Kinh tế châu Âu có triển vọng sáng sủa hơn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 13/5, các quốc gia Liên minh châu Âu đã có buổi họp tại Brussel báo cáo số liệu tăng trưởng quý I năm 2015, qua đây bức tranh tình hình kinh tế châu Âu và những nỗ lực phục hồi đã dần được phác họa.

Tại cuộc họp, Ngân hàng T.Ư Anh (BoE) đã công bố Báo cáo Lạm phát Quý mới nhất. Như thường lệ, gói cứu trợ Hy Lạp cũng được mang ra bàn luận.
Kinh tế châu Âu đã vượt qua nỗi lo giảm phát.
Kinh tế châu Âu đã vượt qua nỗi lo giảm phát.
Theo đó, khu vực đồng tiền chung Eurozone đã tăng trưởng 0,4% trong quý I năm nay, vượt qua cả đối thủ quốc tế là Anh và Mỹ. Con số khả quan này có được nhờ đồng Euro suy yếu kết hợp với giá dầu thấp trở thành hai yếu tố kích thích mạnh mẽ nền kinh tế châu Âu. Bên cạnh đó không thể không nhắc đến chương trình nới lỏng định lượng Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB) triển khai trong suốt 3 tháng qua, nhằm xốc lại niềm tin vào hệ thống ngân hàng.

Cụ thể, kinh tế Pháp phục hồi ngoạn mục trong quý đầu năm nay khi GDP gấp đôi cả Đức và Anh. Nền kinh tế lớn thứ 2 Eurozone tăng trưởng 0,6% từ tháng 1 đến tháng 3 từ mức 0 vào quý IV năm ngoái. Đây là mức GDP cao nhất của Pháp trong 2 năm qua, đạt được nhờ chi tiêu tiêu dùng cải thiện. Bên cạnh đó, Tây Ban Nha cũng công bố GDP khả quan ở mức 0,9%. Ngược lại, Đức phải đối mặt với mức tăng trưởng giảm còn một nửa. Trong khi quý IV năm ngoái GDP của Đức là 0,7% , con số này đã giảm xuống 0,3% .  

Nhìn chung, tỷ lệ GDP khả quan của Pháp và Tây Ban Nha đã góp phần bù đắp cho sự thất vọng của Đức, góp phần kết thúc lời nguyền giảm phát cho khu vực chung châu Âu, cũng là nguyên nhân khiến ECB phải khởi động gói QE đầu tháng 3 năm nay.

Tuy nhiên, các nhà chức trách cũng cảnh báo sự hồi phục này sẽ khó duy trì nếu chính quyền các nước không đẩy mạnh cải cách kinh tế cũng như giải quyết rủi ro liên quan đến cuộc khủng hoảng Hy Lạp. Quốc gia các vị thần đã làm thất vọng các nhà chức trách châu Âu với GDP tiếp tục âm kể từ quý IV năm ngoái. Giới chức ECB cho biết sẽ siết chặt những nguồn tín dụng khẩn cấp cho các ngân hàng Hy Lạp nếu những thỏa thuận giải ngân cứu trợ không đi đến hồi kết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần