Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế Hà Nội quý I/2023: Điểm sáng xen với thách thức

TS Nguyễn Minh Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước được dự báo sẽ kém thuận lợi hơn năm 2022, ngay từ đầu năm 2023, Hà Nội đã chủ động và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thích ứng với biến động thị trường.

Bởi vậy, cùng với cả nước, kinh tế Thủ đô Hà Nội trong quý I/2023 ghi nhận nhiều điểm sáng, song cũng đối diện với nhiều khó khăn.

Hoạt động sản xuất tại Công ty cổ phần cơ khí chính xác và chuyển giao công nghệ PMTT, Khu công nghiệp Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Hoạt động sản xuất tại Công ty cổ phần cơ khí chính xác và chuyển giao công nghệ PMTT, Khu công nghiệp Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Động lực và kết quả tăng trưởng khá đồng đều

GRDP quý I/2023 của Hà Nội tăng 5,8%, đứng vị trí thứ 3/5 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư và thứ 32/63 tỉnh, địa phương cả nước. Mức tăng này của Hà Nội là rất đáng kể, tuy thấp hơn mức tăng 5,91% của cùng kỳ năm trước, nhưng đây là lần đầu tiên trong suốt hàng chục năm qua Thủ đô có mức tăng trưởng kinh tế trên địa bàn cao vượt trội tới 1,7 lần mức tăng 3,32% GRDP chung của cả nước.

Hơn nữa, sự tăng trưởng kinh tế được ghi nhận đồng đều ở cả 3 khu vực: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,11% (chiếm 2,07% GRDP); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,41% (chiếm 19,57% GRDP); khu vực dịch vụ tăng 7,40% (chiếm 66,26%). Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn TP ước tăng 8,6% so với cùng kỳ và tăng ở cả 3 khu vực vốn Nhà nước (chiếm 33,5% tổng vốn đầu tư và tăng 2,9%), vốn ngoài Nhà nước (chiếm 58,6% và tăng 11,2%), vốn FDI (chiếm 7,9% và tăng 15,4%).

Tổng thu ngân sách trên địa bàn quý I/2023 tăng 56% so với cùng kỳ năm trước; chi ngân sách địa phương tăng 33,5%. Huy động vốn tăng 1,93%, dư nợ tín dụng tăng 2,41% so với cuối năm 2022. Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn TP quý I/2023 ước tính đạt 81.800 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.

Động lực tăng trưởng tích cực được ghi nhận ở chỉ số tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,6%; Các hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (bao gồm du lịch, lữ hành) tăng tới 35,13%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 20,86%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,69%; bán buôn, bán lẻ tăng 8,22%; chỉ số tiêu thụ ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 21,3%; thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 17,9%... Chăn nuôi phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát, số lượng đàn gia súc, gia cầm tăng.

TP ước thu hút được hơn 1,1 triệu lượt du khách, gấp hơn 3,2 lần cùng kỳ năm 2022; trong đó, khách quốc tế đạt 712 nghìn lượt người, gấp 15 lần; Hà Nội là 1 trong 5 điểm đến an toàn nhất khu vực dành cho phụ nữ đi du lịch một mình theo bình chọn công bố ngày 7/3/2023 của Tạp chí du lịch Tripzilla hàng đầu Đông Nam Á.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 2,25% so với bình quân cùng kỳ năm 2022. Lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước trên địa bàn đang từng bước được cải thiện, hiện ở mức 9 - 10,7%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên bình quân khoảng 4,7%/năm. Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP tăng 2,41% so với thời điểm kết thúc năm 2022; trong đó, nợ trung hạn và dài hạn đạt 1.822 nghìn tỷ đồng, tăng 0,43% và tăng 2,45%. Tỷ lệ nợ xấu của các tôrổ chức tín dụng chiếm 2,1% tổng dư nợ cho vay.

Trong quý I/2023, TP có số lượng DN đăng ký mới (7.496 DN, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước) và 3.457 DN hoạt động trở lại (giảm 21,5%). Tỷ lệ hồ sơ đăng ký DN qua mạng được duy trì 100%, bảo đảm chất lượng và đúng hạn.

Bên cạnh những điểm nhấn tích cực trên, kinh tế Thủ đô quý đầu năm 2023 cũng ghi nhận nhiều thách thức gắn với khó khăn chung của cả nước và thế giới. Đó là sức ép từ thu hẹp đơn hàng xuất khẩu, giảm sức mua thị trường, chỉ số tiêu thụ nhiều ngành công nghiệp và chỉ số sử dụng lao động công nghiệp... trong khi tăng áp lực lạm phát, lãi suất và một số chi phí đầu vào nhập khẩu.

Năm 2023, Hà Nội có 238 dự án đầu tư công đang được đầu tư xây dựng. Hết quý I/2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý mới đạt 15,7% kế hoạch năm, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tâm lý thận trọng, phòng ngự của các DN khá phổ biến, nhất là các ngành dệt may, da, giày và đồ gỗ... Kết quả điều tra xu hướng sản xuất, kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2023 cho thấy, có tới 40% số DN đánh giá gặp khó khăn và chỉ có 21,6% số DN đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh tốt hơn quý IV/2022; còn 38,4% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định...

Ảnh: Phạm Hùng
Ảnh: Phạm Hùng

Đón nhiều cơ hội sẽ mở ra trong quý III

Với những nền tảng khá vững chắc về kinh tế, có nhiều căn cứ để tin rằng Thủ đô sẽ tiếp tục về đích, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế đặt ra của năm 2023, trong đó có tăng trưởng kinh tế trên địa bàn đạt mức 7%.

Về triển vọng, 33,4% số DN nhận định xu hướng quý II/2023 sẽ tốt hơn so với quý I; 45,2% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 21,4% số DN dự báo khó khăn hơn. Chia theo loại hình kinh tế, có 71,4% DN khu vực Nhà nước dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý II sẽ ổn định và tốt hơn so với quý I; tỷ lệ này ở khu vực DN ngoài Nhà nước và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lần lượt là 81,4% và 69,5%.

Cơ hội kinh tế sẽ mở ra nhiều hơn từ cuối quý III/2023 và động lực tăng trưởng kinh tế sẽ ngày càng gia tăng từ khu vực thương mại - dịch vụ, từ việc áp dụng công nghệ số, nền tảng trực tuyến; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; huy động tốt nguồn vốn tư nhân cho đầu tư phát triển...

Trên thực tế, UBND TP Hà Nội đã và đang chỉ đạo, điều hành, tập trung thực hiện 22 chỉ tiêu, 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và phân công 118 nhiệm vụ cụ thể tới các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã.

Theo đó, tiếp tục hoàn thành Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050; tổng kết thực hiện xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); tổ chức đánh giá lựa chọn 30 - 35 sản phẩm công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực và phát triển mới từ 20 -30 điểm OCOP năm 2023 gắn với các địa điểm kinh doanh, du lịch làng nghề, du lịch nông thôn trên địa bàn TP;

Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính, duy trì vị trí cao trong bảng xếp hạng Chỉ số PAPI (Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh tại Việt Nam) và Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và sản xuất của DN; thúc đẩy xây dựng hạ tầng sản xuất, kinh doanh và khai thác các động lực tăng trưởng kinh tế từ nỗ lực đổi mới công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, điểm đến, các sản phẩm du lịch mới; thực hiện hiệu quả các Chương trình phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ và Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chủ động đối phó với diễn biến thời tiết, tình hình dịch bệnh; đẩy nhanh tiến độ Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội...

Đặc biệt, các tổ chức tín dụng, một mặt cải thiện lãi suất và điều kiện tiếp cận tín dụng cho DN. Mặt khác, tích cực nâng cao hiệu quả công tác quản lý rủi ro, trong đó có xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, phát hiện các khoản vay có vấn đề, trước khi phát sinh tình trạng nợ xấu; Đồng thời, tiếp tục thực hiện hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách và giãn, hoãn nộp thuế 2023 cho DN; Đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân cho vay qua Quỹ đầu tư phát triển, Ngân hàng Chính sách xã hội...