Ngày 7/9, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP Hồ Chí Minh phối hợp với Vụ Kinh tế số và xã hội số thuộc Bộ TT&TT, Báo Người Lao Động, đơn vị “Hưởng ứng ngày chuyển đổi số quốc gia” tổ chức hội thảo “Thúc đẩy kinh tế số TP Hồ Chí Minh phát triển bền vững”.
Giám đốc Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh Lâm Đình Thắng cho biết, mục tiêu chương trình chuyển đổi số (CĐS) của TP đến năm 2030 trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số.
Năm 2022 kinh tế số đóng góp vào GRDP của TP Hồ Chí Minh khoảng 18%, chỉ tiêu năm 2023 là 19%, đến năm 2025 là 25% và năm 2030 là 40%. Chỉ tiêu các năm đều tăng. Tuy nhiên vẫn gặp những thách thức lớn: Nói hay nhưng hiểu không đồng nhất; phương pháp và công cụ đo lường không đồng bộ; các chính sách và nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ để CĐS chưa đồng đều…
Còn theo PGS-TS Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số, TP Hồ Chí Minh đứng top 1 trên tất cả các lĩnh vực của cả nước, đóng góp trên 20% GDP cho quốc gia. Năm 2018 đứng 28 trong các TP phát triển trên thế giới, đứng thứ 3 ở Đông Nam Á. Chỉ tiêu của TP Hồ Chí Minh đến năm 2030 có 40% đóng góp từ kinh tế số, do đó nếu bỏ qua cơ hội này sẽ là một tổn thất.
Năm 2022, TP Hồ Chí Minh có khoảng 9,2 triệu dân (chiếm 9,44% dân số cả nước), về tình hình kinh tế số - xã hội số, khoảng 60% người dân TP Hồ Chí Minh biết kỹ năng về công nghệ thông tin (CNTT), có 67.792 người có chữ ký số (chiếm 0,88% số dân TP), gần 9,4 triệu tài khoản thanh toán tại ngân hàng (từ 15 tuổi trở lên).
Từ những số liệu trên, PGS-TS Trần Minh Tuấn đưa ra gợi ý chính sách thúc đẩy kinh tế số tại TP Hồ Chí Minh. Theo đó, vị trí của kinh tế số trong nền kinh tế TP Hồ Chí Minh ngày càng vững chắc, trở thành thành động lực mạnh mẽ cho sự tăng trưởng ổn định và bền vững dựa trên 4 trụ cột chính: Công nghiệp ICT tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng ổn định; quản trị số đóng vai trò quan trọng đảm bảo tăng trưởng ổn định; CĐS các ngành công nghiệp tạo động lực cho tăng trưởng bền vững; giá trị hóa dữ liệu tạo ra sức mạnh mới để tăng trưởng ổn định. Do đó, cách tiếp cận của TP Hồ Chí Minh bổ sung thêm một số nội dung mới: Quản lý số và giá trị hóa dữ liệu.
Cũng theo PGS-TS Trần Minh Tuấn, TP hồ Chí Minh cần có cách làm đột phá. Đó là chuyển nhanh một số khâu của nền kinh tế sang online (trực tuyến); phổ cập hóa ứng dụng AI, nhưng phải là AI của Việt Nam phát triển…
Hội thảo cũng nghe tham luận của Phó Giám đốc Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh Võ Minh Thành. Theo đó, về tình hình phát triển kinh tế số của TP, hiện nay trên địa bàn có khoảng 268.000 DN, trong đó có khoảng 7.000 DN về TT&TT.
GRDP năm 2022 ước đạt khoảng 1.479.227 tỷ đồng, tỷ lệ đóng góp kinh tế số trong GRDP (2022) ước tính khoảng 19% (theo dự báo của Bộ TT&TT, năm 2021 khoảng 15,38% - chưa bao gồm thương mại điện tử (TMĐT) và kinh tế chia sẻ, chỉ tiêu năm 2023 là 19%). Theo Sách trắng TMĐT năm 2022, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam năm 2021 là 16 tỷ USD, giá trị giao dịch TMĐT trên địa bàn TP Hồ Chí Minh ước đạt khoảng 7,84 tỷ USD, gấp khoảng 1,5 - 1,9 lần quy mô thị trường TMĐT năm 2018 (đạt 3,22 đến 4,03 tỷ USD).
Từ việc đóng góp của kinh tế số khá cao, nên TP Hồ Chí Minh đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ DN, như: Truyền thông nâng cao nhận thức về CĐS; phát triển hạ tầng số (hạ tầng cáp quang Internet băng rộng đến 100% xã; hạ tầng di động 3G, 4G phủ khắp TP; triển khai thí điểm hạ tầng 5G…); chính quyền số; phát huy sứ mệnh của các DN số; truyền thông, giới thiệu, tôn vinh sản phẩm công nghệ số.
Ngoài ra, triển khai đồng bộ các chương trình của TP như: Chương trình hỗ trợ phát triển DN và sản phẩm CNTT-TT; đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP; chương trình phát triển TMĐT; chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP; đề án chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn; triển khai chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số.