Kinh tế Hà Nội - Hướng tới tăng trưởng bền vững

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày cuối cùng của năm 2015 sắp qua, đánh dấu một năm kinh tế - xã hội của Hà Nội đạt kết quả tích cực, toàn diện.

Tăng trưởng cao nhất trong 4 năm trở lại đây, nguồn vốn huy động và dư nợ tín dụng tăng cao; lạm phát được kiểm soát; thu ngân sách đạt khá; huy động đầu tư xã hội tăng cao hơn; an sinh xã hội được đảm bảo…

Vượt kế hoạch nhiều chỉ tiêu

Báo cáo mới nhất về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Cục Thống kê Hà Nội cho thấy, tổng sản phẩm GDP trên địa bàn năm 2015 tăng 9,24% cao hơn năm trước (8,8%), đồng thời cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Trong đó, giá trị ngành nông lâm nghiệp thủy sản tăng 2,47%, ngành công nghiệp xây dựng tăng 9,11%, ngành dịch vụ tăng 9,91%. Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tăng 12,6%; tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 11,7%, trong đó bán lẻ tăng 11,5%.
Biểu đồ một số ngành tăng đóng góp vào tổng sản phẩm GDP trên địa bàn thành phố.
Biểu đồ một số ngành tăng đóng góp vào tổng sản phẩm GDP trên địa bàn thành phố.
Về xuất nhập khẩu, tính chung cả năm, kim ngạch xuất khẩu tăng 2,5%, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 3,1%. Một số thị trường xuất khẩu lớn của Hà Nội là Mỹ (chiếm 16,4% tổng kim ngạch), Nhật Bản (chiếm 13,3%, Trung Quốc chiếm 12,5%)...

Năm 2015, TP Hà Nội đã triển khai các biện pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhằm thúc đẩy tăng trưởng sản xuất kinh doanh. Nhờ việc thực hiện rút ngắn thời gian đăng ký thành lập DN được rút ngắn từ 5 ngày xuống còn 3 ngày, số DN đăng ký thành lập mới năm 2015 ước tính khoảng 18.340 DN, tăng 33,7% so với năm 2014.

Các cấp, cơ quan quản lý Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo với những giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các DN hoạt động sản xuất kinh doanh. Phía DN cũng đã nỗ lực rất lớn, chủ động trong sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm để đẩy mạnh phát triển sản xuất, tiết giảm chi phí sản xuất, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại… Vì vậy, sản xuất công nghiệp năm 2015 trên địa bàn TP Hà Nội đã chuyển động theo hướng tích cực và đạt mức tăng trưởng khá, đóng góp 5,34% vào mức tăng chung.

Một điểm sáng nữa của kinh tế TP là tình hình thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng, năm 2015 thu hút 1,4 tỷ USD, vốn thực hiện ước đạt 1.100 triệu USD (tăng 8% so năm 2014). Một số dự án có vốn giải ngân lớn như Ngân hàng BNP Paribas - Chi nhánh Hà Nội (75 triệu USD), Công ty TNHH Aeon Mall Himlam (46,6 triệu USD), Dự án Tây hồ Tây (30 triệu USD), Lotte Coralis (30 triệu USD)... Theo đánh giá, năm 2015, tình hình đầu tư phát triển trên địa bàn Hà Nội có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước. Việc phân bổ kế hoạch đã tập trung cho nhóm dự án trọng điểm, không để tình trạng thiếu vốn cho các dự án này. Các chủ đầu tư, ban quản lý, đơn vị thi công các công trình trọng điểm của TP đều thực hiện đúng tiến độ yêu cầu. Công tác giải ngân kế hoạch vốn năm 2015 kịp thời, bám sát tiến độ thi công.

Thị trường bất động sản khởi sắc

Trong năm qua, thị trường bất động sản Hà Nội đã có nhiều dấu hiệu tích cực, khi các giao dịch thành công đạt tỷ lệ cao so với cùng kỳ năm trước. TP đã thực hiện một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường như điều chỉnh cơ cấu căn hộ nhà ở thương mại, chuyển đổi nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội… Các khối hành chính sự nghiệp như quản lý Nhà nước, giáo dục, văn hóa, y tế… vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá.

Nhờ bức tranh kinh tế tăng trưởng khả quan, tổng thu ngân sách trên địa bàn dự kiến đạt 146.585 tỷ đồng, tăng 3,5% so với dự toán năm. Hoạt động tín dụng chuyển biến khá, tăng 19,5% so với năm trước. Trong những tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bám sát tình hình thị trường, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, triển khai thực hiện các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn cho DN và cá nhân mở rộng tín dụng.

Du lịch, dịch vụ sôi động cuối năm
Năm 2016 diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước và cũng là năm đầu tiên TP Hà Nội triển khai thực hiện Nghị quyết Đảng bộ TP lần thứ 16. Trên cơ sở ước thực hiện Kế hoạch năm 2015 và giai đoạn 2011 - 2015, với quyết tâm cao, tin rằng Thủ đô sẽ có những bước phát triển nhanh, vững chắc, xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, đời sống Nhân dân ngày càng được cải thiện.
TS Nguyễn Đình Dương - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội
5 năm tới, Hà Nội sẽ hội nhập rất sâu và rộng cùng với các hiệp định kinh tế mới. Với vị thế là đầu não chính trị, trung tâm kinh tế, Hà Nội phải là TP của những ngành có giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại và giảm bớt những sản phẩm, dịch vụ ở mức trung bình, thấp. Mục tiêu tăng trưởng phải đi kèm với tái cấu trúc được kinh tế Thủ đô. Hà Nội có hàng trăm viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng với hàng vạn nhà khoa học, hàng ngàn nhà khoa học đầu ngành của các lĩnh vực; được đầu tư xây dựng các khu công nghệ cao và các cơ sở KH&CN với tiềm năng mạnh. Vì vậy, nếu khai thác, phát huy tốt nguồn lực trí tuệ này, nhất định Hà Nội sẽ phát triển kinh tế tri thức hiệu quả và bền vững.
TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý Kinh tế T.Ư

Những tháng cuối năm 2015, hoạt động du lịch tiếp tục được đẩy mạnh. Trong tháng 12/2015, khách quốc tế đến lưu trú tại Hà Nội đạt 211,4 ngàn lượt khách, tăng 4,4% so với tháng trước. Dự kiến cả năm 2015, khách quốc tế đến Hà Nội đạt 2.236 ngàn lượt khách, tăng 9,6% so cùng kỳ. Khách quốc tế ở tại Hà Nội đến từ một số thị trường so với cùng kỳ tăng khá là Trung Quốc tăng 39%, Hàn Quốc tăng 36,9%; Thái Lan tăng 27,1%.

Hà Nội được tạp chí du lịch trực tuyến Trip Avisor xếp hạng điểm đến hấp dẫn thứ 4 trên thế giới và là một trong 10 TP có giá phục vụ ăn uống tại phòng rẻ nhất thế giới.

Cục thống kê Hà Nội cũng cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của TP Hà Nội năm 2015 tăng 0,7% so với bình quân cùng kỳ. Còn chỉ số CPI tháng 12/2015 giảm 0,03% so với tháng trước và tăng 0,89% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, lĩnh vực dịch vụ của TP tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, có lợi thế cạnh tranh. Việc triển khai hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, tạo hiệu ứng lan tỏa, chất lượng bảo đảm và giá cả ổn định đã góp phần bình ổn thị trường.

Theo báo cáo của Sở Công Thương, dự báo tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tại Hà Nội trong tháng Tết Bính Thân 2016 tăng khoảng 10 - 15% so với các tháng trong năm (tăng 20% so với tết Nguyên đán Ất Mùi 2015). Chính vì vậy, việc chuẩn bị có đủ nguồn hàng nhằm đảm bảo bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết là yêu cầu mà TP Hà Nội đặc biệt coi trọng.

Về tình hình vận tải, theo Cục Thống kê TP Hà Nội, khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 12/2015, tăng 2,3% so tháng trước và tăng 9,2% so cùng kỳ, doanh thu tăng 2,6% và 11,7%. Ước cả năm 2015, khối lượng hàng hóa vận chuyển tăng 7,7% so cùng kỳ, khối lượng hàng hóa luân chuyển tăng 8,9%, doanh thu tăng 10,8%.

Để chuẩn bị tổ chức cho Nhân dân đón Tết dương lịch và Tết cổ truyền 2016, UBND TP Hà Nội đề nghị các cấp thực hiện tốt chương trình bình ổn giá, chuẩn bị đủ nguồn hàng hóa đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân; tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái… Cùng với đó, đảm bảo các dịch vụ đô thị như cung cấp điện nước, vệ sinh môi trường, đảm bảo chiếu sáng, trang trí và làm đẹp TP trong dịp Tết… Từ nay đến dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán 2016, Công an Hà Nội chủ động phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông, công an các tỉnh có địa bàn giáp ranh bố trí lực lượng tổ chức phân luồng phương tiện từ xa để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Lấy đà cho năm 2016

Năm 2015, đánh dấu bước phát triển mới của kinh tế Hà Nội. Những kết quả trong cả giai đoạn vừa qua sẽ tạo nền tảng cho giai đoạn tiếp theo, hướng tới tăng trưởng cao hơn, bền vững hơn.

Năm 2016, Hà Nội đặt quyết tâm đạt mức tăng trưởng nhanh, mạnh và bền vững hơn, với tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn từ 8,5 - 9,0%, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 85 - 87 triệu đồng... Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đặt  ra không đơn giản khi kinh tế thế giới còn khó khăn, cơ hội từ các FTA kiểu mới đang mở ra, nhưng năng lực hấp thu cơ hội của nền kinh tế chung còn có hạn. Để chủ động đón đầu khi nền kinh tế tham gia hội nhập sâu, TP tiếp tục chú trọng các giải pháp mạnh hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh. Ngoài ra, phát huy lợi thế của ngành "công nghiệp không khói", thu hút hơn nữa khách du lịch trong và ngoài nước đến với Thủ đô, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, các dự án giao thông, hạ tầng, tạo nền tảng cho đô thị phát triển bền vững trong tương lai.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2016 của Hà Nội mới đây, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: "Phát huy kết quả đã đạt được, năm 2016, Hà Nội tiếp tục thi đua thực hiện hiệu quả 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, hướng đến thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2016. Trong đó, chú trọng các phong trào thi đua "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới", "Năm trật tự văn minh đô thị"; đẩy mạnh công tác quy hoạch và xây dựng nông thôn mới, tăng cường quản lý đất đai, đô thị; đẩy mạnh công tác quản lý và phát triển các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học, y tế, thể dục thể thao; chủ động thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chú trọng giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững…".