Kinh tế đêm của Hà Nội: Tiềm năng lớn còn bỏ ngỏ

Hoài Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Hà Nội tổ chức các không gian đi bộ, chợ đêm vào các tối cuối tuần, đồng thời cho phép một số quán bar, nhà hàng trong khu phố cổ mở cửa đến 2 giờ sáng đã cho thấy TP đang nỗ lực khai thác tiềm năng, thu hút du khách khi dịch Covid-19 cơ bản được khống chế.

Khách du lịch trên phố Tạ Hiện. Ảnh: Hoài Nam
Lợi thế hiện hữu
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn, qua nghiên cứu về hoạt động phát triển kinh tế ban đêm của TP Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... cho thấy, Việt Nam đang tập trung phát triển các sản phẩm du lịch trong khoảng thời gian từ 7 - 17 giờ. Nhưng những sản phẩm này chỉ mang lại khoảng 30% doanh thu dịch vụ. Trong khi 70% chi tiêu của du khách rơi vào khung giờ từ 18 giờ đêm đến 3 giờ sáng hôm sau lại hầu như chưa được khai thác.

Nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của du khách, từ năm 2016 đến nay, UBND TP Hà Nội đã chính thức triển khai phố đi bộ quanh Hồ Gươm, cho phép cửa hàng kinh doanh trong khu vực phố cổ được hoạt động tới 2 giờ sáng. Theo đánh giá của các DN lữ hành, việc một số dịch vụ ban đêm kéo dài thời gian mở cửa đã bước đầu đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí cho du khách quốc tế, góp phần tăng doanh thu cho ngành du lịch.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, những dịp cuối tuần, khu phố đi bộ quanh Hồ Gươm đón từ 18.000 - 25.000 du khách trong và ngoài nước tham quan, mua sắm. Vào những dịp kỷ niệm đặc biệt, lượng khách tăng lên đến 30.000 người. Chia sẻ về lợi ích của việc phát triển kinh tế ban đêm đối với ngành du lịch, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Đinh Hồng Phong xác nhận, sau khi cho phép kéo dài thời gian mở cửa quán bar, nhà hàng, lượng khách du lịch quốc tế đến lưu trú tại quận Hoàn Kiếm tăng nhanh. Cụ thể, năm 2016 đạt gần 1,4 triệu lượt du khách, năm 2019 gần 2,5 triệu lượt du khách. “Kinh tế ban đêm đang đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương. Năm 2018, quận Hoàn Kiếm thu ngân sách đạt 7.728 tỷ đồng; năm 2019 thu ngân sách 9.600 tỷ đồng, trong đó các hoạt động kinh tế ban đêm đóng góp không nhỏ” - ông Phong chia sẻ.

Đòn bẩy cho du lịch hậu Covid-19

Để kinh tế ban đêm trở thành động lực phát triển ngành du lịch, các DN lữ hành, khách sạn, nhà hàng đều mong muốn TP Hà Nội có kế hoạch phát triển bài bản, quy củ, qua đó tăng thêm sản phẩm du lịch phục vụ du khách, đồng thời hỗ trợ các ngành kinh tế, dịch vụ khác phát triển.

Theo Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng, không chỉ Hà Nội mà các địa phương trọng điểm du lịch như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang… cũng cần phát triển kinh tế ban đêm để kích thích khách lưu trú chi tiêu sau khi tham quan. Cùng quan điểm này, TS Vũ Đình Ánh - Viện Nghiên cứu Khoa học thị trường giá cả cho rằng, việc phát triển kinh tế ban đêm sẽ giúp sử dụng hiệu quả các nguồn lực, cơ sở hạ tầng, tạo thêm việc làm cho người dân.

Tuy nhiên, muốn phát triển kinh tế ban đêm, các chuyên gia ngành du lịch nêu rõ, chính quyền địa phương phải hiểu được giá trị tiềm ẩn của loại hình kinh tế này, đồng thời gắn với du lịch làm động lực phát triển. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, bên cạnh đề án kinh tế về đêm do Bộ KH&ĐT chủ trì, xây dựng, hiện đơn vị đang lập đề án nghiên cứu để từ đó tham mưu cho Chính phủ đưa ra giải pháp, kế hoạch tổng thể để phát triển kinh tế ban đêm.

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân cho hay, thời gian tới, quận sẽ tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai Đề án thí điểm phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn theo hướng tổ chức xuyên đêm, có phân loại mô hình tổ chức, phân kỳ thực hiện, bao gồm: Tổ chức ngoài trời và trong nhà, tổ chức trong các không gian đi bộ và các địa bàn khác của quận. Không chỉ Hoàn Kiếm, một số quận, huyện khác trên địa bàn Hà Nội cũng đang tập trung phát triển kinh tế đêm như quận Tây Hồ với Không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố tại phố Trịnh Công Sơn.

Ý kiến của các nhà quản lý, DN du lịch cho thấy, việc phát triển kinh tế ban đêm có thể coi là đòn bẩy cho du lịch khi Covid-19 cơ bản được khống chế, tạo thêm nguồn thu cho người dân địa phương cũng như đóng góp cho ngân sách Nhà nước.

Phát triển kinh tế đêm phải gắn và lấy du lịch làm động lực phát triển. Để kinh tế đêm thực sự là “đòn bẩy” cho du lịch khi dịch Covid-19 cơ bản được khống chế và tiến tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần đặt và lấy lợi ích của cộng đồng làm tiêu chí để quy hoạch, xây dựng các quy chế, chế tài cho hoạt động kinh tế này.
Đặc biệt để phát triển kinh tế ban đêm bài bản, chuyên nghiệp, thì phải có kế hoạch cũng như quy chế rõ ràng, cụ thể cho cộng đồng tham gia vào phát triển, gắn liền với quyền lợi cũng như trách nhiệm của mỗi cá thể trong đó.
Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) Phạm Hải Quỳnh
Không chỉ du khách mà người dân tại đô thị cũng có nhu cầu mua sắm, đi chơi rất cao vào buổi tối. Vì thế, thúc đẩy các hoạt động vui chơi giải trí, mua sắm và sử dụng các dịch vụ khác vào ban đêm sẽ kích thích được nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên để quản lý được hoạt động kinh tế này đòi hỏi chính quyền phải xây dựng hành lang pháp lý chuẩn về kinh tế ban đêm. Đồng thời tăng công tác quản lý Nhà nước để tránh những biến tướng, tệ nạn có thể phát sinh từ các hoạt động dịch vụ diễn ra vào khung giờ đêm. 
Tổng Giám Đốc Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan

Vai trò của kinh tế đêm rất quan trọng, ngoài tăng nguồn thu trực tiếp cho ngân sách Nhà nước thông qua thuế, kinh tế ban đêm còn cho thấy TP đó có tiềm năng để đầu tư hay không. Bởi một TP có kinh tế ban đêm sôi động cũng là lợi thế để thu hút các nhà đầu tư.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Kinh tế đêm sẽ là một động lực tăng trưởng trong tương lai. Tuy nhiên, cần có giải pháp xử lý, quản lý phù hợp những vấn đề có thể phát sinh. Ví dụ, cần quy hoạch những khu tập trung phát triển kinh tế ban đêm, để không ảnh hưởng tới những người dân có nhu cầu nghỉ ngơi. Để quản lý được hoạt động kinh tế ban đêm cần quy hoạch thành một khu riêng.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần có quy định rõ đối với hoạt động kinh tế đêm như quy định về thời gian, môi trường, ánh sáng, khu vực, người tham gia các lĩnh vực đó… phải được đáp ứng đủ. 

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch) Phạm Trung Lương

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần