Kinh tế Hà Nội: Nhiều ngành, lĩnh vực hồi phục

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tăng trưởng GRDP 6 tháng 2022 cao hơn mức tăng của cùng kỳ các năm gần đây, đồng thời thể hiện xu hướng phục hồi của nhiều ngành, lĩnh vực.

Cục trưởng Cục Thống kê Đậu Ngọc Hùng thông tin tại họp báo công bố tình hình kinh tế Thủ đô 6 tháng đầu năm 2022 do cơ quan này tổ chức sáng 30/6.

Cục Thống kê TP Hà Nội họp báo công bố tình hình kinh tế Thủ đô 6 tháng đầu năm 2022
Cục Thống kê TP Hà Nội họp báo công bố tình hình kinh tế Thủ đô 6 tháng đầu năm 2022

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2022 ước tính tăng 7,79% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý I tăng 6,02%; quý II tăng 9,49%. Tăng trưởng GRDP quý II năm nay đạt mức cao so với quý I và cùng kỳ các năm trước nhờ Thành phố triển khai thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch, mở cửa trở lại các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, dịch vụ, vui chơi giải trí tập trung đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế.

Trong 6 tháng đầu năm, Hà Nội cùng cả nước thực hiện tốt việc thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả trong tình hình mới. Các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch , văn hóa, thể thao được đẩy mạnh đã tiếp đà tích cực cho sự phục hồi của ngành thương mại, dịch vụ, nhất là trong quý II/2022 với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 24,3% so với cùng kỳ năm trước. 

Khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm ước tính tăng 9,05% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 6,4%; quý II tăng 11,68%), đóng góp 5,91 điểm % vào mức tăng GRDP, trong đó, các ngành đóng góp lớn vào mức tăng trưởng GRDP 6 tháng.

Cục Thống kê Hà Nội cho biết, quý II/2022, năm nay là “thời điểm vàng” để hoạt động du lịch Thủ đô khởi sắc, phục hồi sau đại dịch. Cùng với sự kiện SEA Games 31 và sự ủng hộ nhiệt tình của người dân, TP Hà Nội tích cực tổ chức nhiều hoạt động Lễ hội, văn hóa, giải trí, tăng cường quảng bá nhằm kích cầu du lịch. Đồng thời, các công ty Lữ hành cũng đưa ra nhiều tour du lịch mới với chương trình giảm giá, khuyến mại hấp dẫn, qua đó số lượt khách du lịch đến Hà Nội trong quý II/2020 tăng mạnh so với quý I/2022 và cùng kỳ năm trước.

Khách quốc tế đến Hà Nội (do cơ sở lưu trú phục vụ) ước tính quý II/2022  gấp 3,9 lần quý I/2022 và gấp 3,7 lần cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Hà Nội gấp 2,3 lần cùng kỳ năm trước (6 tháng đầu năm 2021 giảm 85,5%). Khách du lịch trong nước (do cơ sở lưu trú phục vụ) ước tính quý II/2022 tăng 36,9% so với quý trước và tăng 88,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, khách du lịch trong nước tăng 41,7% so với cùng kỳ năm trước (6 tháng đầu năm 2021 giảm 18,9%).

Khu vực công nghiệp và xây dựng 6 tháng đầu năm 2022 ước tính tăng 6,31% so với cùng kỳ năm 2021 (quý I/2022 tăng 5,95%; quý II/2022 tăng 6,61%), đóng góp 1,27 điểm % vào mức tăng GRDP.

Hoạt động sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm tiếp tục phục hồi tích cực. Cùng với việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các Khu, Cụm công nghiệp trên địa bàn, TP đã chủ động triển khai các giải pháp, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp sản xuất và lưu thông hàng hóa. Tuy nhiên, giá nhiên liệu và nguyên vật liệu tăng cao đã ảnh hưởng đến chi phí đầu vào và hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp.

Trong 6 tháng đầu năm nay, hầu hết các ngành chế biến, chế tạo có chỉ số IIP tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số ngành đạt mức tăng cao như: Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 20,3%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 18,5%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 16,1%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 15,5%; sản xuất phương tiện vận tải tăng 11,3%.

Về đầu tư xây dựng, 6 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn TP đạt 180,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn Nhà nước đạt 58,9 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6%; vốn ngoài nhà nước đạt 109,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 12,6 nghìn tỷ đồng, tăng 9,2%.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý II ước tính đạt 4.421 triệu USD, tăng 13,4% so với quý I và tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 8,3 tỷ USD, tăng 17,1% so cùng kỳ năm 2021. Một số mặt hàng chủ yếu có kim ngạch xuất khẩu tăng trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ như: Hàng dệt, may đạt 1.220 triệu USD, tăng 29,6%; linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi đạt 1.072 triệu USD, tăng 20,2%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 765 triệu USD, tăng 2,7%; xăng dầu đạt 647 triệu USD, gấp 2,3 lần; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 439 triệu USD, tăng 27,9%...

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): tháng 6, Hà Nội thu hút 46,2 triệu USD, trong đó: Có 38 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 7,7 triệu USD; có 22 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đầu tư đăng ký đạt 7 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần cổ phần 31 lượt, đạt 31,5 triệu USD. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, toàn TP thu hút 767,1 triệu USD vốn FDI, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 6, TP Hà Nội có 2.859 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 31,9 nghìn tỷ đồng, giảm 25%; thực hiện thủ tục giải thể cho 317 doanh nghiệp, tăng 33%; 879 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 23%; 627 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 16%. Cộng dồn 6 tháng đầu năm 2022, Hà Nội có gần 15.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký đạt 184,1 nghìn tỷ đồng, tăng 1%; thực hiện thủ tục giải thể cho gần 1,9 nghìn doanh nghiệp, tăng 13%; gần 11,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 51%; 6,6 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 14%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.

Cục trưởng Cục Thống kê Hà Nội Đậu Ngọc Hùng nhận định, nếu những tháng tiếp theo, lạm phát được kiểm soát, giá nhiên liệu và nguyên vật liệu đầu vào không tăng mạnh thì 41,8% số doanh nghiệp dự kiến quý III/2022 sẽ tốt lên so với quý II/2022; 41,8% số doanh nghiệp cho rằng, tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ ổn định và 16,4% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn. Trong đó, 85,2% số doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh quý III/2022 sẽ tốt và giữ ổn định hơn so với quý II/2022.