Kinh tế tháng đầu năm: Nhiều tín hiệu khả quan

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2015 có vai trò rất quan trọng, được coi là năm bản lề. Vì vậy, tháng khởi đầu của năm bản lề lại càng quan trọng.

Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô…

Những kết quả kinh tế tháng khởi đầu đã cho thấy, quan hệ cân đối cung - cầu tiếp tục được cải thiện. Vốn đầu tư từ ngân sách tăng khá, trong đó, địa phương quản lý tăng cao hơn T.Ư quản lý (9,5% so với 4,5%), đặc biệt của Hà Nội tăng rất cao (22%). Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tăng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (tổng mức bán lẻ) sau khi loại trừ yếu tố giá đã tăng hai chữ số, cao nhất trong nhiều tháng qua.

 
Tổng mức bán lẻ tháng đầu năm tăng khá mạnh so với nhiều tháng qua. Ảnh: Nguyễn Duy
Tổng mức bán lẻ tháng đầu năm tăng khá mạnh so với nhiều tháng qua. Ảnh: Nguyễn Duy
Trong quan hệ buôn bán với nước ngoài, do nhập khẩu tăng cao hơn nhiều so với xuất khẩu (35,5% so với 9,7%), nên Việt Nam đã chuyển từ xuất siêu lớn trong cùng kỳ năm trước (1,87 tỷ USD) sang nhập siêu trong tháng 1 năm nay (0,5 tỷ USD). Tuy chuyển đổi vị thế như vậy, nhưng đó là tín hiệu chứng tỏ nhu cầu đầu tư, tiêu dùng có xu hướng phục hồi.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm liên tiếp trong 3 tháng, lại rơi vào 2 tháng cuối năm trước và tháng đầu năm nay - là diễn biến hiếm thấy chưa xảy ra trong cùng kỳ nhiều năm qua. Giá dầu thô giảm, nhưng do sản lượng khai thác tăng 10,6%, xuất khẩu tăng 46,6%, nên thu ngân sách từ dầu thô nửa tháng 1 đạt 3,5 ngàn tỷ đồng, bằng 3,8% dự toán cả năm. Tỷ lệ so với dự toán cả năm của tổng thu cao hơn của tổng chi (3,9% so với 3,7%), trong đó của thu nội địa còn cao hơn, nên tỷ lệ bội chi so với dự toán cả năm mới ở mức 2,9%.

Tăng trưởng kinh tế đã có dấu hiệu khả quan. Nông, lâm nghiệp - thủy sản ít bị dịch bệnh, nên tăng trưởng ổn định và vẫn giữ vị thế bệ đỡ. Công nghiệp tăng trưởng rất cao, dù có loại trừ yếu tố thời gian, thì vẫn tăng hai chữ số - tốc độ tăng cao nhất so với nhiều tháng trong 4 năm trước đó; tăng trưởng đạt được ở cả 4 ngành, trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo còn tăng cao hơn, chỉ số tiêu thụ cao lên, chỉ số tồn kho tăng chậm lại. Dịch vụ tiếp tục tăng trưởng khả quan, thì tổng mức bán lẻ tăng trưởng cao lên; xuất khẩu, nếu giá dầu thô không giảm, thì vẫn tăng hai chữ số (12,9%)… Đáng lưu ý, tốc độ tăng so với cùng kỳ của xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước cao hơn của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (12,9% so với 8,2%). Mới qua một tháng đã có 4 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD, tăng 2 mặt hàng so với cùng kỳ (giày dép và điện tử, máy tính và linh kiện); có một mặt hàng vượt qua mốc 2 tỷ USD (điện thoại các loại và linh kiện). Cán cân thương mại ở vị thế nhập siêu cũng có mặt tích cực là nền kinh tế không rơi vào giảm phát như một số ý kiến, trái lại đó là tín hiệu cầu tăng tạo điều kiện cho tăng trưởng phục hồi.

Những hạn chế, bất cập

Tuy nhiên, từ diễn biến của kinh tế tháng 1 cũng có thể thấy những bất cập cần sớm khắc phục. Trước hết, trong nhóm ngành nông, lâm - thủy sản, tiêu thụ sản phẩm còn gặp khó khăn. Xuất khẩu giảm mạnh, thu nhập của nông dân còn thấp, vẫn chủ yếu là lấy công làm lãi. Công nghiệp vẫn còn nặng về gia công. Tăng trưởng tín dụng còn mang dấu âm 0,7%.... Giá xuất khẩu dầu thô giảm mạnh; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu chậm lại nhanh và thấp hơn mục tiêu đề ra cho cả năm (10%). Nhập siêu lớn từ Trung Quốc (2,8 tỷ USD), Hàn Quốc (1,29 tỷ USD), ASEAN (0,5 tỷ USD)…, nên cả nước đã nhập siêu. Số DN thành lập mới giảm 3,5%; số DN giải thể giảm nhưng số DN gặp khó khăn tạm ngừng hoạt động tăng 22,9%; khách quốc tế đến Việt Nam giảm mạnh và giảm mạnh ở những nước trước đây có nhiều khách đến Việt Nam, nhất là Trung Quốc, Nga, Australia, Thái Lan…

Năm 2015 có nhiều thách thức. Ngoài 8 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương đã ký trước đó, nay có 3 FTA “thế hệ mới” (FTA Việt Nam với Liên minh châu Âu - EVFTA, FTA với Hàn Quốc - VKFTA, FTA với Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan - VCUFTA); rồi TPP, rồi sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ có thêm các thách thức mới khi mở cửa, hội nhập sâu hơn, rộng hơn, chất lượng cao hơn…