Kinh tế Hà Nội 8 tháng: Tăng trưởng ổn định, tạo đà cuối năm

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Kinh tế 8 tháng 2023 duy trì đà tăng trưởng, mang lại nhiều kỳ vọng cho Hà Nội trong kết quả phát triển kinh tế - xã hội ở những tháng tiếp theo, hướng đến đạt mục tiêu của cả năm.

Du lịch, đầu tư tiếp tục tăng

Số liệu từ Cục Thống kê TP Hà Nội, 8 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 495.000 tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 313.600 tỷ đồng, chiếm 63,4% tổng mức và tăng 10,9%. Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 65,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,2% và tăng 10% (dịch vụ lưu trú tăng 21,2%; dịch vụ ăn uống tăng 8,9%). Doanh thu du lịch lữ hành đạt 12.600 tỷ đồng, chiếm 2,5% và tăng 76,3%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 103.400 tỷ đồng, chiếm 20,9% và tăng 6,6% so với cùng kỳ.

Kinh tế Hà Nội tăng trưởng khá và ổn định trong 8 tháng qua
Kinh tế Hà Nội tăng trưởng khá và ổn định trong 8 tháng qua

Tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 16,9 triệu lượt khách, tăng 36,2% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 61.600 tỷ đồng, tăng 63,1% với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2023 của Hà Nội đạt 1.436 triệu USD, tăng 3,1% so với tháng trước và giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 846 triệu USD, lần lượt tăng 9,7% và giảm 5,2%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 590 triệu USD, giảm 5,1% và giảm 23,4%.

Tính chung 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hà Nội đạt 10,8 tỷ USD, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 6,1 tỷ USD giá trị xuất khẩu, giảm 0,7%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 4,7 tỷ USD, giảm 9,4%.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Hà Nội 8 tháng năm 2023 ước thực hiện 282.000 tỷ đồng, đạt 79,9% dự toán pháp lệnh năm và tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Nhờ sự phục hồi kinh tế, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào địa bàn, trong 8 tháng 2023, TP đã cấp giấy chứng nhận cho 21.100 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 208.800 tỷ đồng, tăng 7% về số doanh nghiệp nhưng giảm 6% vốn đăng ký so với cùng kỳ. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.

Tình hình kinh doanh và doanh nghiệp tại Hà Nội trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2023 cho thấy sự đa dạng và biến đổi của môi trường kinh doanh. Sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng doanh nghiệp mới thành lập phản ánh triển vọng tốt, cùng với đó là những thách thức từ thị trường. Đặc biệt, lĩnh vực đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục là một động lực quan trọng, thể hiện sự quan tâm và niềm tin của nhà đầu tư quốc tế đối với tương lai kinh tế của TP.

8 tháng năm 2023, toàn TP  thu hút 2.340 triệu USD vốn vốn đầu tư nước ngoài. Trong các địa bàn thu hút đầu tư, Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký chiếm gần 12,9% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp 2,89 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Kỳ vọng bứt phá cuối năm

Tình hình trong thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng vẫn còn nhiều cơ hội để TP có những chính sách linh hoạt, kịp thời, hiệu quả nhằm duy trì đà phát triển kinh tế.

Theo Sở KH&ĐT Hà Nội, để đạt chỉ tiêu tăng trưởng cả năm 2023 là 7,0% thì quý III phải tăng từ 7,54% trở lên, quý IV phải tăng từ 8,23% trở lên – đây là những nhiệm vụ rất thách thức, đòi hỏi các cấp, các ngành cần quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra từ đầu năm.

Trên cơ sở đó, UBND TP sẽ đảm bảo tăng trưởng ổn định kinh tế Thủ đô, kiểm soát lạm phát; tiếp tục củng cố, phát huy các động lực tăng trưởng; TP tập trung mục tiêu tăng trưởng, thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng chính là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.

Trong đó, đẩy mạnh thực hiện dự án và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhất là các công trình trọng điểm. Nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, đô thị và bảo vệ môi trường. Hoàn thành và trình duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai thực hiện nhiệm vụ đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; hoàn thành một số quy hoạch chi tiết khu chung cư cũ và đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án cải tạo chung cư cũ; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất…

Đẩy mạnh các hoạt động du lịch cuối năm 2023. Từ nay tới cuối năm, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tạo đột phá trong quảng bá du lịch, phối hợp với các đơn vị, quận huyện tổ chức 50 sự kiện quảng bá du lịch Thủ đô như: Lễ hội áo dài, Lễ hội quà tặng, Festival thu Hà Nội… Xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo tập trung vào thế mạnh của TP như Du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm, du lịch thể thao, du lịch MICE, du lịch golf, du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền; giảm thủ tục, chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…

Nhiệm vụ những tháng cuối năm rất nặng nề. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với những giải pháp đồng bộ, căn cơ và với quyết tâm rất cao của chính quyền địa phương và doanh nghiệp, người dân, Hà Nội vẫn có khả năng bứt phá để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm, góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu chung của cả nước.