Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế Nga hiện không phải là sự trả giá cho Crimea

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các hãng Reuters và Itar-Tass đưa tin, ngày 18/12, phát biểu tại hội nghị báo chí thường niên ở thủ đô Moskva, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Chính phủ Nga phải áp dụng các biện pháp bổ sung nhằm mang lại sự ổn định cho đất nước.

Tình hình kinh tế Nga hiện nay không phải là sự trả giá cho Crimea

Tổng thống Vladimir Putin nói tình hình kinh tế Nga hiện nay không phải là sự trả giá cho Crimea. Tổng thống Putin dẫn số liệu thống kê cho biết tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 10 tháng đầu năm nay đạt 0,6-0,7%; đồng thời khẳng định bất chấp việc các thị trường tài chính đang bị hỗn loạn, song tổng thu của Nga sẽ cao hơn mức chi tiêu.Theo Tổng thống Putin, tình hình kinh tế hiện nay của Nga là do các yếu tố bên ngoài tác động.
Tổng thống Putin tuyên bố Nga phải áp dụng các biện pháp bổ sung nhằm mang lại sự ổn định cho đất nước.
Tổng thống Putin tuyên bố Nga phải áp dụng các biện pháp bổ sung nhằm mang lại sự ổn định cho đất nước. Ảnh: Itar Tass
Ông cho rằng Ngân hàng trung ương của Nga cần tiếp tục siết chặt tính thanh khoản của đồng ruble, đồng thời bày tỏ lạc quan tin tưởng rằng nền kinh tế Nga sẽ thích nghi với những khó khăn nếu nó tiếp tục diễn ra.

Theo ông Putin, tình trạng khủng hoảng hiện nay có thể kéo dài nhiều nhất là 2 năm, song nền kinh tế nước này có thể phục hồi nhanh hơn nếu các yếu tố bên ngoài biến đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Ông nhấn mạnh tuy có một số hành động hơi chậm trễ, song Chính phủ Nga và Ngân hàng Trung ương nước này nhìn chung đang hành động đúng hướng nhằm xử lý những khó khăn kinh tế hiện nay.

Khi được hỏi về sự phụ thuộc của nền kinh tế Nga vào xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch, và khả năng tận dụng cuộc khủng hoảng hiện nay để tái cơ cấu kinh tế Nga, ông Putin cho rằng đó là một quá trình khó khăn, và điều đó (tái cơ cấu) chỉ khả thi thông qua việc cải thiện môi trường kinh doanh. Tổng thống Nga cho rằng việc giá dầu giảm tất yếu sẽ đòi hỏi tái cơ cấu nền kinh tế.

Tổng thống Putin cho rằng giá dầu thấp sẽ khuyến khích Nga đa dạng hóa nền kinh tế và giảm bớt phụ thuộc vào xuất khẩu dầu khí. Ông cũng khẳng định Nga có đủ dự trữ ngoại tệ để giữ ổn định nền kinh tế, song khuyến cáo Ngân hàng Trung ương không nên "đốt" nguồn dự trữ ngoại tệ, hiện ở mức 419 tỷ USD, một cách tùy tiện.

Tổng thống Putin cho rằng Chính phủ Nga nên phối hợp với các nhà xuất khẩu để giúp bình ổn đồng nội tệ đang mất giá, song khẳng định rằng điều này không nên thực hiện thông qua các sắc lệnh chính thức. Ngoài ra, ông Putin còn xác nhận cá nhân ông đã nói chuyện với lãnh đạo một số công ty lớn của Nga để khuyến khích họ bán thêm ngoại tệ, đồng thời cho biết một lãnh đạo doanh nghiệp đã hứa bán 3 tỷ USD để giúp bình ổn thị trường tiền tệ. 

Bên cạnh đó, ông Putin cũng bác bỏ những đề xuất ấn định tỷ giá đồng ruble, cho rằng biện pháp này sẽ không mang lại kết quả tích cực.

Cho rằng các biện pháp trừng phạt của Phương Tây là một nhân tố quan trọng gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh đó không phải là nhân tố duy nhất.

Ông cho biết ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt do Phương Tây áp đặt chiếm từ 25-30% các nhân tố đứng sau cuộc khủng hoảng ở Nga. Ông cáo buộc Phương Tây đang tìm cách xâm phạm chủ quyền Nga, đồng thời cho biết thêm rằng cuộc khủng hoảng ở Ukraine chỉ là cái cớ cho hành động của Phương Tây.

Về cuộc khủng hoảng Ukraine

Một nhà báo Ukraine hỏi về tình hình ở miền Đông Ukraine và cáo buộc Nga tham gia vào các vụ giao chiến trong khu vực xung đột. Tổng thống Putin trả lời: Những người Nga đang tham gia các cuộc giao tranh ở Đông Nam Ukraine đều là người tình nguyện, không hề vụ lợi, vì họ không hề được trả tiền cho việc này. Ông Putin khẳng định Nga sẵn sàng làm trung gian tháo gỡ cuộc xung đột ở Ukraine. Tổng thống Nga nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng ở Ukraine chỉ nên được giải quyết bằng các biện pháp chính trị, chứ không phải bằng các biện pháp quân sự, hay các lệnh phong tỏa và cấm vận. 

Tổng thống Nga cho rằng nỗ lực của Ukraine nhằm trấn áp cuộc nổi dậy của lực lượng ly khai được Moskva ủng hộ ở miền Đông nước này là một "chiến dịch trừng phạt." Ông Putin chỉ rõ: "Đây thực sự là chiến dịch trừng phạt đang được chính quyền Kiev đương nhiệm thực hiện". Ông đồng thời chỉ rõ ý đồ của Phương Tây là nhằm khuất phục và tước bỏ các khả năng của Nga. Theo ông, Ukraine cần phải trở thành một thực thể thống nhất về chính trị.

Vị nguyên thủ quốc gia Nga còn gợi ý rằng nếu Ukraine muốn hòa bình thì phải tôn trọng tất cả các khu vực của chính nước này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trả lời trong cuộc họp báo thường niên lần thứ 10.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trả lời trong cuộc họp báo thường niên lần thứ 10.

Nguồn: THX/TTXVN
Theo Tổng thống Putin, lập trường cứng rắn của Nga ngay cả trong thời điểm xảy ra khủng hoảng là cần để cho các đối tác nước ngoài nhận thấy sự cần thiết phải tạo dựng không gian an ninh chung, hơn là xây dựng các bức tường ngăn cách Nga với Phương Tây, bất chấp việc Moskva sẵn sàng hợp tác.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ trích kế hoạch mở rộng sang phía Đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau khi Bức tường Berlin sụp đổ.

Bên cạnh đó, Tổng thống Putin cũng cho rằng chính quyền Kiev đã sai lầm khi sử dụng lực lượng vũ trang chống lại quân ly khai ở miền Đông Ukraine. Ông cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine nên được giải quyết càng sớm càng tốt thông qua các biện pháp chính trị và khẳng định Nga sẵn sàng làm trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine nhằm khôi phục đoàn kết chính trị tại nước láng giềng này. 

Tổng thống Putin nói rằng những tù binh trong cuộc chiến ở Ukraine phải được "trao trả toàn bộ" giữa hai phía. Vấn đề này, theo ông Putin, là do danh sách các tù binh có cả những người vô tội, không hề liên quan tới cuộc xung đột. 

Về các dự án đường ống khí đốt mới của Nga

Ông Putin nói rằng không chỉ riêng Nga tập trung vào việc tăng cường hợp tác với các thị trường châu Á-Thái Bình Dương. Các biện pháp (tăng cường) này đã được lên kế hoạch từ trước đó rất lâu.

Đường ống năng lượng của Nga ở Siberia tới Trung Quốc sẽ cho phép Nga tái phân phối khí đốt từ các khu vực miền Tây nước Nga sang vùng Viễn Đông.

Khi được hỏi về hệ thống đường ống tới Thổ Nhĩ Kỳ mà Nga sẽ xây dựng thay cho hệ thống "Dòng chảy phương Nam," nhà lãnh đạo Nga nói rằng hệ thống đường ống trong dự án có thể được kết nối tới hệ thống vận chuyển khí đốt của châu Âu. 

Tổng thống Putin cho rằng việc tổ chức một trục phân phối khí đốt mới của châu tại khu vực giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp là tùy thuộc vào các đối tác châu Âu: "Về tổng thể, điều này phụ thuộc vào các đối tác châu Âu. Liệu họ có muốn một nguồn cung cấp khí đốt ổn định, hoàn toàn được đảm bảo và không có rủi ro? Tốt thôi, nếu có, chúng tôi sẽ bắt tay vào việc, và qua Hy Lạp, chúng ta có thể vươn tới Macedonia, và xa hơn nữa là Serbia, rồi lại tới Baumgartner ở Áo. Nếu họ không quan tâm, chúng ta sẽ không làm như vậy."

Ông Putin nói rằng châu Âu không có lựa chọn nào khác ngoài khí đốt của Nga, vì đây là nguồn năng lượng dồi dào nhất và rẻ nhất trên thị trường vào lúc này.