Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế đêm thời 4.0

Vu Tinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dưới góc nhìn công nghệ, Hà Nội và nhiều TP khác trên thế giới đang sở hữu một đời sống tiêu dùng về đêm sôi động và tiềm năng bất ngờ.

Du khách ăn đêm trên phố cổ Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Những “cú đêm” bị bỏ quên
Lời kêu gọi thúc đẩy nền kinh tế 24 giờ lâu nay đưa ra đều được hiểu rằng việc người dân và du khách đổ ra đường vào ban đêm để vui chơi, ăn uống được xem là nguồn đóng góp lớn cho nền kinh tế ban đêm. Tuy nhiên, các số liệu lại cho thấy một thực tế hoàn toàn khác.
Tại thủ đô London của Anh, quốc gia có hẳn một tổ chức quản lý riêng cho ngành công nghiệp đêm là Night Time Industrie Association (NTIA), thu nhập kinh tế ban đêm của TP đạt 26,3 tỷ Bảng vào năm 2017. Theo một báo cáo cùng năm đó của NTIA, lĩnh vực có tác động kinh tế lớn nhất với “đêm không ngủ” của London là vận tải và lưu trữ, tiếp theo là các dịch vụ y tế và công tác xã hội. Văn hóa và giải trí, dường như có sự hiện diện đông đảo nhất trên các tuyến phố, lại chỉ chiếm 6,4% hoạt động trong nền kinh tế ban đêm của TP. Ví dụ này phần nào cho thấy, tại các đô thị lớn luôn có một lực lượng lao động đêm không nhỏ, những người không chỉ tạo ra tiền của khi TP lên đèn, mà đồng thời cũng có nhu cầu được “tiêu tiền” cho các dịch vụ hoạt động muộn vì đặc thù công việc.
Euromonitor định giá thị trường giao đồ ăn trực tuyến Việt Nam sẽ có giá trị khoảng 38 triệu USD vào năm 2020, tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 11% một năm. Theo khảo sát của Kantar TNS vào tháng 1/2019, GrabFood hiện là dịch vụ giao thức ăn được sử dụng thường xuyên nhất tại Việt Nam với 68% số người bình chọn, xếp sau là Now với 19% và Go-Food với 1%.
Những “cú đêm” này được đánh giá là động lực lớn với nền kinh tế đêm của nhiều địa phương, ngay cả khi họ chỉ yên vị tại nhà. Theo một báo cáo của Học viện Du lịch Trung Quốc (CTA) và nhà cung cấp dịch vụ giao thức ăn trực tuyến Meituan Dianping công bố hồi tháng 3 năm nay, ăn đêm tại Trung Quốc đã tăng 47% so với năm 2018, hơn 2 điểm so với mức tăng tiêu thụ thực phẩm vào ban ngày. Những người ở độ tuổi 20 - 30 là khách hàng chính của dịch vụ đặt đồ ăn đêm tại nước này, chiếm 88%, với số lượng đông đảo nhất ở Bắc Kinh và tiếp sau là Thượng Hải.
“Gã khổng lồ” thương mại điện tử của Trung Quốc Alibaba hôm 24/7 vừa qua dẫn số liệu, hơn 1/3 số người giao hàng của công ty này vẫn phải hoạt động trên đường vào lúc nửa đêm ở các TP lớn, nhằm minh chứng cho sức sống kinh tế vào ban đêm ở Trung Quốc. Tương tự như thế, lịch trình đêm của các “shipper” tại nhiều nơi trên thế giới, bao gồm cả Thủ đô Hà Nội, cũng đang cho thấy sự bận rộn không kém. Đằng sau đó là cả một cuộc đua khốc liệt giữa các nền tảng thương mại điện tử, mà ai “ngủ” muộn hơn sẽ là kẻ nắm lợi thế.
Cuộc đua đêm của các ứng dụng
Dịch vụ thanh toán và thẻ tín dụng trực tuyến Barclaycard, có trụ sở tại Anh, mới đây cho biết, 1/3 người dân xứ sương mù hiện chi nhiều tiền hơn để mua sắm trực tuyến vào ban đêm so với 5 năm trước, bất kể những suy thoái kinh tế nhất định do ảnh hưởng của Brexit. Sự phát triển của công nghệ đã mang đến cho người tiêu dùng khả năng linh hoạt trong việc lựa chọn và đặt mua mọi thứ từ mọi nơi, trong toàn bộ thời gian 24 tiếng/ngày. Đối với các nền tảng thương mại điện tử, đây là cơ hội quý giá để tăng doanh thu đáng kể và cung cấp những dịch vụ nổi bật nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ngoài khung giờ mua sắm truyền thống.
Đó cũng chính là cơ sở cho những đám đông tài xế “áo xanh, áo đỏ” của hàng loạt hãng xe công nghệ, luôn túc trực trước các cửa hàng, quán xá ở mọi ngóc ngách của Hà Nội bất kể mưa nắng, giờ giấc. Cuộc chiến thực sự của họ bản chất lại đang diễn ra trên các thiết bị điện tử thông minh của khách hàng, trong đó việc người dùng lựa chọn đặt hàng qua ứng dụng của hãng nào sẽ chủ yếu phụ thuộc vào giá cả cạnh tranh và thời gian giao - nhận.
Chợ đêm Long Biên. Ảnh: Khánh Chi
Và cùng với xu hướng “cú đêm” đã nói ở trên, ưu thế trong thời gian hoạt động ban đêm vì vậy càng trở nên đặc biệt rõ nét giữa các hãng. Chẳng hạn, Now (Foody) vốn là tiên phong trong mảng ứng dụng đặt đồ ăn tại các TP lớn như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, hiện đã cho thấy sự hụt hơi trước các “tân binh” như GrabFood (Grab) hay Go-Food (Go-Viet). Một phần lý do được cho là bởi, Now đã đánh rơi thị phần sau 23 giờ 30 mỗi tối vào tay các ứng dụng đối thủ vẫn tiếp tục hoạt động đến 2 - 3 giờ sáng hôm sau.
Với tính năng lưu trữ dữ liệu người dùng, các ứng dụng thông minh có cơ hội “thế chân” một lần sẽ chủ động gửi những ưu đãi hấp dẫn vào khung giờ quen thuộc, đánh trúng nhu cầu của khách đêm, dần trở thành ứng dụng “ruột” của khách hàng cả đêm lẫn ngày từ lúc nào không hay.
Sở dĩ cuộc đua này được đánh giá đặc biệt khốc liệt là bởi, các hãng đều thể hiện quyết tâm giành thị phần bất chấp báo cáo lợi nhuận âm liên tiếp. Trong khi giá cả các mặt hàng được khuyến mại mạnh, giảm từ 15 - 50% so với mua trực tiếp tại cửa hàng, các tài xế giao hàng cũng được hãng mẹ trợ giá lớn cho các cuốc xe đêm muộn. Ví dụ, Go-Viet có chính sách hỗ trợ 35.000 đồng/đơn vào chiều tối đối với lái xe Go-Food nhằm khuyến khích lực lượng chạy đêm đông đảo hơn.
Tác động thật từ thị trường ảo
Câu chuyện đua tranh của loạt ứng dụng đặt đồ ăn chỉ là một lát cắt nhỏ, ít nhiều cho thấy thực tế hoạt động thương mại đang diễn ra không kém phần náo nhiệt tại Hà Nội hay nhiều TP tưởng chừng còn “trầm” khi đêm xuống. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những nghi ngại rằng liệu hoạt động thương mại số có thực sự đóng góp vào nền kinh tế ban đêm hiện hữu của các TP hay không?
Trên thực tế thị trường “ảo” do công nghệ tạo ra cho thấy khả năng giảm bớt các gánh nặng về vấn đề an ninh, trật tự cho một số hoạt động mua bán về đêm nhất định, thay vì để các nguồn thu bị cấm cản với lý do an toàn công cộng. Dòng người nối nhau hàng dài trước hiệu bánh mỳ đêm nổi tiếng gần đây trên phố Trần Nhật Duật lúc 2 giờ sáng hoàn toàn có thể rút lại chỉ còn nửa, thậm chí 1/3, khi một tài xế công nghệ có thể nhận giao 2 - 3 đơn trên một tuyến đường mà vẫn đảm bảo thời gian hẹn.
Thêm vào đó, các đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ “lên sàn” thương mại điện tử là tăng khả năng tiếp cận với đa dạng khách hàng, từ đó mạnh dạn hơn trong cuộc chơi đêm kể cả khi không sở hữu vị trí thuận lợi - gần các khu dân cư nhộn nhịp. Sâu xa, điều này sẽ góp phần tạo nên một nền kinh tế đêm bền vững, tránh tình trạng chênh lệch trong không gian thực, khi quận này pháo hoa mà quận kia tối đèn.