Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế Mỹ trước nguy cơ suy thoái kép

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Có lẽ chưa bao giờ, kinh tế Mỹ lại phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như hiện nay khi cú sốc hạ tín nhiệm khiến thị trường tài chính lao đao, tỉ lệ thất nghiệp tăng cao, thị trường bất động sản lao dốc mạnh.

Đặc biệt, các chuyên gia tài chính đã liên tiếp đưa ra cảnh báo về một cơn lốc khủng hoảng kinh tế tại châu Âu sẽ đổ bộ vào Mỹ.

 

Tranh cãi về suy thoái

 

Điều đáng nói, trong nội bộ nước Mỹ có cái nhìn rất khác nhau về nguy cơ nền kinh tế nước này sẽ rơi vào một cuộc suy thoái mới, gây khó khăn cho việc ban hành chính sách điều hành. Mặc dù các nhà kinh tế của Mỹ cho rằng, nguy cơ của một cuộc suy thoái kinh tế mới chỉ chiếm khoảng 25%, nhưng cựu Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Alan Greenspan lại nhận định, khả năng nước Mỹ rơi vào suy thoái kép là "hoàn toàn có thể xảy ra". Theo ông Alan Greenspan, vấn đề lớn nhất của kinh tế Mỹ hiện nay vẫn nằm ở thị trường nhà đất, bởi sau một thời gian phục hồi ngắn lại có xu hướng đi ngang và nếu giá nhà đi xuống, nguy cơ suy thoái kép sẽ hiển hiện trước mắt. Ngoài ra, vấn đề thất nghiệp sẽ có tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế khi vẫn ở quanh mức 9%.

 

Khủng hoảng niềm tin

 

Rõ ràng, các nhà điều hành chính sách Mỹ đang gặp khó khăn trong việc vừa phải tìm được các biện pháp khôi phục niềm tin vừa kích thích tăng trưởng kinh tế. Thậm chí, có nhiều người còn nhận định rằng, nước Mỹ hiện nay đang phải đối mặt với suy thoái về niềm tin nhiều hơn suy thoái về kinh tế. Triển vọng kinh tế ảm đạm trong tương lai khiến chỉ số niềm tin tiêu dùng tháng 8 tại Mỹ giảm 14,7 điểm so với tháng 7, xuống 44,5 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2009 và cũng là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 10/2008. Đối với Mỹ, nền kinh tế vốn dựa 70% vào tiêu dùng, chỉ số niềm tin sụt giảm sẽ làm tăng nguy cơ suy thoái kép. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là tàn dư nợ nần. Theo Moody's, nợ của các gia đình Mỹ chỉ giảm 1.200 tỉ USD so với mức đỉnh 12.410 tỉ USD tháng 8/2008, nhưng phần lớn trong số giảm đó là nhờ việc ngân hàng phải xóa nợ vì một số con nợ phá sản. Những con số u ám trên khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ thời hạn 10 năm đã giảm xuống dưới 2% lần đầu tiên trong 50 năm qua và nhiều nhà đầu tư đã không còn mặn mà với việc rót vốn cho thị trường tài chính Mỹ. Hiện, các trái phiếu kho bạc Mỹ đang đối mặt với 5 nguy cơ nghiêm trọng: lãi suất tiêu cực, lạm phát cao, mua bán hoảng loạn, sụp đổ toàn bộ và vỡ nợ. Các nguy cơ này có thể làm nổ tung các bong bóng trên thị trường trái phiếu Mỹ, gây ra những biến dạng rất bất thường của nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

 

FED và bài toán QE3

 

Thừa nhận kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm hơn dự kiến và tỉ lệ thất nghiệp cao có thể để lại những "vết sẹo" khó lành, Chủ tịch FED Ben Bernanke cho biết,  gói nới lỏng định lượng lần thứ 3 (QE3) sẽ được bàn bạc trong phiên họp của Hội đồng Thị trường mở Liên bang (FOMC) vào ngày 20 - 21/9 tới.  FED đang trong tình thế "tiến thoái lưỡng nan" khi phải chịu sức ép chính trị đối với hai gói chính sách tiền tệ nới lỏng trước đó của mình. Tính đến thời điểm này, FED đã mua số trái phiếu trị giá khoảng 2.300 tỉ USD nhằm kéo lãi suất cho vay xuống gần ngưỡng 0% và dự kiến tiếp tục duy trì mức lãi suất "siêu thấp" này tới giữa năm 2013. Trong thời gian tới, tiềm lực tài chính của FED sẽ bị giảm đi đáng kể khi phải tham gia hỗ trợ Chính phủ trong việc cắt giảm thâm hụt ngân sách nên việc can thiệp thị trường sẽ là bài toán nan giải cho thể chế tài chính này.