Kinh tế có dấu hiệu phục hồi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong Báo cáo "Tổng quan thị trường tài chính 2013 và triển vọng 2014" vừa công bố, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã thoát đáy từ quý III/2013.

Và trong những tháng đầu năm 2014, nền kinh tế đã có nhiều tín hiệu ổn định thể hiện ở lạm phát thấp, tỷ giá ổn định và cán cân thanh toán thặng dư, lãi suất huy động giảm, tình trạng đô la hóa, vàng hóa nền kinh tế đã giảm; lòng tin của nhà đầu tư được củng cố; hoạt động của doanh nghiệp có chuyển biến tốt thể hiện ở hiệu quả sản xuất kinh doanh đang tăng lên… Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ, nền kinh tế vẫn phải đối diện với nhiều thách thức do tổng cầu cải thiện chậm, khu vực nông nghiệp vẫn khó khăn và tăng trưởng kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài… Từ những góc độ khác nhau, phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã ghi nhận những đánh giá từ các chuyên gia, nhà quản lý về bức tranh kinh tế những tháng đầu năm 2014, cơ hội và thách thức trong thời gian tới.
Kinh tế có dấu hiệu phục hồi - Ảnh 1
Ông Phi Vân Tuấn - Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội:

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cùng với chống thất thu

Tổng thu ngân sách của TP trong những tháng đầu năm đạt 24,3% dự toán pháp lệnh, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2013. Để đảm bảo thu ngân sách đạt được hiệu quả tốt, ngoài việc tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế TP cũng chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan để thu thập thông tin phục vụ cho công tác thanh, kiểm tra thuế… Đặc biệt, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an và các ngành chức năng trong việc đấu tranh ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thuế…

 
Kinh tế có dấu hiệu phục hồi - Ảnh 2
TS Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia ngân hàng:

Nên lựa chọn những mô hình sáp nhập hiệu quả nhất

Mua bán, sáp nhập ngân hàng vẫn "nóng" từ nay đến cuối năm 2014. Ngoài xu hướng sáp nhập các ngân hàng nhỏ, thời gian tới, sẽ còn rất nhiều trường hợp sáp nhập diễn ra để "gom" sở hữu chéo, thoái vốn hoặc hỗ trợ tái cơ cấu. Ngoài ra, không loại trừ các ngân hàng tầm trung cũng sáp nhập với nhau để hình thành những tập đoàn ngân hàng lớn mạnh.

Việc Ngân hàng Nhà nước thúc đẩy sáp nhập, hợp nhất ngân hàng thời gian qua đã giúp hệ thống loại bỏ được các ngân hàng yếu kém mà không tốn ngân sách. Đây là việc làm rất đáng khuyến khích. Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân tôi, không chỉ ngân hàng yếu mới tìm đến giải pháp mua bán, sáp nhập mà cả các ngân hàng lớn cũng nên chọn giải pháp này để rút ngắn quá trình phát triển, hình thành những ngân hàng lớn.
Kinh tế có dấu hiệu phục hồi - Ảnh 3
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Công ty Mua bán tài sản quốc gia (VAMC):

Trao quyền để VAMC xử lý nợ nhanh hơn

Đến nay, chúng tôi đã mua 45.000 tỷ đồng nợ gốc, nhưng mới phối hợp với các tổ chức tín dụng thu hồi 450 tỷ đồng nợ. Sắp tới, VAMC sẽ thí điểm bán nợ đợt 1 với khoảng 1.400 tỷ đồng. Thời gian qua, cũng có nhiều ý kiến phàn nàn về việc VAMC chậm trễ trong bán nợ, mua nợ về rồi để đấy hoặc chỉ là hoán đổi nợ xấu sang trái phiếu đặc biệt chứ chưa xử lý và thu hồi nợ được. Thực sự là hiện, hành lang pháp lý và cơ chế chính sách để VAMC bán nợ xấu vẫn còn nhiều hạn chế. Cần trao quyền cho VAMC xử lý nợ nhanh nhất. Đặc biệt, trong điều kiện VAMC đang xúc tiến bán nợ cho các tổ chức quốc tế lại càng cần thiết. Nếu không tạo điều kiện cho VAMC bán nợ, bán tài sản đảm bảo sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình xử lý nợ xấu.
Kinh tế có dấu hiệu phục hồi - Ảnh 4
TS Trần Hoàng Ngân - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh:

Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp đã triển khai trong quý I

Quý I vừa qua, kinh tế vĩ mô đã có nhiều điểm sáng hơn 2013 như lãi suất tiếp tục hạ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát ở mức thấp và quan trọng là chúng ta đã có nhiều bài học và đã rút kinh nghiệm trong quản lý kinh tế vĩ mô, đặc biệt là kinh nghiệm trong lĩnh vực kiềm chế, kiểm soát lạm phát. Đối với các DN Nhà nước, thông điệp tái cấu trúc đã được khẳng định và đang quyết liệt thực hiện các bước triển khai như tái cơ cấu, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, cổ phần hóa khối DN này.Với lĩnh vực đầu tư công, Chính phủ đã nhìn thấy gói 30.000 tỷ đồng có những nhược điểm, nên đã và đang tiếp tục hoàn thiện, mở rộng đối tượng để tạo điều kiện cho thị trường bất động sản. Quá trình tái cơ cấu ngân hàng thương mại đang được đẩy nhanh. Trong thời gian tới, thách thức cần giải quyết là tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp đã triển khai trong quý I. Với khối DN, nhất thiết phải nâng cao năng lực cạnh tranh. Về phía Chính phủ, tôi nghĩ để hỗ trợ DN cần tập trung vào vấn đề thể chế và vốn, lãi suất phải xuống nữa.
Kinh tế có dấu hiệu phục hồi - Ảnh 5
TS Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:

Vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần xử lý

Chúng ta vẫn có nhiều thách thức về mặt thị trường như tăng tổng cầu, tăng sức mua, tăng đầu tư, tăng khả năng hấp thụ vốn… Những điểm nghẽn này vẫn còn phải tiếp tục xử lý để làm sao hết năm 2014, sang năm 2015, nền kinh tế khởi sắc hơn và có điều kiện tính toán chiến lược phát triển giai đoạn tiếp theo. Hiện, mục tiêu lớn nhất vẫn là giữ thành quả ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ phần nào thị trường để lấy lại niềm tin và sức sống.

Quan trọng nhất với DN là ổn định kinh tế vĩ mô để họ có thể tính bài toán kinh doanh, ổn định lạm phát, tỷ giá, lãi suất để tạo niềm tin.

 
Kinh tế có dấu hiệu phục hồi - Ảnh 6
TS Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế:

Nền kinh tế đang có những hiệu ứng tích cực

Từ những dấu hiệu của nền kinh tế những tháng đầu năm cho thấy, hiệu ứng tích cực của một loạt chính sách vĩ mô mà Việt Nam đã triển khai có hiệu lực từ đầu năm 2014 đang mở ra nhiều hơn cơ hội kinh doanh. Ví dụ như việc giảm lãi suất, tiếp tục nới lỏng linh hoạt tài chính và tín dụng, trong đó có mở rộng và tăng tốc giải ngân đầu tư công cho các dự án trong kế hoạch, lạm phát tiếp tục được kiềm chế... Để đón nhận được cơ hội, DN cần tập trung nâng cao năng lực tiếp cận và mở rộng thị trường; tiếp tục thực hiện tái cấu trúc theo chiến lược kinh doanh phù hợp và có chương trình hành động rõ ràng, tập trung vào các phương án kinh doanh hiệu quả, các mảng sản xuất kinh doanh chủ chốt, có khả năng tạo ra dòng tiền bền vững. Đặc biệt, cần duy trì cơ cấu tài chính cân đối, quản lý chặt chẽ dòng tiền, nâng cao năng lực quản trị để phân tán rủi ro.
Kinh tế có dấu hiệu phục hồi - Ảnh 7
Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội:

Chính sách hỗ trợ cần sát với nhu cầu của doanh nghiệp

Khó khăn chủ yếu hiện nay của đa số DN vừa và nhỏ (DNNVV) là do giảm cầu trên thị trường, hàng tồn kho cao, chi phí sản xuất tăng, trong đó mặt bằng sản xuất và giá thuê đất đều cao, mà DN lại vẫn khó tiếp cận vốn. Trong khi đó, một số chính sách mang tính vĩ mô chồng chéo, gây không ít ách tắc cho DN trong tiếp cận. Chính vì thế, nếu các cơ quan chức năng quyết tâm triển khai đồng bộ, công khai, minh bạch các chính sách hỗ trợ, tôi tin các DNNVV năm nay sẽ vượt được khó khăn, trụ vững và phát triển.

Chúng tôi cũng đề xuất đội ngũ cán bộ TP, các cơ quan chức năng có phong cách điều hành mới sâu sát hơn, tăng cường kiểm tra và phát hiện, có chế tài xử lý sai phạm kịp thời và linh hoạt. Đặc biệt, trước khi ban hành các quyết định chính sách hỗ trợ DN, cơ quan chức năng nên mời các hiệp hội, đại diện DN tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến để các chương trình hỗ trợ thiết thực, sát với nhu cầu DN hơn.
Kinh tế có dấu hiệu phục hồi - Ảnh 8
Ông Thân Đức Việt - Giám đốc điều hành Tổng Công ty CP May 10:

Doanh nghiệp muốn được hỗ trợ nhiều hơn trong xúc tiến thương mại

Nhờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và TP, cùng với nỗ lực của bản thân DN nên kết quả sản xuất kinh doanh của May 10 đã khả quan hơn, trong đó doanh thu bán hàng trong nước và xuất khẩu từ đầu năm đến nay đã tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Thời gian tới, chúng tôi mong được Nhà nước, TP Hà Nội quan tâm nhiều hơn trong việc tổ chức những đoàn đi xúc tiến thương mại với các thị trường mới. Đặc biệt, thay vì DN phải ra nước ngoài khá tốn kém, UBND TP nên chăng tổ chức mời gọi nhiều đoàn DN nước ngoài đến Hà Nội để họ "mục sở thị" cơ sở sản xuất, vừa giúp DN trong nước tiếp thị hàng hóa hiệu quả hơn, vừa tiết kiệm được nhiều chi phí cho DN. Bên cạnh đó, DN cũng rất mong được TP hỗ trợ phát triển thị trường trong nước để có sự tăng trưởng bứt phá tại ngay "sân nhà".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần