Kinh tế giao thông đang bị lãng quên?

Hải Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giao thông là huyết mạch, là tiền đề phát triển cho mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Bên cạnh đó, giao thông cũng chính là một lĩnh vực có thể khai thác hiệu quả khía cạnh kinh tế, thậm chí có thể trở thành điểm nhấn nổi bật trong “túi tiền” của các đô thị lớn.

Chi như thác, thu nhỏ giọt

Theo thống kê của Sở Tài chính Hà Nội, mỗi năm, TP đang phải chi hàng chục nghìn tỷ đồng cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; khoảng 2.000 tỷ đồng trợ giá cho xe buýt và không ít kinh phí cho công tác tuyên truyền, xây dựng văn hoá giao thông. Tất cả đều hướng đến mục tiêu giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường không khí. Nhưng chỉ riêng việc duy tu, sửa chữa nhỏ, thường xuyên hệ thống hạ tầng đã tiêu tốn gấp 2 lần kinh phí thu được từ quỹ bảo trì đường bộ. Nửa còn lại, và quan trọng hơn là nguồn vốn xây dựng hạ tầng mới đang phải trông chờ vào ngân sách, các khoản vay và kêu gọi đầu tư xã hội hóa.
 Điểm trông giữ xe ô tô trên phố Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh  Hải Linh
Điều đáng nói, dù chi cả núi tiền như vậy, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn chưa thể được giải quyết, văn hóa giao thông vẫn chưa ăn sâu bén rễ vào ý thức người dân, đặc biệt, nguồn lợi thu được từ hạ tầng giao thông để tái đầu tư cho chính nó còn quá nhỏ bé.
TS giao thông đô thị Đặng Minh Tân nhận định: “Trước nay, chúng ta nghe nhiều đến kinh tế vận tải, đây cũng là một chuyên ngành được đào tạo bài bản trong nhiều trường đại học. Nhưng kinh tế giao thông thì gần như bị quên lãng, dù nó có hiện hữu và cũng đầy tiềm năng”. TS Đặng Minh Tân phân tích, kinh tế giao thông có thể hiểu nôm na là chi tiền đầu tư cho lĩnh vực giao thông và có thu lại, thậm chí sinh lãi. Bên cạnh những lợi ích nền tảng như kết nối giao thương, văn hóa, xã hội… tự bản thân lĩnh vực giao thông cũng có thể “đẻ ra tiền”.

Đồng quan điểm, Thạc sĩ giao thông đô thị Vũ Hoàng Chung chia sẻ: “Để duy trì, phát triển mạng lưới giao thông cần nguốn vốn đầu tư rất lớn. Chúng ta đang phải chạy vạy, vay mượn ngược xuôi để đắp đổi. Trong khi đó nguồn thu từ hạ tầng giao thông khá dồi dào lại hầu như chưa có cách nào khai thác được”. Nguồn thu đó có thể từ thu phí dừng đỗ xe; phí ra vào nội đô các TP lớn không khuyến khích xe cơ giới lưu thông; lợi tức từ cho thuê quảng cáo trên các công trình giao thông…
Đơn cử như tại Hà Nội, khả năng đáp ứng nhu cầu giao thông tĩnh của các bến bãi được cấp phép mới chỉ đạt khoảng 10%. Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi: Vậy 90% còn lại đi đâu? Nguồn thu từ trông giữ phương tiện chỉ có 1/10 được TP kiểm soát, còn tới 9/10 lại đang chảy vào túi các cá nhân mà TP không thể thu thuế hay bất kỳ loại phí nào. Trong khi đó, hàng năm, TP phải chi biết bao nhiêu tiền để mở rộng đường sá, tôn tạo vỉa hè, và không ít trong số đó đang biến thành bãi đỗ xe, kiếm lợi của các cá nhân riêng lẻ.

Tiềm năng vô cùng lớn

Kết cấu hạ tầng giao thông vốn là một mặt hàng vô cùng đắt đỏ, nhưng cũng là một “mỏ vàng” đầy tiềm năng nếu biết khai thác hiệu quả. TS Đặng Minh Tân nhận định, một trong những nguồn thu rất lớn cần được khai thác là quảng cáo, dịch vụ thương mại tại các kết cấu hạ tầng giao thông.
“Ví dụ như với đường sắt đô thị. Theo nguyên lý, cứ ở đâu càng đông người, ở đó dịch vụ thương mại càng phát triển. Nhiều đô thị trên thế giới đã biến các nhà ga thành trung tâm thương mại có sức lan tỏa ra cả một khu vực rộng lớn xung quanh” - TS Đặng Minh Tân chia sẻ. Hay như nguồn lợi từ cho thuê quảng cáo trên các tuyến đường, trạm dừng xe buýt, cầu cạn… đều còn rất nhiều tiềm năng mà Hà Nội cũng như nhiều đô thị khác chưa khai thác được.
Một trong những khoảng trống lớn nhất của kinh tế giao thông tại Hà Nội là thu phí trông giữ xe. Với hơn 6 triệu phương tiện được đăng ký tại chỗ, hàng triệu chiếc vãng lai, nhu cầu đỗ gửi xe là rất lớn. Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung phân tích: “Nếu chỉ lấy con số 6 triệu phương tiện cơ giới thôi nhân lên với mức giá trông giữ bình quân 5.000 đồng/lượt, thì mỗi ngày TP có thể thu về tới 30 tỷ đồng, mỗi năm khoảng trên 4.300 tỷ đồng. Số tiền này là rất lớn, có thể tái đầu tư cho hạ tầng giao thông, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách TP”. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để thu được, kiểm soát được nguồn thu từ dịch vụ trông giữ xe này.

Trong Hội nghị đánh giá kết quả công tác năm 2020 và định hướng nhiệm vụ năm 2021 của Sở GTVT diễn ra ngày 22/12, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ đã đặt ra vấn đề phải nghiên cứu, tìm cách khai thác kinh tế giao thông. Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho rằng: “Nên có một nghiên cứu cụ thể về kinh tế giao thông, bởi đây là một trong những phần nổi trội nhất của kinh tế đô thị”. Để có thể nắm bắt và tìm ra phương thức khai thác hiệu quả kinh tế giao thông rất cần sự vào cuộc đồng bộ, phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành TP.
Nếu có thể có một đơn vị nghiên cứu chuyên trách, với lực lượng tổng hợp từ tất cả các sở, ngành như GTVT, Xây dựng, Tài chính, KH&ĐT… tiềm năng vô cùng lớn của lĩnh vực kinh tế giao thông còn đang say ngủ sẽ được đánh thức, trở thành một trong những trợ lực quan trọng cho sự phát triển chung của Thủ đô Hà Nội. Thạc sĩ giao thông đô thị Đỗ Cao Phan nhấn mạnh, Sở GTVT phải là đầu tàu trong việc nghiên cứu, khai thác kinh tế giao thông.

"Việc tập trung phát triển ngành kinh tế vận tải cần theo hướng tăng cường kết nối, ứng dụng công nghệ, chú trọng phát triển các mô hình chia sẻ, đóng góp lớn hơn vào tăng trưởng kinh tế Thủ đô. Sắp xếp các dự án đầu tư theo thứ tự ưu tiên, trong đó xúc tiến chuẩn bị đầu tư, nhất là các dự án mới, các dự án mang tính động lực... " - Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ


"Các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… dường như còn bỏ ngỏ lĩnh vực kinh tế giao thông, trong khi nguồn lực để tái đầu tư, nâng cấp, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông lại là một gánh nặng rất lớn đối với ngân sách TP cũng như T.Ư. Khai thác kinh tế giao thông là một trong những giải pháp căn cơ, quan trọng nhằm khơi dậy nguồn lực tài chính, giảm gánh nặng cho ngân sách trong hiện tại và cả tương lai." - Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần