Kinh tế Hà Nội phục hồi mạnh mẽ

TS Nguyễn Minh Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quá trình phục hồi kinh tế Thủ đô là vững chắc, toàn diện và ghi nhận nhiều lĩnh vực vượt trội so với cả nước.

Sự cộng hưởng động lực tăng trưởng và sự năng động, lạc quan của cộng đồng DN trên địa bàn đã, đang và sẽ tạo đà tích cực cho kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển và cán đích các chỉ tiêu nhiệm vụ kinh tế kế hoạch đặt ra cho cả năm 2022.

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Trong suốt 9 tháng qua, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương triển khai nghiêm túc các chính sách, chỉ đạo của T.Ư, cũng như các kế hoạch, chương trình của TP về ứng phó an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022…

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh và các đại biểu khởi công dự án xây dựng hầm chui nút giao Giải Phóng - Kim Đồng với đường Vành đai 2,5 ngày 6/10. Ảnh: Tuấn Anh
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh và các đại biểu khởi công dự án xây dựng hầm chui nút giao Giải Phóng - Kim Đồng với đường Vành đai 2,5 ngày 6/10. Ảnh: Tuấn Anh

Để hỗ trợ DN và tăng động lực phục hồi kinh tế, TP đã triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ DN và người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, như giảm 2% thuế VAT, gia hạn nộp thuế thu nhập DN, giảm lệ phí trước bạ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất và cho vay mới với lãi suất ưu đãi, tăng cho vay ủy thác qua Ngân hàng Chính sách...

Bên cạnh đó, TP quyết liệt đốc thúc việc giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, công trình lớn, quan trọng, thiết yếu, các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, giao thông, dịch vụ, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các làng nghề, làng nghề truyền thống.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai đồng bộ hệ thống báo cáo điện tử và hệ thống văn phòng điện tử dùng chung trên địa bàn TP; tiếp tục thực hiện lộ trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, từng bước hình thành chính quyền số, phát triển đô thị thông minh.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Các cơ quan chức năng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi và tăng tốc thực hiện Đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025, Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP giai đoạn 2019 - 2025, chương trình hỗ trợ DN chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025; hỗ trợ DN đầu tư nghiên cứu và đổi mới công nghệ; hỗ trợ khai thác và phát triển sản phẩm trí tuệ; hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao và đổi mới công nghệ cho các đề tài nghiên cứu của DN…

TP cũng quan tâm tổ chức tốt việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách pháp luật để "biết, hiểu, đồng thuận, tự nguyện và lan tỏa” đến người dân và cộng đồng DN, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng đã tăng cường các biện pháp quản lý tốt thị trường, giá cả; bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa; giám sát chặt chẽ biến động giá các mặt hàng thiết yếu, có biện pháp điều hành bình ổn giá phù hợp; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm, trợ giúp thường xuyên và đột xuất đối với đối tượng yếu thế, trong đó đảm bảo lương thực, thực phẩm và các dịch vụ thiết yếu, dịch vụ y tế cho người dân…

Nhiều chỉ số ấn tượng

Những nỗ lực nêu trên của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và người dân trên địa bàn đã được ghi nhận qua những chỉ số phát triển ấn tượng: Tính chung 9 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm trước, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Hà Nội tăng 9,69%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,6%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 19,6% (cả nước tăng 17,3%) đạt 13,1 tỷ USD (trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,1 tỷ USD, tăng 18,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 6 tỷ USD, tăng 21,1%. Hàng dệt may đạt 2,04 tỷ USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ; linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi đạt 1,775 tỷ USD, tăng 26,4%; máy móc, thiết bị phụ tùng đạt 1,516 tỷ USD, tăng 3,5%...).

Tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 21,8% (cả nước tăng 13,0%). Thu hút 1.697.000 lượt khách du lịch, gấp 2,3 lần cùng kỳ, hoàn thành trước 3 tháng kế hoạch chỉ tiêu đón khách du lịch cả năm 2022 của TP. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 33,1% (cả nước tăng 21,0%); Toàn TP thu hút 1,019 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, đăng ký cấp mới 262 dự án với số vốn đạt 183 triệu USD (tăng 6,5% số dự án và tăng 12,5% số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021); có 141 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với số vốn tăng 336 triệu USD (tăng 51,6% số dự án và giảm 31,8% số vốn đăng ký). Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 286 lượt với số vốn đạt 500 triệu USD, tăng 83,8%.

Dư nợ cho vay chương trình tín dụng trên địa bàn TP theo chương trình kết nối ngân hàng - DN chiếm 20,9% trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế; cho vay đối với DN nhỏ và vừa chiếm 19,1%; chương trình nông nghiệp, nông thôn chiếm 9,0%; cho vay xuất khẩu chiếm 5,2%; cho vay công nghiệp hỗ trợ chiếm 2,4%; cho vay DN ứng dụng công nghệ cao chiếm 0,4%; cho vay chính sách xã hội chiếm 0,5%... Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tăng 22,1% (cả nước tăng 12,5%); Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,49% (cả nước tăng 2,73).

Đặc biệt, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2022 cho thấy: Có 36,5% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý III/2022 tốt hơn quý II/2022; 88,8% số DN nhận định xu hướng quý IV/2022 sẽ tiếp tục ổn định và tốt hơn so với quý III/2022.

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 9 tháng năm 2022 ước thực hiện 244.100 tỷ đồng, đạt 78,3% dự toán và tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2021. TP đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng thu ngân sách, đẩy mạnh công tác quyết toán những dự án hoàn thành; tăng cường giải ngân vốn đầu tư công; chỉ đạo điều hành chi ngân sách đúng quy định, đáp ứng nhiệm vụ chi thường xuyên, trong đó ưu tiên các nhiệm vụ chi phục hồi kinh tế…

Những kết quả trên cho thấy quá trình phục hồi kinh tế Thủ đô là vững chắc, toàn diện và ghi nhận nhiều điểm sáng lĩnh vực vượt trội so với cả nước. Sự cộng hưởng động lực tăng trưởng và sự năng động lạc quan của cộng đồng DN trên địa bàn đã, đang và sẽ tạo đà tích cực cho kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển và cán đích các chỉ tiêu nhiệm vụ kinh tế, kế hoạch đặt ra cho cả năm 2022 và tới đây…

 

Hà Nội có gần 22.000 DN đăng ký thành lập mới, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn đăng ký đạt 241.700 tỷ đồng, tăng 2%. Ngoài ra, có hơn 8.100 DN hoạt động trở lại, tăng 0,3%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký DN qua mạng được duy trì 100%, bảo đảm chất lượng và đúng hạn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần