Kinh tế huyện Sóc Sơn tăng trưởng ấn tượng

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 12/11, UBND huyện Sóc Sơn tổ chức hội nghị tổng kết công tác ngành kinh tế năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Tổng giá trị sản xuất tăng 4,96%

Nhận diện thách thức từ đại dịch Covid-19, tình hình thời tiết đến phát triển kinh tế, ngay từ đầu năm 2021, Huyện ủy - HĐND - UBND huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo quyết liệt trong phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, khoa học công nghệ và lập kế hoạch sản xuất vụ Xuân, vụ Mùa, vụ Đông. Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm lĩnh vực nông lâm thuỷ sản và công thương. Công tác quản lý điện năng, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, quản lý thương mại dịch vụ được chú trọng.

Mô hình trồng nấm hữu cơ mang lại giá trị kinh tế cao tại xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Lâm Nguyễn.
Mô hình trồng nấm hữu cơ mang lại giá trị kinh tế cao tại xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Lâm Nguyễn.

UBND huyện cũng chủ động xin ý kiến Thường trực Huyện uỷ để xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, cơ chế hỗ trợ sản xuất. Hỗ trợ giống cây trồng - vật nuôi mới, vật tư nông nghiệp. Kêu gọi đầu tư, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh; kịp thời rà soát và bổ sung các quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp… 

 

Năm 2022, huyện Sóc Sơn đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng công nghiệp – xây dựng 7,5 – 8%; dịch vụ - thương mại 11 – 11,5%; nông lâm thuỷ sản 2,5 – 3%. Phấn đấu hoàn thành ít nhất 1 xã nông thôn mới nâng cao.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng cho biết, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện Sóc Sơn được duy trì, ổn định, không để xảy ra tình trạng đứt gãy sản xuất. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện năm 2021 đạt khoảng 18.223 tỷ đồng, tăng 4,96% so với năm 2020 (cao hơn 1,9 lần so với cả nước và 1,5 lần so với TP).

Đáng chú ý, các nhóm ngành kinh tế chính của huyện Sóc Sơn trong năm 2021 đều tăng trưởng dương. Cụ thể, ngành nông lâm thuỷ sản tăng 4,79%; ngành công nghiệp và xây dựng tăng 4,7%; ngành thương mại - dịch vụ tăng 5,55%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng. Tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ tăng dần, trong khi nông nghiệp tiếp tục là điểm sáng, bệ đỡ của nền kinh tế.

Cũng trong năm 2021, huyện Sóc Sơn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt công nhận đạt chuẩn nông thôn mới tại Quyết định số 546/QĐ-TTg ngày 6/4/2021. Đến nay, 25/25 xã của huyện đã về đích nông thôn mới, tiếp tục duy trì tiêu chí xã nông thôn mới và xây dựng nông thôn mới nâng cao. Trên địa bàn huyện không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.

Đa dạng các loại hình kinh tế

Năm 2022, việc phát triển kinh tế của huyện Sóc Sơn được dự báo có nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn từ dịch bệnh, thời tiết, tốc độ phục hồi kinh tế của Hà Nội và cả nước… Bên cạnh đó, huyện cũng còn những thách thức riêng trong việc tổ chức quản lý và triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế liên quan đến quy mô, trình độ sản xuất; chất lượng nguồn nhân lực…

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn phát biểu tại hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn phát biểu tại hội nghị.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn, nhận diện thời cơ và thách thức, năm 2021, địa phương chủ trương tiếp tục đa dạng hoá các loại hình kinh tế. Nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai. Xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng liên kết chặt chẽ kinh tế hộ với doanh nghiệp, thị trường. Thực hiện hiệu quả các phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi phù hợp với yêu cầu hiện tại. 

 

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Quang Thanh đề nghị ngành kinh tế cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tiềm năng của những ngành hàng mới như dược liệu, nông sản hữu cơ...; cố gắng phát triển thêm những sản phẩm riêng có của huyện. Trong phát triển kinh tế, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, cần hỗ trợ làm sao để người nông dân không quan trọng trồng cây gì, nuôi con gì mà có thể nâng cao giá trị sử dụng đất và thu nhập. Bên cạnh đó, tăng cường liên kết chuỗi để tạo ra chuỗi giá trị công bằng hơn, mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho người nông dân...

Tập trung làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Khuyến khích nông dân sản xuất theo hướng trang trại, cơ sở an toàn dịch bệnh. Đẩy mạnh việc ứng dụng truy xuất nguồn gốc và chứng nhận VietGAP, hữu cơ. Đồng thời, tiếp tục củng cố, kiện toàn, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã…

Huyện cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp, xây dựng. Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nguồn nhân lực. Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu…

Liên quan đến phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), ông Đỗ Minh Tuấn cho biết huyện sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nhãn, mác, bao bì, thực hiện rà soát, đánh giá các sản phẩm có tiềm năng trên địa bàn để hướng dẫn chủ thể hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng trong năm 2022. Tiếp tục giám sát chặt chẽ, duy trì và nâng cao chất lượng của sản phẩm OCOP.