70 năm giải phóng Thủ đô

Kinh tế 6 tháng cuối năm: Nhiều áp lực từ mục tiêu tăng trưởng

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm tăng 5,64%, thấp hơn đáng kể so với mức dự báo 5,8% được Bộ KH&ĐT đưa ra hồi cuối tháng 5/2021. Tuy nhiên, tốc độ này vẫn tăng gấp ba lần mức tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020. Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố vào sáng 29/6.

Sản xuất hàng tiêu dùng tại Công ty Sunhouse. Ảnh: Hải Linh
GDP 6 tháng đầu năm thấp hơn dự báo
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 8,17%, khu vực công nghiệp và xây dựng góp hơn 59%, còn khu vực dịch vụ đóng góp 32,78%. Trong đó, ngành công nghiệp tăng gần 9% trong 6 tháng đầu năm nay, gần tương đương tốc độ tăng 9,13% trong nửa đầu năm 2019 - giai đoạn trước khi xảy ra dịch Covid-19 và cao hơn tốc độ tăng 2,91% của 6 tháng đầu năm 2020.

Công nghiệp chế biến, chế tạo - động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế - đạt tốc độ tăng 11,42%. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,16%, ngành xây dựng tăng 5,59%. Ngược lại, khai khoáng giảm 6,61%, do sản lượng dầu thô khai thác giảm 7,3% và khí đốt tự nhiên giảm 12,5%. Trong khu vực dịch vụ, hệ thống nhà hàng và cơ sở dịch vụ ăn uống tại chỗ, vận tải hành khách vẫn gặp nhiều khó khăn do thực hiện giãn cách xã hội tại một số địa phương để phòng, chống dịch bệnh.

Tăng trưởng của khu vực này chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,48% của cùng kỳ năm 2020 trong giai đoạn 2011 - 2021. Đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn, như bán buôn và bán lẻ tăng 5,63%, là ngành đóng góp lớn nhất của khu vực dịch vụ; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,27%. Ngược lại, ngành vận tải, kho bãi giảm 0,39%, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm hơn 5%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2021 tăng 0,19% so với tháng trước, tăng 1,62% so với tháng 12/2020 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung, CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 1,47% so với bình quân cùng kỳ năm 2020. Theo Tổng cục Thống kê đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm dù thấp hơn đáng kể so với mức dự báo 5,8% được Bộ KH&ĐT đưa ra hồi cuối tháng 5/2021, nhưng tốc độ này lại tăng gấp ba lần mức tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, dịch Covid-19 bùng phát tại một số địa phương trên cả nước từ cuối tháng 4/2021 với những diễn biến phức tạp, khó lường đang đặt ra nhiều thách thức, rủi ro. Con số tăng trưởng là kết quả sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng; sự chung sức, đồng lòng của hệ thống chính trị, cộng đồng DN, Nhân dân cả nước và lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Công nghiệp, đầu tư công, xuất khẩu là trợ lực cho tăng trưởng

Với tốc độ tăng trưởng GDP quý I và dự báo 6 tháng đầu năm chưa đạt mục tiêu theo kịch bản đề ra, thì áp lực rất lớn đang đặt vào các tháng cuối năm. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2021 là 6%, tốc độ tăng trưởng những tháng cuối năm phải đạt trên 7%, và công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục dẫn đầu.

Công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đạt tốc độ tăng 11,42%. Trước đó, quý I/2021, ngành này tăng 9,45%, cao hơn đáng kể so với mức tăng 7,12% của cùng kỳ năm ngoái, thời điểm mà hoạt động giao thương, đi lại trên thế giới vẫn gần như bình thường. “Dự báo có thể đạt mức 17 - 18% trong các tháng cuối năm nhờ sự phục hồi của cầu tiêu dùng từ thị trường trong nước cũng như xuất khẩu” - Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê) Phạm Đình Thúy cho biết. “Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý II/2021 vẫn ghi nhận đánh giá tích cực khi có 68,2% số DN nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh quý II/2021 so với quý I/2021 tốt lên và giữ ổn định” - ông Thúy nói.

Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại, trong 6 tháng cuối năm, các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU dự báo đạt mức tăng trưởng khá nhờ nỗ lực tiêm vaccine và ban hành những gói cứu trợ nền kinh tế. Thương mại toàn cầu tiếp tục phục hồi… Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2021 theo giá hiện hành ước đạt 1.169,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức tăng 3% của năm 2020. “Mức tăng này phản ánh kết quả của các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cộng đồng DN, cũng như xu thế đón đầu dòng vốn FDI đang chuyển dịch vào Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 được kiểm soát” - Tổng cục Thống kê đánh giá.

Đẩy mạnh hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Trong 6 tháng đầu năm 2021 đã có 67.100 DN thành lập mới, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước và tăng 34,3% về vốn đăng ký. Chiều ngược lại, 70.200 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy tính trung bình mỗi tháng có 11.700 DN rút lui khỏi thị trường. Vì vậy, Tổng cục Thống kê cho rằng điều quan trọng lúc này là Việt Nam vừa đảm bảo phòng, chống dịch bệnh, vừa thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở tạo điều kiện để các DN phục hồi và phát triển, nhất là khu vực DN nhỏ và vừa, khu vực DN chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh để từ đó hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong giai đoạn tới.

Trong dự thảo báo cáo tình hình phát triển DN 5 tháng đầu năm 2021 và giai đoạn tiếp theo được Bộ KH&ĐT gửi các bộ, ngành, địa phương mới đây đã nhận định, cộng đồng DN Việt Nam với sức cạnh tranh còn thấp, chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ (chiếm 94%) nên đang gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, trong bối cảnh này, Bộ KH&ĐT cho rằng bên cạnh việc rà soát, sửa đổi một số quy định tại các chính sách hỗ trợ nhằm tạo thuận lợi hơn cho DN tiếp cận, Bộ đề xuất Chính phủ kéo dài, bổ sung các chính sách hỗ trợ cho đến hết năm 2021. "Cùng với đó, khẩn trương bổ sung, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn, đặc biệt là các chính sách thuế như miễn, giãn, hoãn, khoanh thuế cho DN. Cụ thể, cần tiếp tục gia hạn nộp thuế thu nhập DN, tiền thuê đất cho DN; giảm tối thiểu 50% các khoản nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2020 cho các DN và xem xét tiếp cho năm 2021... Bên cạnh đó, cho phép DN được hoãn đóng kinh phí công đoàn 2%, hoặc giảm 50% mức phí (còn 1%) nhằm hỗ trợ DN trong bối cảnh nguồn vốn hoặc doanh thu bị hạn chế” - Bộ KH&ĐT nêu kiến nghị.

Năm 2021 được “kế thừa” toàn bộ khó khăn, thách thức từ các năm trước, mức tăng trưởng 6 tháng đạt 5,64% là tích cực, nếu không muốn nói là ấn tượng. Chỉ cần giữ được nhịp độ, thì tốc độ tăng trưởng quý III/2021 ít nhất cũng phải 7 - 8%. Nguồn lực đầu tư công năm 2021 vẫn cao hơn năm 2020, dù không nhiều, nhưng còn nguồn vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020 và nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 chưa giải ngân hết tiếp tục được giải ngân đến hết ngày 31/12/2021.

PGS. TS Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách -VEPR

Cần gói hỗ trợ “đủ liều” cho người dân, DN sau thời gian “bệnh nặng” vì Covid -19. Bên cạnh hỗ trợ về tài chính cho người dân, người lao động và cộng đồng DN, việc hỗ trợ tiêm vaccine và kiểm soát dịch nhanh chóng là hình thức hỗ trợ hiệu quả nhất hiện nay.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân

Năm 2021 được “kế thừa” toàn bộ khó khăn, thách thức từ các năm trước, mức tăng trưởng 6 tháng đạt 5,64% là tích cực, nếu không muốn nói là ấn tượng. Chỉ cần giữ được nhịp độ, thì tốc độ tăng trưởng quý III/2021 ít nhất cũng phải 7 - 8%. Nguồn lực đầu tư công năm 2021 vẫn cao hơn năm 2020, dù không nhiều, nhưng còn nguồn vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020 và nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 chưa giải ngân hết tiếp tục được giải ngân đến hết ngày 31/12/2021.

PGS. TS Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách -VEPR