Kinh tế chia sẻ, cần bảo đảm an sinh xã hội cho người kinh doanh

Minh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều DN đã phải đóng cửa, dừng hoạt động. Hiện người lao động dịch chuyển từ khu vực chính thức sang phi chính thức tham gia vào các dịch vụ vận tải như taxi, giao hàng, đồ ăn… nhờ những ứng dụng Grab, Gojek, Lalamove, Ahamove, Baemin…

Xuất hiện các hình thức việc làm mới

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ và theo đó cũng xuất hiện các hình thức việc làm mới, bao gồm: Kinh tế chia sẻ (sharing economy), kinh tế tiếp cận (access economy), kinh tế theo yêu cầu (on-demand economy), kinh tế hợp tác (cooperative economy), kinh tế việc làm tự do (gig economy). Các hình thức dịch vụ này đại diện cho nền kinh tế việc làm tự do - Gig. Ưu điểm Gig là linh hoạt và tự do. Hạn chế là việc làm bấp bênh, thiếu tính ổn định, sụt giảm lưới an sinh cho người lao động và khó khăn trong xác định mối quan hệ đối tác kinh doanh…

Người lao động khi trở thành đối tác của các nền tảng công nghệ thường phát sinh những vấn đề mới và gây tranh cãi.
Người lao động khi trở thành đối tác của các nền tảng công nghệ thường phát sinh những vấn đề mới và gây tranh cãi.

Phát biểu tại Hội thảo “Thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam trong bối cảnh mới”, ngày 30/11, bà Đặng Thùy Trang - đại diện Grab Việt Nam cho rằng, hoạt động quản lý Nhà nước về kinh tế chia sẻ được thể hiện qua Quyết định 999/QĐ-TTg  ngày 12/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ.

Trong khi đó, TS Bùi Thái Quyên - Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) khuyến nghị, trong nền kinh tế chia sẻ, cần xác định rõ lái xe công nghệ có phải là người lao động hay không, từ đó tạo lợi ích chính đáng cho người lao động.

Liên quan đến lĩnh vực này đã có quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; Nghị định 52/2013/NĐ-CP và Nghị định 85/2021/NĐ-CP quy định về thương mại điện tử; Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế; Nghị định 91/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 126/2020/NĐ-CP về quản lý thuế.

Thực tế, vai trò của nền kinh tế chia sẻ ngày càng phát huy được kết quả tích cực. Đó là góp phần tiết kiệm nguồn lực, nguồn tài nguyên; giảm thiểu chi phí giao dịch trong hoạt động kinh tế, tăng tính hiệu quả và minh bạch của nền kinh tế; thay đổi thói quen của người dùng. Cùng với đó là hỗ trợ cơ quan Nhà nước trong công tác quản lý; tạo cơ hội gia tăng thu nhập, tạo thị trường lao động mới, linh hoạt; tạo động lực tăng trưởng và tăng năng suất cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Về mặt gián tiếp, nền kinh tế chia sẻ thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ, làm tăng tính cạnh tranh trên thị trường; thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp nền tảng số với Chính phủ để xây dựng chính sách pháp luật phù hợp.

Đặc biệt, nền tảng số trong đại dịch Covid-19 đã có vai trò nổi bật hỗ trợ thương nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời thúc đẩy gắn kết cộng đồng thông qua nền tảng số.

“Sự có mặt của các nền tảng như Grab đã giúp các doanh nghiệp, thương nhân, người nông dân gia tăng sức chống chịu trước bối cảnh khó khăn do dịch bệnh. Nhờ có các nền tảng số, các doanh nghiệp, thương nhân dễ dàng phát triển thêm kênh bán hàng trực tuyến và các kênh giao nhận” - bà Đặng Thùy Trang nói.

Vẫn còn những vướng mắc cần tháo gỡ

Tuy nhiên, kinh tế chia sẻ đang gặp những thách thức mới, đòi hỏi phải có giải pháp phù hợp thúc đẩy nền kinh tế số nói chung, và thúc đẩy an sinh xã hội cho cá nhân kinh doanh tham gia kinh tế chia sẻ nói riêng.

TS Đặng Đức Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, thực tiễn đặt ra yêu cầu nghiên cứu, nhìn nhận, đánh giá mối quan hệ này nhằm xác lập những tiêu chuẩn lao động tối thiểu để bảo vệ người lao động.

Trong nền kinh tế chia sẻ, cần xác định rõ lái xe công nghệ có phải là người lao động hay không, từ đó tạo lợi ích chính đáng cho người lao động.
Trong nền kinh tế chia sẻ, cần xác định rõ lái xe công nghệ có phải là người lao động hay không, từ đó tạo lợi ích chính đáng cho người lao động.

Về vận tải công nghệ trong nền kinh tế chia sẻ, TS Bùi Thái Quyên cho biết, vấn đề người lao động khi trở thành đối tác của các nền tảng công nghệ chính là vấn đề lao động phát sinh mới và đang gây tranh cãi. Nghị định 10/2020/NĐ-CP (thay thế Nghị định 86/2014) về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô đã được ký và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2020, quy định taxi công nghệ là một ngành kinh doanh có điều kiện; chưa có quy định đối với xe ôm công nghệ.

Người lao động tham gia lĩnh vực vận tải công nghệ có nhiều thuận lợi như công việc linh hoạt và tự chủ; thời gian linh hoạt; công việc phù hợp với khả năng và sở thích cá nhân cũng như ít bị áp lực, không bị phân biệt đối xử... Họ có quyền tham gia vào hội bạn hữu đường xa, nhóm tài xế cùng hãng xe (được bảo trợ của hãng), nhóm tài xế công nghệ (tự phát).

Tuy nhiên, theo TS Bùi Thái Quyên, người lao động trong lĩnh vực này không được đàm phán về các điều khoản hợp đồng (độc quyền nền tảng) như hợp đồng đối tác cung cấp dịch vụ với hãng xe, hợp đồng cung cấp dịch vụ với hợp tác xã. Họ không có ngày nghỉ cố định trong tháng, ngày cuối tuần, lễ, Tết. Họ nghỉ ốm sẽ không có lương, nếu nghỉ bảo trì xe là mất thu nhập.

Cùng với đó, hợp đồng giữa hai bên và các quy định của công ty nền tảng cho phép công ty chấm dứt hợp đồng một cách dễ dàng mà không cần phải bồi thường hoặc trợ cấp gì cho người lao dộng. Có những trường hợp khoá tài khoản hoặc chấm dứt hợp đồng nhưng hoàn toàn dựa trên nhận xét của khách hàng hoặc đánh giá đơn phương của phía công ty.

Bởi vậy, cần xác định rõ người lái xe công nghệ (grab bike) có phải là người lao động không? Và cần nâng cao kỹ năng, trình độ nhận thức của người lao động để họ lựa chọn những công việc phù hợp” - bà Quyên khuyến nghị.

 

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần