Trong bối cảnh đó, Hà Nội vẫn nỗ lực, tiếp tục tăng trưởng khá. Kết quả quý I là tiền đề cho Hà Nội thực hiện quý II và những tháng còn lại của năm 2016.
Đóng góp từ công nghiệp, thu hút đầu tư
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong quý I/2016 tăng 6,95% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng 7,43%, dịch vụ tăng 7,5% (trong khi tốc độ tăng khu vực công nghiệp chậm lại, xuất khẩu cả nước thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước). Theo đánh giá của Cục Thống kê Hà Nội, 3 tháng đầu năm 2016, sản xuất công nghiệp của Hà Nội tăng khá so với cùng kỳ là do các DN tập trung nguồn lực sản xuất và tích lũy hàng hóa phục vụ nhu cầu thị trường Tết Nguyên đán, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp – xây dựng tăng 7,43% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 2,23 điểm phần trăm vào mức tăng chung; riêng khối công nghiệp tăng 7,54%... Các DN xây dựng vẫn giữ được đà phát triển, nhiều dự án phát triển giao thông đã được khởi công xây dựng và được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo. Đặc biệt là những dự án phát triển đường cao tốc; các dự án phát triển hạ tầng, phát triển đô thị đã được chủ đầu tư và các nhà thầu tập trung triển khai thi công ngay từ những ngày đầu năm. Ước tính quý I, kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội đạt 2,56 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt 5,71 tỷ USD. Công tác quản lý thị trường, bình ổn giá được lưu tâm...
Về tín dụng, số liệu của Cục Thống kê Hà Nội cho thấy, trong quý I, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng 1,2% so với cùng kỳ, đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh và các nhu cầu đầu tư khác, cũng như đảm bảo về thanh khoản của các tổ chức tín dụng. Trong khi dư nợ tín dụng trên địa bàn được cải thiện. Ngay từ đầu năm, các giải pháp về thu ngân sách (NS) được các cấp, các ngành của TP thực hiện đồng bộ, khẩn trương, nhờ đó, tổng thu NS ước đạt trên 44.000 tỷ đồng, bằng 26,5% dự toán, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý I, Hà Nội dự kiến thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa 16 DN.
Đặc biệt, Hà Nội có sự cải thiện tích cực về môi trường đầu tư, hoạt động của khu vực DN, thu hút khách du lịch quốc tế. Đến 28/3, Hà Nội đã thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) cấp mới và tăng vốn 810,2 triệu USD, tăng 5 lần so với cùng kỳ, đứng đầu cả nước. Ngày 30/3, UBND TP Hà Nội đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Samsung của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam có vốn đầu tư 300 triệu USD, dự kiến đưa vào hoạt động từ tháng 1/2020, thu hút khoảng 4.000 lao động nghiên cứu và phát triển các sản phẩm điện, điện tử và viễn thông công nghệ cao.
“Chỉ số PCI của Hà Nội đã tăng nhẹ từ vị trí thứ 26 lên vị trí thứ 24. Chúng tôi ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực trong thay đổi điều hành của lãnh đạo TP Hà Nội hiện nay” - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay. Trong các chỉ số thành phần của PCI, Hà Nội được điểm số khá cao về chi phí gia nhập thị trường khi rút ngắn thời gian đăng ký thành lập DN xuống còn 3 ngày. Chỉ số chi phí thời gian thực hiện các thủ tục hành chính cũng có những kết quả đáng kể.
Đột phá cải cách hành chính
Với vị trí dẫn đầu về thu hút FDI, đây là tín hiệu khá lạc quan cho môi trường đầu tư của Hà Nội. TP đã tập trung thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh và tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Điều đáng ghi nhận là Hà Nội đã tận dụng thế mạnh là trung tâm sản xuất và giao thương đầu mối của khu vực phía Bắc để thu hút nguồn vốn vào lĩnh vực công nghệ có giá trị gia tăng lớn, hàm lượng chất xám cao. Đặc biệt, những năm qua, làn sóng đầu tư vào lĩnh vực phân phối diễn ra khá mạnh với sự xuất hiện một số siêu thị, trung tâm thương mại lớn như BigC, Metro, Parkson, Lotte… góp phần tạo dựng hệ thống hạ tầng thương mại hiện đại trên địa bàn.
Dù đã đạt được những kết quả khả quan, song Hà Nội cũng đang gặp nhiều khó khăn và thách thức trong phát triển. Kinh tế thế giới và trong nước tăng trưởng chậm lại, thu - chi ngân sách cả nước còn khó khăn. Trong quý I, dù khu vực DN có nhiều khởi sắc, nhưng còn nhiều khó khăn, chỉ số hàng tồn kho vẫn tương đối cao. Xuất khẩu của Hà Nội tăng trong 3 tháng nhưng tháng 3, xuất khẩu giảm 3,2% so với cùng kỳ. Một số ngành có mức tăng trưởng thấp hơn so với toàn ngành như dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 5,18%), kinh doanh bất động sản (tăng 5,26%), tài chính ngân hàng, bảo hiểm (tăng 6,61%)...
“Hà Nội có những khó khăn đặc thù, tốc độ đô thị hóa rất nhanh, dân số tăng cao, cơ sở hạ tầng quá tải và chưa đồng bộ, thiên tai, biến đổi khí hậu… tạo áp lực lớn trong quá trình lãnh đạo chỉ đạo tổ chức thực hiện” - Cục Thống kê Hà Nội chỉ ra. Đánh giá lại nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong quý I, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: Từ TP đến các sở, ban, ngành và các quận, huyện, thị xã đã vào cuộc quyết liệt, kết quả quý I là tiền đề cho thực hiện quý II và những tháng còn lại của năm 2016. Việc tổ chức thực hiện tại các sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã trên tinh thần đổi mới, cải cách, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ đặt ra. Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, trọng tâm quý II/2016 đã được TP xác định quyết liệt, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; rà soát thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, giảm thủ tục, rút ngắn thời gian; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, nhất là trong các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai. Trong công tác cải cách hành chính, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, hiện đại hóa hành chính… cũng đã được Chủ tịch UBND TP tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, đề án theo kế hoạch…
Sản xuất thủy tinh chất lượng cao cho đĩa DVD tại Công ty HOYA, khu công nghiệp Thăng Long. Ảnh: Thanh Hải
|