Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế Hà Nội 5 tháng chuyển biến tích cực, tạo đà tăng trưởng

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtdothi- Kinh tế - xã hội 5 tháng 2024 của Hà Nội tiếp tục xu hướng tích cực. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng lần lượt 7,7% và 11,5%. Bên cạnh đó, cũng ghi nhận Hà Nội đứng thứ 2 trong cả nước về thu hút vốn FDI.

Xuất khẩu, công nghiệp tăng khá, gần 1,14 tỷ USD vốn FDI vào Hà Nội

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,3% và tăng 4,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 7,3% và tăng 13,6%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 2,5% và tăng 11,2%. Tính 5 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,7%; sản xuất và phân phối điện tăng 14,7%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 9,7%.

Tổng thu từ khách du lịch của Hà Nội 5 tháng tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh minh hoạ
Tổng thu từ khách du lịch của Hà Nội 5 tháng tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh minh hoạ

Tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn Hà Nội tiếp tục xu hướng tích cực. Trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 5 tháng ước tính đạt 7,16 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 15,98 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu một số nhóm hàng công nghiệp tăng khá như máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện kim ngạch xuất khẩu đạt 995 triệu USD, tăng 10,3%; máy móc thiết bị phụ tùng 920 triệu USD, tăng 15,7%. Hàng nông sản tăng 45,7%...

Trong tháng 5, TP Hà Nội đã thực hiện tốt công tác bình ổn thị trường, tăng cường kết nối cung cầu hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm. Tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá hấp dẫn đang được các nhà bán lẻ triển khai, nhằm kích cầu tiêu dùng, tăng doanh thu. Nhờ đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng cũng ghi nhận tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 337.000 tỷ đồng.

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 215.800 tỷ đồng, chiếm 64,1% tổng mức và tăng 10%. Tổng thu từ khách du lịch của Hà Nội sau 5 tháng đạt 45.856 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023. Trong 5 tháng, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 2,65 triệu lượt người, tăng 42,9% so với cùng kỳ năm trước. Hà Nội hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn dựa trên các lợi thế sẵn có và nghiên cứu đầu tư phát triển các loại hình sản phẩm mới gắn với lợi thế của từng địa phương như khai thác các tuyến du lịch đường thủy nội địa dọc sông Hồng, hồ Tây, hồ Đồng Mô hay phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm, du lịch thể thao… Sau khi 16 tour đêm đặc sắc Hà Nội được giới thiệu, ngành du lịch Thủ đô đang lên phương án mở rộng thêm tour đêm ngoại thành Hà Nội.

Trong tháng 5, có 3.248 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn trong 5 tháng là 12.900 doanh nghiệp.

Về thu hút đầu tư nước ngoài, 5 tháng qua toàn TP thu hút gần 1,14 tỷ USD vốn FDI. Trong đó đăng ký cấp mới 92 dự án với số vốn đạt 1,025 tỷ USD; 64 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 36,8 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 86 lượt, đạt 57,9 triệu USD, đưa Hà Nội đứng thứ 2 cả nước thu hút vốn FDI.

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn TP 5 tháng đầu năm 2024 ước thực hiện được 227.300 tỷ đồng, đạt 55,6% dự toán, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Tập trung các nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế xã hội những tháng cuối năm

Năm 2024 Hà Nội đề ra các nhiệm vụ giải pháp tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng gắn với kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của kinh tế Thủ đô. Dù đạt nhiều kết quả tích cực nhưng theo đánh giá của UBND TP Hà Nội, cần tập trung vào dư địa tăng trưởng của Hà Nội, giải quyết những vấn đề tồn tại như: giải ngân đầu tư công, xuất khẩu và còn nhiều vướng mắc, tồn đọng cũng như những phát sinh mới, tháo gỡ kịp thời. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp chưa vượt qua được những khó khăn, thử thách…

TP yêu cầu các ngành các cấp phải dự báo những khó khăn, thử thách, những rủi ro sẽ phải đối mặt trong thời gian tới và có những giải pháp cụ thể, đủ mạnh để tạo một chuyển biến tình hình và đạt kết quả những tháng cuối năm.

Trong đó, tăng cường kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện và kết quả giải ngân vốn đầu tư công. Để phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công các năm 2024, 2025 đạt tối thiểu 95% kế hoạch, TP. Hà Nội đặt ra 5 chuyên đề với những giải pháp cụ thể nhằm phấn đấu hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 ở mức cao nhất. Đó là đẩy nhanh công tác hoàn thiện các thủ tục đầu tư để đảm bảo điều kiện bố trí kế hoạch vốn; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm, quyết liệt triển khai các dự án trong từng ngành, lĩnh vực; tập trung giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án đang triển khai thực hiện; đánh giá tổng thể tình hình thực hiện, khả năng giải ngân vốn đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, năm 2024, 2025 để tham mưu điều chỉnh, điều hành Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021- 2025 cấp TP, báo cáo Thành ủy và trình HĐND TP tại kỳ họp tháng 7/2024; tập trung vào định hướng kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2026-2030. Theo đó, các chủ đầu tư, đơn vị liên quan rà soát toàn bộ nhiệm vụ, dự án chuyển tiếp sang Kế hoạch giai đoạn 2026-2030.

Theo dõi tình hình giá cả các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo ổn định thị trường các tháng cuối năm. Đẩy mạnh hoạt động liên kết phát triển du lịch vùng, đa ngành, lĩnh vực, kết hợp phát triển dịch vụ, thương mại; đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng; phát triển sản phẩm du lịch vùng. Tăng cường kết nối cung cầu trực tuyến, hướng đến tăng tính tương tác giữa chính quyền – doanh nghiệp, nhà cung cấp – hệ thống phân phối, doanh nghiệp – các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước.  Phát huy mô hình tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP của TP trong phát triển du lịch nông nghiệp – nông thôn.

Khẩn trương tháo gỡ những rào cản, vướng mắc góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Tiếp tục triển khai, từng bước hoàn thiện và đưa Hệ thống Quản trị thực thi trên nền tảng số trở thành công cụ hữu hiệu, nâng cao hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong hệ thống chính quyền TP. Đẩy mạnh thực chất chuyển đổi số, kinh tế số, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội tại của kinh tế Thủ đô.

 

Để Hà Nội tăng trưởng như kỳ vọng, cần tiếp tục tập trung vào một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, đột phá để thúc đẩy tăng trưởng; cũng như cân nhắc lợi thế cạnh tranh của Hà Nội với các TP khác. Đặc biệt, công nghiệp, các ngành công nghệ sẽ chính là mũi nhọn để giúp nền kinh tế của Hà Nội phát triển hơn nữa. (PGS.TS Trần Đình Thiên)