Giai đoạn 2015 - 2020, huyện Sóc Sơn đã xây dựng nhiều chương trình, đề án, triển khai nhiều giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp sinh thái. Kết quả đến nay, kinh tế huyện Sóc Sơn liên tục phát triển, ổn định.
Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân ước đạt 9,64%/năm (vượt mục tiêu kế hoạch 5 năm là 9,0 - 9,5%/năm). Đáng chú ý, tất cả các ngành đều có giá trị tăng. Cụ thể, dịch vụ tăng 11,89%, công nghiệp - xây dựng tăng 10,06%, nông - lâm - thủy sản tăng 3,07%.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực, phù hợp với định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa là công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp (52,96% - 38,33% - 8,71%). Dự kiến hết 2020, huyện Sóc Sơn cơ bản đạt chỉ tiêu cơ cấu Đại hội XI (2015 - 2020) đã đề ra là 51% - 41% - 8%.
Đặc biệt, Huyện ủy Sóc Sơn đã chỉ đạo thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn huyện. Bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, hiện đại, văn minh. Hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được tập trung đầu tư, cải tạo, nâng cấp, xây mới.
Để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện đã huy động tổng nguồn vốn thực hiện khoảng 2.412 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 1.683 tỷ đồng, vốn huy động Nhân dân khoảng 729 tỷ đồng. Đến nay, huyện Sóc Sơn đã hoàn thành 9/9 tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới; tiếp tục triển khai thực hiện nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.
Cùng với diện mạo nông thôn đổi mới toàn diện, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân cũng được nâng lên rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người dự kiến hết 2020 đạt 52 triệu đồng, không có nhà dột nát, hư hỏng. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,1%; tỷ lệ hỏa táng tăng từ 31,7% năm 2015 lên 60,05% năm 2019...