Kinh tế Nhật Bản suy thoái - Tác động không nhỏ đến Việt Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ Nhật Bản vừa công bố số liệu kinh tế quý III/2015 giảm 0,2% so với quý trước và giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2014.

Trong khi quý II/2015 đã giảm 0,7% GDP. Ngân hàng T.Ư Nhật Bản ước tính GDP nước này năm 2015 chỉ tăng khoảng 0,5% hoặc thấp hơn.
Bên trong một nhà máy lắp ráp ô tô của Nhật - Ảnh: Getty.
Bên trong một nhà máy lắp ráp ô tô của Nhật - Ảnh: Getty.
Cũng trong quý III, chi tiêu dùng (chiếm khoảng 60% GDP của Nhật Bản) chỉ tăng 0,5% so với quý II. Xuất khẩu chỉ tăng 2,6%, sau khi giảm 4,3% vào quý II. Hoạt động đầu tư của các DN tại Nhật Bản trong thời gian từ tháng 7 - 9 giảm 1,3%, so với mức dự báo của thị trường là giảm 0,4%. Các DN vẫn còn do dự trong việc nâng lương cho người lao động.

Đức tính tằn tiện, ưa tích lũy và gửi tiền tiết kiệm cao là một trong những nguyên nhân “khác người” tô đậm suy thoái kinh tế Nhật Bản. Năm 2014, quyết định tăng thuế tiêu dùng của chính quyền trong nỗ lực trả nợ công vay kích cầu trước đó đã làm tăng động lực tiết kiệm của người dân, làm giảm đầu tư kinh doanh và động lực tăng trưởng nền kinh tế Nhật Bản.

Nhật Bản là một trong 3 thị trường (cùng với Mỹ và EU) xuất khẩu dệt may hàng đầu của Việt Nam. Kinh tế Nhật Bản suy thoái khiến xuất khẩu hàng hóa và lao động của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực đến các đơn hàng sẽ ký tới đây.

Khách du lịch Nhật Bản sang Việt Nam cũng có thể bị thu hẹp do người dân căn cơ hơn trong chi tiêu và giải trí. Mức giảm khách du lịch từ Nhật là một nguyên nhân làm khách du lịch từ châu Á trong 3 quý đầu năm 2015 giảm 5,9%, mức giảm cao nhất so với mức giảm 3,7% từ châu Âu, và từ châu Mỹ tăng 5% (từ Mỹ tăng 7%). Nhật Bản cũng là nhà cung cấp ODA lớn nhất của Việt Nam. Kinh tế suy thoái và nợ công cao ngất ngưởng (gấp khoảng 2,5lần tổng GDP) và tiếp tục gia tăng do triển vọng tăng trưởng kinh tế và thu thuế kém sáng sủa, có thể làm ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới quy mô và điều kiện các cam kết cung cấp ODA tới đây từ Nhật Bản.

Trong 3 quý năm 2015, Nhật Bản đứng thứ 5/56 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư nước ngoài (FDI) mới đầu tư vào Việt Nam. Kinh tế trong nước suy thoái có thể tạo áp lực buộc DN Nhật Bản tăng cường tái cơ cấu, chuyển cơ sở sản xuất ra ngoài Nhật Bản, tức gia tăng dòng FDI và chuyển giao công nghệ từ Nhật tới các nước, trong đó có Việt Nam. Nói cách khác, có lẽ chỉ riêng dòng FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam là có thể được cải thiện, nếu các cơ quan chức năng và DN Việt Nam kịp thời phân tích, đón nhận và khai thác được cơ hội này.

Tuy nhiên, điều cần nhấn mạnh rằng, kinh tế Nhật Bản luôn có những nội lực tiềm tàng và những quyết sách tạo động thái kinh tế vĩ mô “chuyển sáng” ngoạn mục. Đây là mấu chốt tạo niềm tin, tạo nên sự hấp dẫn và củng cố vị thế cường quốc kinh tế của đất nước Mặt trời mọc.
Nhật Bản sau chiến tranh thế giới lần thứ hai đã từng trải qua khoảng 30 năm tăng trưởng cao liên tục thần kỳ. Tuy vậy, trong vòng 20 năm qua, nền kinh tế từng đứng thứ hai thế giới này cũng đã đối diện 7 lần suy thoái (kinh tế suy giảm trong 3 quý liên tiếp, còn giảm 2 quý liên tiếp được coi là rơi vào suy thoái về mặt kỹ thuật) và nhiều áp lực giảm phát. Bởi vậy, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã và đang coi phấn đấu đưa GDP tăng trưởng khoảng 2% và đẩy lạm phát lên mức 2% là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong chính sách kinh tế của mình.