Kinh tế Hà Nội Quý I/2022: Quyết sách đúng tạo hiệu quả tích cực

Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19 đã giúp TP Hà Nội từng bước trở lại trạng thái bình thường mới. 3 tháng đầu năm 2022, kinh tế - xã hội của TP phục hồi rõ nét, toàn diện, đồng bộ và quan trọng là đã theo đúng lộ trình, kế hoạch đề ra.

Đây được coi là dấu mốc đặc biệt của Hà Nội sau hơn 2 năm đầy thách thức và khó khăn vì dịch bệnh.

Giải pháp phù hợp, thận trọng

Hà Nội đã bước qua đỉnh dịch khi liên tiếp ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới giảm mạnh, từ gần 32.000 ca/ngày (ngày 11/3/2022) xuống còn hơn 4.000 ca ngày 6/4. Theo Sở Y tế Hà Nội, số ca chuyển nặng, nguy kịch tại Hà Nội đang giảm dần trong thời gian gần đây, chỉ khoảng 0,1% tổng số ca đang theo dõi, điều trị. Tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại Hà Nội là rất thấp, chỉ chiếm 0,09%. Điều đó cho thấy TP Hà Nội đã vượt qua được thời điểm khó khăn nhất và đang nhanh chóng chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Kinh tế Hà Nội phục hồi trong quý I/2022. Nguồn: Cục Thống kê Hà Nội
Kinh tế Hà Nội phục hồi trong quý I/2022. Nguồn: Cục Thống kê Hà Nội

Nhịp sống sôi động như những nhịp đập mạnh mẽ ở nơi “trái tim của cả nước” đang trở lại. Người dân Hà Nội đang dần thích ứng để an toàn khi “sống chung với dịch”. Hàng quán, các loại hình dịch vụ đã hoạt động trở lại bình thường. Các điểm du lịch mở cửa hoạt động, nhất là tại khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, kéo theo nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật diễn ra đang thu hút khách trong nước và quốc tế đến với Hà Nội. Sinh viên, học sinh các cấp phấn khởi khi đang dần được quay lại trường học sau một thời gian dài phải học trực tuyến tại nhà. Đây là thành quả của chiến lược phòng, chống dịch đúng đắn của TP Hà Nội.

Xác định vaccine là vũ khí quan trọng nhất để chiến thắng dịch bệnh, Hà Nội đã tiêm trên 16,5 triệu mũi vaccine phòng Covid-19. Người từ 12 tuổi trở lên cơ bản đã 99,5%; mũi 3 đã tiêm hơn 86%... Chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân ở Hà Nội với các tổ lưu động đã đến tận nhà hoàn thành tiêm cho gần 120.000 người có nguy cơ cao. Bên cạnh đó, ngành Y tế TP đã thực hiện tốt công tác điều trị tại các tầng điều trị, hạn chế thấp nhất tử vong.

Có thể nói, TP Hà Nội đã chủ động chuẩn bị các kịch bản chống dịch, ngay cả khi số ca nhiễm tăng cao nhất cả nước cũng không lúng túng, bị động, mà luôn có sự điều tiết, khoa học, có hệ thống từ TP đến cơ sở, thể hiện rõ nét phương châm “4 tại chỗ”.

Những tín hiệu khởi sắc

Những giải pháp đúng hướng, quyết sách phù hợp trong từng thời điểm đã mang đến hiệu ứng tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của TP. Bức tranh kinh tế của TP Hà Nội đang có những tín hiệu khởi sắc, thể hiện sức bật của các ngành kinh tế trọng yếu đang dần phục hồi sau một năm 2021 đầy sóng gió bởi dịch bệnh hoành hành.

Tổng sản phẩm trên địa bàn TP (GRDP) trong quý I tăng 5,83% so với cùng kỳ năm ngoái - gấp 1,16 lần cả nước (5,03%), là một trong những dấu hiệu khôi phục tăng trưởng rõ nhất. Trong đó, dịch vụ tăng 6,15%, công nghiệp - xây dựng tăng 5,61%; nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,39%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,92%. Đây là mức tăng rất quan trọng với xu hướng phục hồi đà tăng trưởng ở nhiều ngành, lĩnh vực.

Các cân đối lớn được đảm bảo. Tổng thu NSNN trên địa bàn thực hiện quý I/2022 là 102.402 tỷ đồng, đạt 32,9% dự toán, tăng 19,6% so với cùng kỳ. Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, tổng vốn đầu tư phát triển quý I đạt 76,26 nghìn tỷ đồng, tăng 7,8%. Có 6.250 DN thành lập mới với số vốn đăng ký 95.000 tỷ đồng.

Hầu hết chỉ tiêu kinh tế quan trọng của TP đều tăng như: Chỉ số sản xuất công nghiệp; kim ngạch xuất, nhập khẩu; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Đa số các ngành sản xuất chế biến, chế tạo tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 3, ngành du lịch cũng có dấu hiệu “ấm lên” khi khách du lịch đến Hà Nội đạt khoảng 2,8 triệu lượt, tăng 45,3% so với cùng kỳ; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 7,8 nghìn tỷ đồng, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm 2021. Hai con số tăng trưởng trên của ngành du lịch TP Hà Nội có được là nhờ chính sách mở cửa đón khách du lịch trong nước và quốc tế. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, giữ vững.

Đặt lộ trình bứt tốc phát triển kinh tế

Bên cạnh sự chủ động kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, TP còn thẳng thắn nhìn nhận những việc còn tồn tại, đề ra giải pháp khắc phục. Riêng trong cuối tháng 3/2022, UBND TP Hà Nội đã ban hành 2 kế hoạch đáng lưu ý, đó là Kế hoạch số 90/KH-UBND ngày 21/3/2022 về khắc phục những hạn chế khuyết điểm về tăng trưởng kinh tế của TP Hà Nội được chỉ ra sau hội nghị kiểm điểm năm 2021 và Kế hoạch số 101/KH-UBND ngày 31/3/2022 về khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Việc chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm là cơ sở quan trọng để UBND TP tìm ra nhiệm vụ, giải pháp thực chất của từng cơ quan, đơn vị nhằm nhanh chóng khôi phục kinh tế, thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch Covid-19, sớm đưa Thủ đô về trạng thái bình thường mới.

Tại hội nghị giao ban UBND TP Hà Nội quý I/2022, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh đã yêu cầu các cấp, các ngành cần tập trung triển khai công việc một cách trọng tâm, trọng điểm, chọn việc và giải quyết dứt điểm các công việc có tác động lan tỏa ngay đến phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong điều hành chỉ đạo. “Các đơn vị cần quyết tâm, nỗ lực hơn nữa để tăng tốc hoàn thành bằng được các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022” - Chủ tịch UBND TP đề nghị.

Người đứng đầu chính quyền TP cũng yêu cầu tập trung phát triển các ngành kinh tế tiềm năng; thúc đẩy tăng trưởng các nhóm ngành quan trọng như Dịch vụ, Công nghiệp - xây dựng, đẩy mạnh xuất nhập khẩu. Tháo gỡ ngay khó khăn cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách nhằm khơi thông nguồn lực, kích cầu đầu tư.

Mặc dù các hoạt động cơ bản đã được mở cửa trở lại trong trạng thái bình thường mới, song, biến chủng của virus SARS-CoV-2 tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca mắc mới vẫn ở mức cao, do đó, các cấp, ngành và các địa phương không thể lơ là, chủ quan - đó là tinh thần lãnh đạo TP liên tục quán triệt.

Cùng với triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội quan trọng đặt ra với địa bàn Thủ đô, các đơn vị sở, ngành, địa phương cần tiếp tục bám sát diễn biến dịch bệnh để kiểm soát tốt, ứng phó kịp thời với các tình huống xảy ra, đặc biệt là trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và thời gian diễn ra SEA Games 31.

 

"Số ca mắc trong kỳ cuối tháng 3 trở lại đây giảm mạnh (giảm khoảng 45% so với kỳ báo cáo trước) cho thấy TP đã từng bước kiểm soát hiệu quả tình hình, quan trọng đã thực hiện tốt các mục tiêu cốt lõi trong công tác phòng chống dịch: Tỷ lệ ca chuyển nặng và tử vong giảm, đẩy mạnh bao phủ tiêm chủng mũi 2,3, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết cơ bản thủ tục hành chính cho người dân." - Chánh Văn phòng UBND TP Trương Việt Dũng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần