Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế Hà Nội giữ nhịp tăng trưởng

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 10 tháng qua, kinh tế Thủ đô Hà Nội tiếp tục đà tăng trưởng. Các chỉ số tăng trưởng kinh tế tiếp tục duy trì tăng khá, môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện rõ rệt, lượng khách du lịch đến Hà Nội ngày càng cao.

Nhiều ngành duy trì tăng trưởng

Theo Cục Thống kê TP Hà Nội, trong 10 tháng 2024, nền kinh tế của TP tiếp tục đà phát triển sau khi đạt mức tăng trưởng GRDP 6,12%  trong 9 tháng năm 2024. (9 tháng năm 2023 tăng 5,99%).

TP. Hà Nội đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng các ngành kinh tế; hoàn thành chỉ tiêu GRDP năm 2024 tăng từ 6,5% trở lên. 
TP. Hà Nội đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng các ngành kinh tế; hoàn thành chỉ tiêu GRDP năm 2024 tăng từ 6,5% trở lên. 

Trong 10 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5%, sản xuất và phân phối điện tăng 9,6%, cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 10,9%.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 10 tháng trên địa bàn đạt 15,5 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,1 tỷ USD, tăng 15,1%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 6,4 tỷ USD, tăng 8,6%.

Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn và tăng mạnh so với cùng kỳ như: máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 2,3 tỷ USD, tăng 18,7%; hàng dệt, may 1,9 tỷ USD, tăng 8,3%; máy móc thiết bị phụ tùng đạt 1,9 tỷ USD, tăng 9,2%; hàng nông sản đạt 1,3 tỷ USD, tăng 43,9%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 632 triệu USD, tăng 0,4%; hàng hóa khác đạt 3,8 tỷ USD, tăng 10,6%.

Lũy kế 10 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội đạt 699,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 441,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 63,1% tổng mức trên. Thị trường có nguồn cung dồi dào, giá cả duy trì ổn định và tiếp tục sôi động.

Lũy kế 10 tháng qua, Hà Nội đã thu hút thêm 1,6 tỷ USD vốn FDI. Trong đó, đăng ký cấp mới 233 dự án với số vốn đạt trên 1,1 tỷ USD; 160 lượt tăng vốn đầu tư với 184 triệu USD; 192 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 208 triệu USD.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 10 tháng ước thực hiện 425,2 nghìn tỷ đồng, đạt 104,1% dự toán năm và tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2023. Hà Nội tiếp tục triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thu hút các nguồn vốn ngoài Nhà nước cho đầu tư phát triển. Tính chung 10 tháng năm 2024, vốn đầu tư thực hiện được 53,2 nghìn tỷ đồng, tăng 35,1% so với cùng kỳ năm trước và đạt 64,2% kế hoạch năm 2024.

Trong tháng 10, ngành du lịch Thủ đô tiếp tục đưa ra nhiều chương trình kích cầu du lịch nội địa nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô 10/10. Thành phố xây dựng đa dạng các hình thức truyền thông trên các nền tảng số, Website, nền tảng mạng xã hội và các hình thức tuyên truyền quảng bá khác phù hợp trên không gian mạng nhằm tạo sức lan tỏa lớn và thu hút khách đến Hà Nội. Trong tháng, TP đã tổ chức “Ngày hội văn hóa vì Hòa bình” kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô và kỷ niệm 25 năm Hà Nội được vinh danh Thành phố vì hòa bình; tổ chức Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024...

Khách du lịch quốc tế và nội địa đến TP Hà Nội tiếp tục tăng, đạt 586 nghìn lượt người, tăng 18,1% so với tháng trước và tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2024, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 5.110 nghìn lượt người, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động tín dụng sôi động. Trong tháng 10/2024, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng ước tính đạt 5.692 nghìn tỷ đồng, tăng 0,56% so với cuối tháng trước và tăng 6,68% so với thời điểm kết thúc năm 2023. Tổng dư nợ tín dụng đạt 4.153 nghìn tỷ đồng, tăng 0,61% so với cuối tháng trước và tăng 14,83% so với thời điểm kết thúc năm 2023.

Tái cơ cấu, chuyển dịch các ngành kinh tế; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo

Trong 2 tháng cuối năm, TP Hà Nội tiếp tục  thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phát triển kinh tế đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp hoàn thành các chỉ tiêu, lĩnh vực có lợi thế tăng trưởng như: tăng trưởng công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, xuất, nhập khẩu; nhất là các ngành du lịch, vui chơi, giải trí, vận tải, logistics... Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch.

TP tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu. Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm). Tiên phong trong khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành quả của CM 4.0; tập trung xây dựng Thủ đô thông minh.

Sau bão số 3 và mưa lũ, Hà Nội triển khai thực hiện các giải pháp, nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp. TP tập trung khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, TP sẽ tiếp tục trồng các loại cây trồng có giá trị cao hơn ở các vùng sản xuất lúa năng suất thấp. Trọng tâm sẽ được đặt vào chăn nuôi, tập trung vào chăn nuôi, tái cơ cấu đàn vật nuôi, thúc đẩy chăn nuôi chất lượng cao.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết, ngành sẽ tiếp tục chuyển dịch theo hướng kinh tế xanh, tuần hoàn, tập trung vào phát thải các-bon thấp, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Theo bà Oanh, ưu tiên thu hút đầu tư vào các dự án có giá trị lớn, có quy mô lớn. “Chúng tôi đặt mục tiêu phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, đồng thời tăng cường các ngành công nghiệp hỗ trợ cho các ngành ưu tiên của TP và vùng đồng bằng sông Hồng nói chung”- bà Kiều Oanh chia sẻ.

TP tiếp tục hỗ trợ các nhà đầu tư trong nước thúc đẩy thương mại và dịch vụ. TP yêu cầu Sở Du lịch Hà Nội tiếp tục xây dựng các tuyến du lịch kết nối các điểm tham quan địa phương để tập trung vào doanh thu cao thay vì số lượng du khách.

Về giao thông, hướng đến nhu cầu chuyển đổi xanh, đến năm 2030, TP sẽ thay thế toàn bộ đội xe buýt bằng xe xanh và thành lập các công ty xe buýt đạt tiêu chuẩn cao, tương tự như xếp hạng sao khách sạn…

Bên cạnh đó TP tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp. Thực hiện tốt Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, kết nối cung - cầu.

 

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2024 trên địa bàn Hà Nội tăng 0,28% so với tháng trước và tăng 2,20% so với cùng kỳ năm 2023. CPI bình quân 10 tháng năm 2024 tăng 4,61% so với bình quân cùng kỳ năm 2023.