Kinh tế Hà Nội và các giải pháp trong năm 2015

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 2015 là năm cuối thực hiện kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, năm tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Kinh tế thế giới dự báo sẽ phục hồi nhưng chậm và còn tiềm ẩn rủi ro, chưa vững chắc.

Mục tiêu của cả nước đặt ra là "tăng trưởng kinh tế cao hơn và vững chắc hơn năm 2014" với tăng trưởng GDP là 6,2%. Để thực hiện mục tiêu trên, Hà Nội đã đề ra những giải pháp cụ thể gắn với phát triển kinh tế - xã hội chung của Thủ đô.

Gắn phát triển kinh tế với an sinh xã hội

Dự báo kinh tế Thủ đô sẽ phục hồi nhưng chưa mạnh. Mục tiêu tổng quát được đặt ra là: Cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; huy động mọi nguồn lực, tập trung cao độ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, triển khai đồng bộ các giải pháp trên cơ sở đó, hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015. TP cũng phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn và vững chắc hơn năm 2014; thực hiện tốt các mục tiêu an sinh - phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống Nhân dân; đẩy mạnh phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế; triển khai quyết liệt công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, đô thị, đất đai, môi trường; tập trung đẩy nhanh tiến độ công trình trọng điểm; tiếp tục thực hiện có hiệu quả trật tự, văn minh đô thị…

 
Hoàn thiện sản phẩm tại Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Ảnh:  Linh Anh
Hoàn thiện sản phẩm tại Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Ảnh: Linh Anh
Một số chỉ tiêu kinh tế cụ thể được đặt ra đối với Thủ đô trong năm 2015 là: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 9 - 9,5%; trong đó, dịch vụ tăng 9,8 - 10,5%, công nghiệp - xây dựng tăng 8,7 - 9%, nông nghiệp tăng 2 - 2,5%; GRDP bình quân đầu người đạt 75 - 77 triệu đồng; tốc độ tăng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn đạt 11 - 12%.

Với các mục tiêu trên đây, TP đã đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp gồm: Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho các DN, gắn liền với tái cơ cấu kinh tế; đẩy mạnh công tác quy hoạch, huy động và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư; phát triển hạ tầng đô thị và xây dựng nông thôn mới; bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội; chú trọng giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, y tế; tăng cường quản lý quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, đô thị; quản lý tài nguyên và cải thiện chất lượng môi trường; đảm bảo quốc phòng thường xuyên; duy trì an ninh, trật tự xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; tăng cường công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hiện tiết kiệm…

Ưu tiên các giải pháp cấp bách hỗ trợ DN

Cùng với những giải pháp trên, năm 2015 một số giải pháp cấp bách cũng cần được triển khai. Thứ nhất, tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Hỗ trợ DN xử lý cả đầu vào và đầu ra. Đầu vào là hỗ trợ DN giảm chi phí qua công cụ thuế và lãi suất. Đầu ra là hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp giúp DN tiêu thụ được sản phẩm. Việc thực hiện các biện pháp nhằm hỗ trợ và giúp DN tiêu thụ hàng hóa có tác dụng nhiều mặt như giải phóng nguồn lực của DN, giảm nợ xấu trong ngân hàng, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy vòng tuần hoàn trong sản xuất kinh doanh.

Thứ hai, phối hợp các giải pháp hỗ trợ thị trường và tiêu thụ với giảm chi phí sản xuất, kinh doanh như phấn đấu hạ mức giá thuê mặt bằng; giảm các chi phí hành chính công; giảm và miễn thuế thu nhập cá nhân để cải thiện đời sống và kích thích tiêu dùng nội địa. Đồng thời cải tiến thủ tục xét ưu đãi về thuế thu nhập DN còn quá nhiều phức tạp đã gây khó khăn cho DN khi kê khai và chứng minh; DN phải mất khá nhiều thời gian và chi phí mới được hưởng ưu đãi.

Thứ ba, TP cũng cần thực hiện ngay một số biện pháp khắc phục như cho gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng; gia hạn 9 tháng nộp thuế thu nhập DN; giảm 50% tiền thuê đất phải nộp năm 2014 đối với một số tổ chức và DN. Phát huy mạnh hơn vai trò của các Quỹ của TP (Quỹ đầu tư phát triển, Quỹ xúc tiến thương mại, Quỹ hỗ trợ nông dân…) trong việc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN.

Thứ tư, thực hiện cân đối ngân sách một cách tích cực. Nâng cao hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư, tập trung vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm, cụm công trình trọng điểm của TP; tăng cường giám sát, quản lý nhằm nâng cao chất lượng các công trình, nâng cao hiệu quả đầu tư công; sử dụng có hiệu quả kinh phí thường xuyên trong kế hoạch cũng như khoản kinh phí mua sắm trong dự toán năm 2014 đã chuyển nguồn sang năm 2015 để thực hiện mua sắm theo quy định…

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân tiêu dùng hàng Việt Nam; khuyến khích sử dụng sản phẩm của nhau trong nhóm các DN, trong các công ty lớn; xây dựng lộ trình giảm nhập siêu theo thời gian và cho một số lĩnh vực (công nghiệp, thương mại hàng hóa, dịch vụ…). Phối hợp linh hoạt các giải pháp thắt chặt tín dụng, quản lý thị trường và quản lý giá một số mặt hàng nhạy cảm, tăng cường dự trữ và tiếp tục chương trình bán hàng bình ổn giá, đưa hàng về nông thôn, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa.