Kinh tế thế giới đứng trước bước ngoặt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc họp tuần tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) là sự kiện kịch tính nhất nhiều năm qua, khi quyết định giữ hay tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế thế giới.

Quyết định có thắt chặt tiền tệ hay không sẽ phụ thuộc vào phiên họp tuần tới của FED. Ảnh: Washington Post
Quyết định có thắt chặt tiền tệ hay không sẽ phụ thuộc vào phiên họp tuần tới của FED. Ảnh: Washington Post
FED - cơ quan với chức năng ngân hàng trung ương của Mỹ - sẽ họp bàn chính sách tiền tệ trong ngày 16-17/9. Nội dung được giới đầu tư, kinh doanh toàn cầu chờ đợi nhất là việc FED có tăng lãi suất từ mức tiệm cận 0% (0-0,25%) hiện nay hay không.

Trong 19 chuyên gia kinh tế và chiến lược gia đầu tư tham gia khảo sát của Action Economics (một công ty chuyên nghiên cứu thị trường tiền tệ) ngày 11/9, có 11 người - tương đương 58% - dự báo FED vẫn sẽ trì hoãn kế hoạch nâng lãi suất sau những biến động gần đây trên thị trường tài chính toàn cầu. Trên thực tế, tỷ lệ này đã tăng liên tiếp trong 2 tuần qua.

"FED nâng lãi suất chỉ khiến các thị trường biến động mạnh, hoảng loạn hơn và giao dịch do dự hơn mà thôi", chuyên gia kinh tế trưởng Diane Swonk tại Mesirow Financial nhận xét.

Nếu điều này xảy ra, đợt bán tháo gần đây trên các thị trường có thể sẽ tiếp diễn trong vòng 18 tháng tới, tăng trưởng giảm và tỷ lệ thất nghiệp tăng thêm 0,2%, theo dự báo của Barclays Capital. Hãng này cho rằng FED có thể sẽ tiếp tục đánh giá ảnh hưởng thực tế của làn sóng bán tháo đối với nền kinh tế trước khi nâng lãi suất.

Bên cạnh đó, lạm phát tại Mỹ hiện vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu 2% của FED. Thậm chí, tình trạng suy yếu của các nền kinh tế bên ngoài cùng xu hướng mạnh lên của USD có thể sẽ khiến giá cả tại Mỹ giảm mạnh hơn nữa, theo dự báo của nhà kinh tế học Joseph Lavorgna tại Deutsche Bank. USD mạnh lên sẽ khiến giá nhập khẩu hàng hóa tại Mỹ giảm nhưng đồng thời lại kìm hãm xuất khẩu.

Theo tình hình trên thị trường hợp đồng tương lai, nhà đầu tư hiện đặt cược khả năng FED nâng lãi suất tháng 9 là 23%. Đây có thể sẽ là một lý do để Mỹ tiếp tục trì hoãn kế hoạch thắt chặt. Trước đây, FED chỉ nâng lãi suất cơ bản khi thị trường đã sẵn sàng đối mặt với đà lao dốc của thị trường chứng khoán, ông Lavorgna cho biết.

Tuy nhiên, vẫn có ý kiến ủng hộ FED nâng lãi suất trong tháng 9 dựa trên số liệu thất nghiệp tích cực. Theo báo cáo việc làm tháng 8/2015 của Bộ Lao động Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp hiện xuống thấp nhất 7 năm ở 5,1% - thấp hơn dự báo ban đầu của FED và ngang với mục tiêu dài hạn của Chính phủ nước này. 

Nhà kinh tế Michael Fero tại JPMorgan cho rằng, nếu đợi đến tháng 12/2015 mới nâng lãi suất, FED buộc phải tăng mạnh lãi suất hơn để bắt kịp với lạm phát. Nói cách khác, cơ quan này sẽ phải phá vỡ kế hoạch ban đầu là tăng dần lãi suất trong vài năm tới. Động thái này chắc chắc sẽ lại đẩy thị trường tài chính toàn cầu vào bất ổn, ông Fero khẳng định.

Dù vậy, kinh tế trưởng Michael Englund tại Action Economics lại tin rằng dù FED có nâng lãi suất vào thời điểm nào, các thị trường vẫn sẽ biến động mạnh. "Vậy thì tại sao phải đợi? Nếu lo ngại về thị trường chứng khoán, FED sẽ không bao giờ nâng lãi suất", ông Englund nói.

Nâng lãi suất đồng nghĩa với việc FED sẽ chấm dứt thời kỳ nới lỏng tiền tệ kỷ lục bắt đầu từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Khi đó, FED đã hạ lãi suất cơ bản xuống gần 0%, khiến thị trường chứng khoán tăng liên tiếp 6 năm.