Đạt mức 52 tỷ USD vào năm 2025
Theo nhận định tại "Báo cáo về nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2020" được Google, Temasek và Bain & Company công bố mới đây, Việt Nam hiện là quốc gia có nền kinh tế số sở hữu tốc độ tăng trưởng cao nhất, đồng thời cũng thuộc nhóm đầu về tiềm năng phát triển trong khu vực. Trong năm 2020, tổng giá trị hàng hóa giao dịch (GMV) của nền kinh tế số Việt Nam ước đạt 14 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2019 và được dự báo sẽ tăng lên mức 52 tỷ USD vào năm 2025.
Hoạt động kinh tế số của Việt Nam ngày càng mở rộng dựa trên nền tảng công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ. Ảnh: Phạm Hùng |
Mặc dù đại dịch Covid-19 đã tạo ra khủng hoảng trầm trọng cho kinh tế toàn cầu nhưng kinh tế số Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng ở hầu hết các ngành trong năm vừa qua. Cụ thể, thương mại điện tử đạt GMV 7 tỷ USD (tăng 46%), vận tải và thực phẩm đạt GMV 1,6 tỷ USD (tăng 50%), phương tiện truyền thông trực tuyến đạt GMV 3,3 tỷ USD (tăng 18%). Trong đó, chỉ riêng ngành du lịch trực tuyến chỉ đạt GMV ở mức 3 tỷ USD, giảm 28% nhưng được dự báo sẽ tăng trở lại lên mức 9 tỷ USD vào năm 2025.Báo cáo cũng chỉ ra rằng, chính quãng thời gian thực hiện giãn cánh xã hội đã giúp thay đổi thói quen sử dụng các dịch vụ kỹ thuật số của người dùng Việt Nam, đây là chuyển biến cực kỳ quan trọng để tăng thêm khách hàng cho nền kinh tế số. Theo đó, trong năm 2020, người dùng internet mới tại Việt Nam đạt tỷ lệ tăng cao nhất khu vực Đông Nam Á khi đạt tới 41% và 94% số người dùng mới này định tiếp tục sử dụng các dịch vụ đó kể cả sau đại dịch. Tới thời điểm cuối 2020, cứ 10 người dùng thì có tới 8 người cho rằng công nghệ đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của mọi người.Cũng có cùng nhận định, báo cáo của Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Australia (CSIRO) đưa ra hồi cuối 2019 cũng đánh giá nền kinh tế số Việt Nam đang có rất nhiều thuận lợi cũng như dư địa để phát triển lên tầm cỡ hàng đầu khu vực. Theo đó, nếu quá trình chuyển đổi số của Việt Nam diễn ra ở tất cả các ngành nghề và dịch vụ công, xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông tăng, dự đoán, tới 2045 kinh tế số có thể mang lại khoảng 1,1% tăng trưởng GDP mỗi năm, tương đương với 168,6 tỷ USD.Phía CSIRO cho rằng Việt Nam hiện đã sở hữu nhiều lợi thế để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế số, có thể kể: Một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới thử nghiệm và triển khai mạng 5G; học sinh Việt Nam thường đạt giải cao trong các cuộc thi khoa học và toán học quốc tế với số lượng ngang bằng hoặc thậm chí cao hơn so với các quốc gia có thu nhập cao; cước dịch vụ internet băng thông rộng cố định ở mức thấp nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.Việt Nam còn có sự thuận lợi về vị trí địa lý khi nằm ở trung tâm của các quốc gia phát triển khu vực châu Á, qua đó giúp nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài liên tục tăng mạnh theo từng năm. Chính phủ cùng tư nhân cũng có mức đầu tư ngày càng nhiều vào khởi nghiệp và kỹ năng khoa học - toán học. Xếp hạng cao về Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam cũng luôn ở mức cao... Đây đều là những điểm cốt lõi để một nền kinh tế số có thể tăng trưởng mạnh và Việt Nam đang có gần như đầy đủ những yếu tố này, CSIRO khẳng định.Quyết tâm phát triển kinh tế sốMặc dù Việt Nam đang sở hữu rất nhiều lợi thế để đưa nền kinh số lọt Top khu vực nhưng có thể hiện thực hóa được không lại phụ thuộc phần lớn vào các cấp thượng tầng, mà cụ thể ở đây là vai trò đầu tàu của Chính phủ. Trên thực tế, trong những năm trở lại đây, Chính phủ đã thể hiện rõ quyết tâm xây dựng nền kinh tế số phát triển bằng hàng loạt các chính sách nhằm thay đổi nhận thức của người dân cũng như tháo gỡ các nút thắt dành cho DN.Có thể kể đến hàng loạt các cơ chế, đường lối đã được thông qua, tạo tiền để cho kinh tế số phát triển như: Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030 tầm nhìn 2045; và Nghị quyết 36a/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ về Chính phủ điện tử...Bên cạnh đó, Chính phủ đã chủ trì, cùng với các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn công nghệ thông tin, chuyên gia tập trung triển khai nhiều giải pháp quan trọng và có kết quả cụ thể để thúc đẩy nền kinh tế số. Ví dụ như: Trục liên thông văn bản quốc gia kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử giữa 95/95 cơ quan T.Ư và địa phương; Cổng dịch vụ công quốc gia đã có hơn 2.650 dịch vụ công được tích hợp, cung cấp trên tổng số gần 6.700 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền chỉ sau 1 năm vận hành chính thức; Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kết nối với 14 bộ, cơ quan, 37 địa phương và 106/200 chỉ tiêu kinh tế - xã hội...Kinh tế số đã thực sự được coi là một cấu thành quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam trong những năm tiếp theo khi khái niệm này lần đầu tiên được đưa vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII. Trong đó, phát triển kinh tế số được coi là điểm tựa để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Mục tiêu cho nền kinh tế số cũng được nêu rõ: Phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng chính phủ số; kinh tế số đạt khoảng 30% GDP; đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số.Với nhiều điều kiện thuận lợi từ vị trí địa lý, con người cho đến chính sách nhất quán từ Đảng, Chính phủ, kinh tế số Việt Nam đang hội tụ đầy đủ những yếu tố để phát triển bùng nổ trong thời gian tới. Đây cũng chính là thời cơ mới, vận hội mới để đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia số, tạo ra bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội cùng như nâng cao lợi thế cạnh tranh toàn cầu.
"Việt Nam đang có lợi thế lớn để phát triển kinh tế số khi hiện đứng thứ ba về tốc độ tăng trưởng của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong khu vực ASEAN, chỉ sau Indonesia và Singapore. Lượng vốn đầu tư mạo hiểm năm 2020 chiếm 17% tổng vốn đầu tư trong khu vực, tăng từ mức 5% của năm 2018, với tổng giá trị các thương vụ đầu tư vào startup đạt 290,43 triệu USD. Việt Nam dự kiến sẽ có ít nhất 10 "kỳ lân" vào năm 2030." - Quỹ đầu tư ESP Capital và Cento Ventures |