2021) cho thấy rủi ro đối với tăng trưởng là rất lớn và dư địa thu hút FDI do lợi thế kiểm soát tốt đại dịch ngày càng bị thu hẹp.

Thách thức đối với xuất khẩu, sản xuất trong nước là việc gia tăng mạnh giá dịch logistics, nhất là vận chuyển quốc tế và giá nhiều loại nguyên liệu đầu vào sản xuất. Đây cũng là những nhân tố sẽ tạo áp lực tăng lạm phát và kìm hãm đầu tư công.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng Quốc hội đề ra (6,0%), 2 quý cuối năm 2021 Việt Nam phải đạt tốc độ tăng trưởng 6,3%. Mục tiêu này có khả năng đạt được nếu sớm khống chế được dịch bệnh tại các khu công nghiệp và sớm bỏ giãn cách xã hội ở các tỉnh, TP trọng điểm kinh tế (nhất là TP Hồ Chí Minh) và thực hiện hữu hiệu các giải pháp đồng bộ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã được ban hành trong các nghị quyết trong năm.

Để đạt được mục tiêu 6,5% theo Nghị quyết 01/NQ-CP, 2 quý cuối năm Việt Nam phải đạt mức tăng trưởng khoảng 7,2%. Đây là mục tiêu đầy thách thức trong bối cảnh nhiều tỉnh trọng điểm đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Tuy nhiên, nếu các biến thể mới Virus không quá nguy hiểm và Việt Nam đẩy nhanh được hơn tiến độ tiêm chủng Vaccine, kiểm soát tốt bệnh dịch trong diện hẹp (ví dụ, trong tháng 8) và đặc biệt có những gói kích thích tăng trưởng đủ lớn, hữu hiệu thì mục tiêu tăng trưởng trên vẫn có thể đạt được.

Tuy nhiên, lợi ích của việc đạt mục tiêu này so với cái giá phải trả cho việc đạt mục tiêu đó là như thế nào, trong khi phải đảm bảo an sinh xã hội và gánh chịu các hệ lụy từ kích thích tăng trưởng cao là điều cần cân nhắc kỹ càng, đảm bảo tính hiệu quả dài hạn, công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình và đồng thuận xã hội cao.