Kinh tế Hà Nội 2 tháng đầu năm: Nhiều giải pháp duy trì tăng trưởng

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính chung 2 tháng đầu năm, khách quốc tế đến lưu trú tại Hà Nội giảm 17,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi kim ngạch xuất khẩu cũng giảm 19% so với cùng kỳ năm trước… Kinh tế Thủ đô đang gặp thách thức trước những diễn biến khó lường của dịch Covid 19.

Du lịch, dịch vụ, xuất nhập khẩu giảm mạnh

Số liệu của Cục Thống kê TP Hà Nội, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 2 của Hà Nội ước đạt 234,4 nghìn tỷ đồng, giảm 6,6% so tháng trước và tăng 8,8% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm, ước đạt 485,6 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% so cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 ước đạt 46,1 nghìn tỷ đồng, giảm 4,8% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 94,4 nghìn tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ. Doanh thu khách sạn, nhà hàng chỉ đạt 9,3 nghìn tỷ đồng, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm trước; du lịch lữ hành đạt 1,7 nghìn tỷ đồng, giảm 9,5%; dịch vụ khác đạt 24 nghìn tỷ đồng, tăng 4,1%...
 Ngành du lịch bị ảnh hưởng không nhỏ vì dịch Covid-19. Ảnh: Hải Linh
Hiện nay, ngành du lịch và dịch vụ lưu trú, ăn uống đang bị ảnh hưởng nặng nề do tác động từ dịch Covid-19. Trong tháng 2, khách quốc tế đến lưu trú tại Hà Nội ước tính đạt 258.000 lượt khách, giảm 24% so với tháng trước và giảm 26,8% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 2 tháng đầu năm, khách quốc tế đến lưu trú tại Hà Nội đạt 597,9 nghìn lượt khách, giảm 17,4% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn TP ước tính đạt 707 triệu USD, giảm 30,8% so với tháng trước và giảm 19,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 2 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.728 triệu USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu đều giảm so cùng kỳ, trong đó một số nhóm hàng kim ngạch giảm mạnh: Hàng nông sản giảm 44,7% (gạo giảm 58,3%; cà phê giảm 37,7%); hàng máy vi tính, điện tử và linh kiện giảm 30,5%; máy móc, thiết bị, phụ tùng giảm 26,8%.
Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 3.711 triệu USD, giảm 20,7% so cùng kỳ năm trước. Chỉ có nhóm hàng xăng dầu nhập khẩu tăng so với cùng kỳ (tăng 32,4%); các nhóm hàng nhập khẩu khác đều giảm mạnh như: Phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 35,5%; thức ăn gia súc giảm 62,9%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện giảm 40,9%; máy móc thiết bị giảm 35,4%.
Với ngành vận tải hàng hóa, tổng doanh thu ngành vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính chuyển phát 2 tháng 2020 ước đạt 20,6 nghìn tỷ đồng, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước.
 Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Co.opmart. Ảnh: Vân Thy
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, thời tiết diễn biến bất lợi, nhiều ngày lạnh, mưa phùn, ẩm ướt làm sức đề kháng vật nuôi giảm, bệnh cúm gia cầm (cúm A/H5N6) xảy ra cục bộ trên địa bàn, các ngành chức năng TP đang giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cơ sở; chuẩn bị vật tư, hóa chất, vaccine để triển khai các giải pháp phòng chống; tăng cường kiểm tra tình hình chăn nuôi, kịp thời phát hiện, khoanh vùng và xử lý khi có ổ dịch xảy ra. Hiện tại, theo cơ quan thống kê, dịch bệnh chưa gây thiệt hại lớn đến sản xuất chăn nuôi nhưng tiềm ẩn nguy cơ đối với chăn nuôi gia cầm trên địa bàn nếu dịch bệnh không được khống chế.

Khẩn trương các giải pháp

Kinh tế - xã hội TP Hà Nội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2020 diễn ra trong bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước đối mặt với diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19. Trước tình hình đó, cùng với khẩn trương triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch, TP cũng đã có những chỉ đạo các ngành, các cấp kiên quyết không để xảy ra tình trạng trì trệ trong thực hiện nhiệm vụ; phát động các phong trào khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực; kịp thời đề xuất các giải pháp về kinh tế, tài chính, công nghiệp, dịch vụ để giảm thiểu các tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh…
Báo cáo của Sở KH&ĐT, trong trường hợp dịch bệnh được khống chế trong quý I, sản xuất công nghiệp trong quý II/2020 vẫn còn gặp khó khăn do các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản thường sử dụng lượng lớn lao động (quản lý, chuyên gia) của nước họ.
Việc hạn chế xuất nhập cảnh dẫn tới tình trạng thiếu nhân công để vận hành hoạt động các nhà máy, ảnh hưởng lớn tới sản xuất và gián tiếp ảnh hưởng tới hoạt động xuất, nhập khẩu. Bên cạnh đó, nguồn nguyên vật liệu dự trữ có hạn, chủ yếu đủ phục vụ cho sản xuất đến hết tháng 3/2020. “Với tình trạng như hiện nay, các DN trong nước và FDI thiếu nguyên vật liệu đầu vào vì phần lớn phụ thuộc vào nhập khẩu” - Sở KH&ĐT đánh giá.
Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng cho biết, có 35% DN phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu và chuyên gia nước ngoài; có hơn 50% DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. "Dệt may, da giầy là ngành hàng bị ảnh hưởng rõ rệt nhất, với nguồn nguyên, phụ liệu phụ thuộc vào Trung Quốc và Hàn Quốc.
Các nhóm ngành sản xuất máy móc thiết bị, điện tử, điện thoại và phương tiện vận tải cũng không loại trừ. Việc tìm nguồn nguyên liệu thay thế không thể thực hiện được trong một sớm một chiều. Kể cả trong trường hợp tìm được nguồn cung mới thì giá thành có thể cao hơn so với nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của DN"- Giám đốc Sở Công Thương lo ngại.
Mục tiêu tăng trưởng từ 7,53% trở lên được đánh giá là thách thức rất lớn. Dù vậy, TP cho biết sẽ triển khai tổng thể nhiều giải pháp để giữ vững mức tăng trưởng GRDP năm 2020. Tại Hội nghị đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đến tăng trưởng kinh tế - xã hội của TP năm 2020, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho rằng, mặc dù dịch bệnh đang ảnh hưởng nhiều đến các ngành như: Du lịch, công thương… tuy nhiên, cần nhìn thấy cơ hội cho những ngành kinh doanh mới như: Thương mại, điện tử…, đặc biệt tận dụng cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do với EU. Đây cũng là cơ hội để các DN tái cơ cấu tìm thị trường mới, thay đổi công nghệ. Hiện nay, Hà Nội có nhiều tiềm năng chưa khai thác hết như nhiều cụm công nghiệp có thể thu hút DN.
Về giải pháp tăng trưởng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho rằng, bên cạnh việc kiểm soát tốt dịch bệnh, một trong những nhiệm vụ hàng đầu là cắt giảm thủ tục hành chính nhằm giảm thời gian, chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Từng đơn vị, từng ngành cần rà soát, đưa ra các giải pháp phát triển kinh tế trước mắt cũng như lâu dài, nhất là giải pháp về vốn, việc làm...

Theo Tổng Cục Thống kê, CPI tháng 2 giảm 0,17%. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, CPI vẫn tăng 5,4%. Bình quân 2 tháng đầu năm, CPI tăng 5,91%, mức cao nhất 7 năm gần đây. Theo cơ quan thống kê, nguyên nhân CPI giảm là do nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ của người dân sau Tết Nguyên đán giảm, nên giá nhiều loại hàng hóa dần trở về mặt bằng giá trước Tết. Mặt khác, dịch Covid-19 đã tác động tới nhu cầu du lịch, lễ hội nên giá các dịch vụ này đều giảm. Một số đường biên giới đóng cửa hoặc chịu sự kiểm soát chặt chẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu trái cây của Việt Nam làm giá các loại quả tươi, chế biến giảm do nguồn cung dồi dào.

Tại Hà Nội, CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2020 tăng 5,66% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.

"Lúc này TP nên tập trung công tác đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường công tác xúc tiến tại chỗ. Thay vì phải tới tận quốc gia đó quảng bá, xúc tiến, Việt Nam có thể lập văn phòng trực tuyến, giải đáp thông tin 24/24 giờ. Bên cạnh đó, Hà Nội cần tập trung vào kích cầu đầu tư bao gồm thúc đẩy đầu tư công, đầu tư nước ngoài và đầu tư cá thể. Các ban ngành Hà Nội cũng cần khẩn trương hoàn thành các thủ tục đưa các dự án chuẩn bị cấp phép, các dự án mới sớm đi vào hoạt động để thúc đẩy tăng trưởng." - TS Nguyễn Minh Phong