Vị chuyên gia này khẳng định: “Mấu chốt ở đây là cởi trói tư duy thì kinh tế ban đêm mới phát triển được”.
Dứt khoát phải làm
- Thủ tướng Chính phủ mới đây đã yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu chính sách kinh tế ban đêm của Trung Quốc nhằm thúc đẩy tiêu dùng. Theo ông, với điều kiện hiện tại của Việt Nam, phát triển kinh tế ban đêm sẽ được hay mất nhiều hơn?
Ông Cao Sĩ Kiêm: Kinh tế ban đêm không những giúp phát triển thêm dịch vụ cho người dân mà còn tăng khả năng thu ngân sách. Ngược lại, điểm không có lợi là một số hoạt động khó quản lý, kiểm soát, gây ra phiền nhiễu hay thậm chí cao hơn là mất ổn định trật tự xã hội.
Tuy nhiên, những điểm không có lợi theo tôi không phải vấn đề cốt lõi. Quan trọng là khả năng kiểm soát, tổ chức thực thi của chúng ta.
Ở các nước tiên tiến, kinh tế ban đêm được người ta khai thác triệt để, vừa giúp đời sống người dân được nâng lên, lại giúp kinh tế phát triển. Tức là, vấn đề cốt lõi là khả năng quản lý, xây dựng luật lệ để giám sát kiểm tra và thực hiện của cơ quan quản lý.
- Thực tế, nhiều ý kiến cho là Việt Nam đã bỏ qua một mỏ vàng trong nhiều năm. Có phải vì từ trước tới nay, chúng ta có tâm lý, kinh tế ban đêm quá nhỏ so với kinh tế ban ngày nên không coi trọng?
Ông Cao Sĩ Kiêm: Phải khẳng định, kinh tế ban đêm không hề nhỏ. Ở các nước, kinh tế càng phát triển thì hoạt động ban đêm càng phát triển. Vì thế, dứt khoát chúng ta phải làm, từ dễ tới khó, từ những hoạt động nhỏ tới phạm vi lớn. Chúng ta phải hòa nhập với thông lệ quốc tế.
Việt Nam hiện vẫn chưa biết cách “lấy tiền” của du khách nên chúng ta mở ra hoạt động ban đêm thời gian đầu vừa là thực tập vừa khai thác những đối tượng này. Không nên vì mình chưa biết làm mà không làm thì muôn đời mình đi sau.
Chợ đêm, bar: Chỉ là sơ khai
- Theo ông, Việt Nam hiện tại mới khởi động hoạt động này liệu có quá muộn không?
Ông Cao Sĩ Kiêm: Đúng là chúng ta chậm hơn các nước một thời gian. Trước đây, trình độ kinh tế của Việt Nam chưa phát triển tới mức cao như hiện tại, điều kiện cho hoạt động ban đêm cũng hạn chế. Tuy nhiên, hiện tại, nhiều yếu tố để phát triển kinh tế ban đêm đã có như đời sống người dân đã được nâng lên, các ngành nghề, dịch vụ cũng có nhiều chuyển biến.
Việt Nam hiện tại triển khai kinh tế ban đêm tuy chậm nhưng vẫn phù hợp. Vấn đề bây giờ là ta phải đi trước đón đầu, phải tổng kết được những hoạt động ban đêm nào của ta đang phát huy tốt để phát triển. Những gì đang sinh ra tiêu cực hoặc có biểu hiện không lành mạnh thì phải chấn chỉnh để quá trình phát triển được đúng hướng.
- Một số thành phố của Việt Nam như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hay Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng hiện đã manh nha một số hoạt động kinh tế du lịch về đêm như chợ đêm, các quán bar. Tuy nhiên, như thế liệu đã đủ là kinh tế ban đêm không và cách làm như vậy đã đúng hướng chưa, thưa ông?
Ông Cao Sĩ Kiêm: Theo tôi, tất cả những gì hoạt động ban đêm mang tính kinh tế, góp vào tăng trưởng, thu lợi nhuận thì đều gọi là kinh tế ban đêm. Tức là, không chỉ chợ đêm, quán bar mà còn là những hoạt động văn hóa, giải trí, lễ hội, thậm chí là dịch vụ ngân hàng, thuế, tài chính…
Ở các nước phát triển thì những hoạt động dịch vụ ban đêm cũng toàn diện. Những nước đang phát triển hoặc kinh tế còn hạn chế thì hoạt động đêm ít hơn vì thị trường chưa có nhu cầu.
Việc một số thành phố lớn của Việt Nam có chợ đêm, quán bar theo tôi cũng là đúng. Ta không thể bỏ những hoạt động như vậy nhưng cũng cần phát triển toàn diện hơn, đa lĩnh vực hơn. Bar, vũ trường, karaoke, chợ đêm chỉ là sơ khai thôi.
Lo thủ phủ du lịch bị "xơ cứng"
- Đà Nẵng lâu nay vẫn là một thủ phủ du lịch nhưng ngay cả với nơi này, cái gọi là kinh tế ban đêm để kích thích du khách tiêu tiền vẫn chưa được đầu tư ra tấm ra món. Theo ông, đâu là giải pháp để thành phố du lịch hàng đầu Việt Nam này có thể khai thác tốt nhất những thế mạnh của nền kinh tế ban đêm?
Ông Cao Sĩ Kiêm: Đà Nẵng thực tế đang phát triển với nhiều thế mạnh. Nơi đây có điều kiện vì được nhiều du khách quốc tế và trong nước tìm đến, là một thành phố đáng sống. Rất nhiều du khách "có tiền", nếu dịch vụ mở ra càng đa dạng thì họ càng hưởng ứng.
Tuy nhiên, theo tôi, bản thân Đà Nẵng quản lý chặt chẽ nhưng "xơ cứng". Ví dụ, ngày trước, thành phố khởi xướng ý tưởng "5 không" (không hộ đói, không người lang thang xin ăn, không người mù chữ, không người nghiện ma túy trong cộng đồng, không giết người để cướp của) nhưng không có nội dung chặt chẽ nên khi làm bị "khô cứng".
- Vậy theo ông, Đà Nẵng nói riêng và các địa phương khác nói chung cần làm gì để kích thích kinh tế ban đêm?
Ông Cao Sĩ Kiêm: Ta phải tạo điều kiện một cách toàn diện. Trước hết, luật lệ, thể chế phải được mở ra để tạo điều kiện thu hút nhiều người tham gia, bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài hăng hái hoạt động trong lĩnh vực này. Mấu chốt ở đây là cởi trói tư duy thì kinh tế ban đêm mới phát triển được.
Vấn đề thứ hai đi theo ngay sau là phải có hạ tầng kỹ thuật. Vấn đề này ta phải vừa tự tổng kết vừa học tập kinh nghiệm của nước ngoài.
Tuy nhiên, nếu chỉ có như trên thì chưa đủ. Còn một vấn đề thứ 3 phải làm là đào tạo đội ngũ nhân sự, cán bộ làm việc trong lĩnh vực này. Kể cả người quản lý cũng phải có hiểu biết trong lĩnh vực này, sự am hiểu này phải là cả ở Việt Nam và trên thế giới. Tất cả những vấn đề trên theo tôi phải làm đồng bộ, không chỉ riêng rẽ từng yếu tố nào.
Tôi muốn nhấn mạnh là trong quá trình trên, chúng ta phải có sự so sánh, tổng kết, đánh giá rút ra được những điểm tốt và những cái chưa tốt để tiếp tục phát triển.
- Xin cảm ơn ông!