Kinh tế phục hồi, tăng cường tính cảnh giác và linh hoạt về chính sách

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 đang phục hồi mạnh. Trạng thái dịch chuyển ngược với xu hướng toàn cầu cho thấy sức chống chịu đáng kể của kinh tế Việt Nam, nhưng cũng cho thấy các thách thức và rủi ro kinh tế Việt Nam phải đối mặt.

Đây là vấn đề được các chuyên gia nhấn mạnh tại Diễn đàn Nhịp đập Kinh tế Việt Nam lần thứ hai, được tổ chức tại Hà Nội sáng nay với chủ đề: “Tiếp tục phục hồi kinh tế - Các nhân tố thúc đẩy tăng trưởng”. Diễn đàn do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia thuộc Bộ KH&ĐT (NCIF-MPI) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) đồng tổ chức.

Chặng đường phía trước còn nhiều thử thách

Năm 2022, kinh tế Việt Nam vượt trội hơn so với các quốc gia khác trong khu vực nhờ vào sự phục hồi chi tiêu của người tiêu dùng, xuất khẩu tăng mạnh trong mấy quý, và hoạt động du lịch quốc tế dần trở lại.

Quang cảnh Diễn đàn
Quang cảnh Diễn đàn

Cụ thể, tăng trưởng GDP quý I/2022 tăng lên mức 5,03% (so với mức tăng 4,72% trong quý I/2021 và 3,68% trong quý I/2020); 7,7% trong quý II/2022 - mức cao nhất so cùng kỳ 10 năm qua và tăng trưởng GDP quý III/2022 đạt rất cao, vượt mọi dự báo, lên tới 13,67% so với cùng kỳ năm trước, đưa tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2022 lên 8,83%. Lạm phát cơ bản vẫn được kiểm soát dưới mức mục tiêu đề ra (4%/năm). Các chỉ số vĩ mô cung, cầu, thị trường lao động và khu vực doanh nghiệp đều cải thiện.

“Tuy nhiên, tăng trưởng toàn cầu chậm lại và rủi ro bất ổn tài chính gia tăng có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng trong 2023 và 2024. Những rủi ro đối với việc tiếp tục phục hồi kinh tế chủ yếu đến từ bên ngoài. Cuộc chiến ở Ukraine, suy thoái kinh tế ở Trung Quốc, lãi suất quốc tế tăng, đồng USD mạnh lên, và nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng tăng ở châu Âu có thể ảnh hưởng đến nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, làm tăng rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô” - đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi nói.

Bên cạnh đó, có những rủi ro đến từ trong nước, đặc biệt thị trường ngân hàng và trái phiếu, vốn rất nhạy cảm với những điều kiện thay đổi nhanh chóng trong lĩnh vực bất động sản. Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu sẽ ngày càng đè nặng lên sản xuất nông nghiệp, sức khỏe và sự an toàn của các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng, lũ lụt, hạn hán và bão lớn…

Ông Francois Painchaud - Trưởng đại diện của IMF tại Việt Nam và Lào cho biết, với mức tăng trưởng mạnh cho đến tháng 9, IMF đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2022 từ mức 6 lên 7 - 7,5 phần trăm. Tuy nhiên, do cầu bên ngoài chậm lại và điều kiện tài chính thắt chặt hơn, tổ chức này đã hạ dự báo tăng trưởng trong năm 2023 của Việt Nam xuống 5,8%. Lạm phát dự kiến tăng lên trước khi dần trở lại dưới mức 4%.

TS Trần Toàn Thắng - Trưởng Ban Kinh tế ngành và Doanh nghiệp, NCIF- MPI cũng quan ngại về thách thức mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt, đó là giá cả nguyên vật liệu tăng cao bắt đầu chuyển hóa rõ nét hơn vào chi phí sản xuất. Xuất nhập khẩu có thể tăng chậm hơn so với năm 2022 do tình trạng khó khăn kéo dài của các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài dự báo vẫn ở mức thấp do các rủi ro kinh tế toàn cầu gia tăng…

Ưu tiên hàng đầu bảo vệ sự ổn định tài chính

“Các nhà hoạch định chính sách sẽ cần cảnh giác, điều chỉnh chính sách tài khóa và tiền tệ kịp thời với tình hình thay đổi trên toàn cầu” - ông Painchaud khuyến nghị. Để đối phó với những thách thức này, các chính sách cần được tính toán, phối hợp và truyền thông một cách cẩn trọng để quản lý các rủi ro tiêu cực, giảm bớt sự đánh đổi chính sách, đặc biệt là sự đánh đổi giữa tăng trưởng và lạm phát.

Theo ông Painchaud, trong bối cảnh hiện nay, chính sách tiền tệ cần tập trung vào ổn định giá cả. Nên cân nhắc vị thế chính sách tiền tệ thắt chặt hơn nếu áp lực lạm phát gia tăng. Bảo vệ sự ổn định tài chính vẫn nên là ưu tiên hàng đầu. Mặc dù chất lượng tài sản ngân hàng đã được cải thiện kể từ cuối năm 2021, rủi ro tiêu cực đối với tăng trưởng tăng lên, căng thẳng trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp, điều kiện thanh khoản ngân hàng thắt chặt hơn và lãi suất cao đòi hòi phải giám sát chặt chẽ rủi ro ổn định tài chính. Các chính sách tài khóa cần linh hoạt và nhắm trúng đối tượng hơn nếu áp lực lạm phát tăng lên. Và những nguồn vốn này cần phải đi đúng và trúng tạo tăng trưởng cho nền kinh tế, hạn chế tín dụng đi vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Về động lực tăng trưởng, các chuyên gia khẳng định, dù khó khăn nhưng nền tảng vẫn là xuất khẩu. Trong đó, phát huy tốt hơn vai trò của ngành công nghiệp chế biến chế tạo đối với tăng trưởng cần thúc đẩy nâng cấp chuỗi giá trị, phấn đấu tham gia vào phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu; tập trung những sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, đang có nhu cầu cao ở các nước tiên tiến…

 

Cần rà soát đặc biệt đối với những tổ chức phát hành lớn có rủi ro đối với các trái chủ cá nhân; chương trình tín dụng bất động sản; thúc đẩy trái phiếu phát hành công khai; đưa ra các thông điệp mạnh mẽ hơn từ Chính phủ để khôi phục niềm tin, tăng cường minh bạch thông tin, ra mắt thị trường thứ cấp tập trung, giáo dục thị trường, mở rộng các nhà đầu tư cơ sở, và thúc đẩy tín dụng xanh… 

Tổng Giám đốc FiinGroup Nguyễn Quang Thuân)

Cùng với đó, Chính phủ cần xử lý các yếu kém nội tại của nền kinh tế thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tăng tỷ lệ giải ngân gói phục hồi gói phục hồi kinh tế xã hội 347.000 tỷ đồng hay đối với các ngân hàng yếu kém, các ngân hàng kiểm soát đặc biệt cần phải tập trung xử lý hiệu quả.

TS Trần Toàn Thắng cho rằng, sự phục hồi của nền kinh tế trong năm 2023 tiếp tục được hưởng lợi từ việc thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế 2022-2023. Về chính sách tài khóa, hợp phần đầu tư của Chương trình hỗ trợ - lên đến khoảng 1,6% GDP - dự kiến được triển khai chủ yếu từ năm 2023 trở đi. Thu ngân sách cũng đạt kết quả ấn tượng, theo báo cáo của Chính phủ, năm nay sẽ thu vượt so với dự toán Quốc hội giao hơn 104 tỷ đồng , vượt 4%. Điều này giúp các chính sách có dư địa để thực hiện an sinh xã hội và thúc đẩy công trình đầu tư kết cấu hạ tầng.