Một trong những khó khăn lớn đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2013 là dư nợ tín dụng liên ngân hàng được dự báo sẽ ở mức 7%, thấp nhất trong nhiều năm qua, trong khi nợ xấu ngân hàng ở mức cao kỷ lục, chiếm gần 10% tổng dư nợ tín dụng (khoảng 300.000 tỷ đồng); Chỉ số hàng tồn kho của các ngành công nghiệp lên tới 20%; Chỉ số giá tiêu dùng thấp nhất trong ba năm trở lại đây; Tổng đầu tư toàn xã hội đang có xu hướng thu hẹp dần, trong khi tốc độ tăng trưởng doanh thu bán lẻ cũng giảm rõ rệt…
Lắp đặt vi mạch điện tử tại Công ty Fancy Creation. Ảnh: Huy Hùng
Lạm phát trong năm 2013 dự báo sẽ lên tới trên dưới 10% và phụ thuộc lớn vào những diễn biến khó lường của nền kinh tế như: Giá cả thị trường, lạm phát lõi (không bao gồm lương thực - thực phẩm, năng lượng…), và độ trễ của chính sách tiền tệ nới lỏng trong năm 2012.
Để phục hồi đà tăng trưởng, việc nâng cao sức cạnh tranh trong dài hạn cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam là nhiệm vụ rất quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh sự trỗi dậy của một số nền kinh tế láng giềng như Myanmar, Lào hay Campuchia đang ngày càng mạnh mẽ.
Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VEPR, để thực hiện được điều này, biện pháp giảm lãi suất cho vay và tiếp tục cung ứng tín dụng ổn định (kể cả tín dụng trung và dài hạn) sẽ có ý nghĩa tích cực trong việc giúp DN giảm chi phí, tăng xuất khẩu, đẩy mạnh bán hàng, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động; từ đó khuyến khích đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh trong dài hạn.
Cùng chung quan điểm trên, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách (Bộ KH&ĐT) đề xuất thêm, việc thực hiện phương án chủ động phá giá nhẹ đồng tiền Việt khoảng 3 - 4% trong cả năm với biên độ 1 - 1,5% có thể góp phần tích cực cho việc hỗ trợ xuất khẩu và tăng sức cạnh tranh cho DN sản xuất trong nước trước hàng nhập khẩu. Đồng thời, thực hiện các giải pháp giúp DN tái cơ cấu nợ để tiếp tục được cấp vốn nếu có dự án kinh doanh hiệu quả, đặc biệt là các hợp đồng tiêu thụ và xuất khẩu có tỷ trọng lớn.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ về thuế đất để giảm chi phí đầu vào, nhằm tạo thêm động lực cho chủ đầu tư, cũng như người mua có nhu cầu thực sự. Đây cũng được xem là một trong những giải pháp cứu cánh cho thị trường bất động sản hiện vẫn đang trong tình trạng ảm đạm. Bên cạnh đó, cần đưa ra lộ trình giảm thủ tục - mệnh lệnh hành chính, thiết lập môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, hiệu lực để từng bước cải thiện thứ hạng của Việt Nam về môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh trong năm 2013.