Kinh tế Thủ đô chuyển biến tích cực

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù vẫn còn những tồn tại, những thách thức trong bối cảnh kinh tế Thủ đô và cả...

Kinhtedothi - Mặc dù vẫn còn những tồn tại, những thách thức trong bối cảnh kinh tế Thủ đô và cả nước đang hội nhập ngày càng sâu rộng hơn với kinh tế khu vực và thế giới nhưng Chương trình 03-CTr/TU về "Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô" đã huy động và sử dụng các nguồn lực cho phát triển hiệu quả hơn, từng bước tạo môi trường đầu tư cạnh tranh thông thoáng, bình đẳng góp phần đưa cơ cấu kinh tế Thủ đô chuyển dịch theo hướng tích cực.

Hiệu quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Triển khai Chương trình số 03-CTr/TU ngày 9/9/2011 của Thành ủy, UBND TP đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 25/KH-UBND ngày 6/3/2012, trong đó nhấn mạnh và cụ thể hóa 3 nhiệm vụ và 6 giải pháp trọng tâm của Chương trình.

Đến nay, 12/12 chương trình nhánh, đề án của Chương trình 03-CTr/TU và 31/31 chương trình nhánh và đề án phối hợp với các chương trình, kế hoạch, đề án khác đã được ban hành, triển khai thực hiện.
Tăng trưởng GRDP bình quân trong 5 năm 2011 - 2015 của Hà Nội dự kiến tăng 9,23%, gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung của cả nước, tuy chưa đạt so với kế hoạch (12 - 13%/năm) nhưng là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn.

Những năm qua, kinh tế Thủ đô đã chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp. Nếu như năm 2010, cơ cấu các ngành tương ứng là: 52,4%; 41,8%; 5,8%. Năm 2015, cơ cấu các ngành chuyển dịch như sau: 54%; 41,5% và 4,5% (Kế hoạch: dịch vụ 54 - 55%, Công nghiệp xây dựng 41 - 42%, Nông nghiệp 3 - 4%).

Cùng với xu hướng chuyển dịch, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, dịch vụ trình độ cao, chất lượng cao ghi nhận sự phát triển mạnh. Bình quân 5 năm, giá trị gia tăng ngành dịch vụ tăng khoảng 9,97%.
Khớp lệnh tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. 	Ảnh: Phạm Hùng
Khớp lệnh tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Trong khi đó, ngành công nghiệp - xây dựng lấy lại đà tăng trưởng và tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, giá trị gia tăng bình quân 5 năm tăng 9%, từng bước hướng tới công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch. Bước đầu hình thành một số khu công nghệ cao hoạt động hiệu quả trong đó tập trung vào các ngành công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin như: KCN Công nghệ thông tin tập trung Cầu Giấy (quy mô đứng thứ 3 toàn quốc) đang hoạt động hiệu quả, đồng thời đang triển khai Khu công viên Công nghệ phần mềm (32,14ha), KCN Công nghệ thông tin Hà Nội (38ha), Làng phần mềm tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc…

Một số dự án xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng khoa học công nghệ cũng đang được triển khai, đặc biệt là dự án trọng điểm Trung tâm chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ ở Hòa Lạc và Trung tâm giao dịch công nghệ thường xuyên và Trung tâm công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm Hà Nội. Đây là những tiền đề quan trọng hình thành những khu công nghệ cao của TP.

Một số DN trên địa bàn đã vươn lên nhờ ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có hàm lượng chất xám cao. Đến nay, TP đã công nhận 57 sản phẩm của 49 DN là sản phẩm công nghiệp chủ lực, với doanh số chiếm khoảng 20% tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn (trong đó, 16/57 sản phẩm đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng/năm).  

 
Kinh tế Thủ đô chuyển biến tích cực - Ảnh 1

Triển khai Chương trình 03 cũng đã góp phần tạo chuyển biến trong lĩnh vực nông nghiệp với việc phát triển theo hướng sinh thái, từng bước ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao; Xuất hiện nhiều cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa, hoa, cây ăn quả chất lượng cao, giá trị sản xuất lớn.  Giá trị gia tăng bình quân trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 đạt 2,1%/năm, giá trị sản xuất năm 2015 đạt 233 triệu đồng/ha đất canh tác, tăng 1,24 lần so với năm 2011...

Gắn phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội

Cùng với phát triển kinh tế, công tác bảo đảm an sinh xã hội được bảo đảm. Nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo được triển khai đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn TP xuống dưới 2%, chất lượng cuộc sống của người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc từng bước được cải thiện.

Chương trình "Mục tiêu quốc gia giải quyết việc làm", Đề án "Phát triển thị trường lao động đến năm 2020"... đã góp phần đào tạo nghề, truyền nghề cho trên 150.000 lao động/năm. Với việc quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt, hệ thống y tế cơ sở không ngừng được hoàn thiện cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ. Đến cuối năm 2015, dự kiến tất cả các xã/phường đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân tăng lên 12,7; số giường bệnh/10.000 dân tăng lên 21,1. Chất lượng y tế cộng đồng và chăm sóc sức khỏe Nhân dân tăng lên.

Công tác an sinh xã hội được chăm lo đã góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn trên địa bàn, không để xảy ra các tình huống đột xuất, bất ngờ. Điều đó thể hiện rõ qua việc khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển Việt Nam tác động không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự tại một số địa phương. Nhưng, trên địa bàn TP tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn luôn được bảo đảm đã góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn giúp TP thu hút thêm các nguồn lực khác cho phát triển. Trong giai đoạn 2011 - 2015, tổng vốn đầu tư xã hội của TP đạt trên 1.400 tỷ đồng, tăng trung bình 15,7%/năm (tính theo giá hiện hành), gấp gần 2 lần giai đoạn 2006 - 2010, ghi nhận sự tham gia tích cực của yếu tố "xã hội hóa" trong đầu tư phát triển.
Lãnh đạo Sở KHCN kiểm tra dây chuyền công nghệ sản xuất gỗ ép viên xuất khẩu
 Lãnh đạo Sở KHCN Hà Nội kiểm tra dây chuyền công nghệ sản xuất gỗ ép viên xuất khẩu
Bên cạnh đó, với việc thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ của Chương trình 03, các cấp, ngành đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp đổi mới, khắc phục những bất cập; Khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, đất đai, ứng dụng công nghệ; phát triển giáo dục, đào tạo, cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, cải cách, hiện đại hóa nền hành chính... Cùng với đó, TP cũng đã tích cực, chủ động mở rộng quan hệ giao lưu hợp tác với các tỉnh, TP trong và ngoài nước trên tất cả các lĩnh vực chính trị, văn hóa, kinh tế, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Thủ đô.

Tăng sức cạnh tranh, phát triển bền vững

Từ những kết quả đạt được, Hà Nội đã chủ động nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại cần khắc phục. Đó là hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển chưa đáp ứng nhu cầu. Tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN còn khó khăn. Công nghệ sản xuất tại nhiều DN còn lạc hậu so với thế giới và khu vực... Trong khi đó, lĩnh vực văn hoá, xã hội bộc lộ hạn chế. Công tác quy hoạch tuy đạt được khối lượng công việc lớn nhưng chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ thực tế. Việc giải quyết các khó khăn thách thức trong cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông đô thị, sông hồ đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn tồn tại nhiều nội dung tiếp tục phải giải quyết, đặc biệt việc triển khai các đường vành đai, đường sắt đô thị và vấn đề ô nhiễm các sông hồ, công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực cao vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển...

Từ những những kết quả, bài học kinh nghiệm đã thu được trong quá trình thực hiện Chương trình 03-CTr/TU cho thấy hơn lúc nào hết để tăng trưởng nhanh và bền vững, cần tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, khắc phục khó khăn trong đó đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô giai đoạn 2016 - 2020, đưa kinh tế Thủ đô hội nhập sâu rộng hơn với kinh tế thế giới đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ hơn; Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn 2016 - 2020 (xác định là khâu đột phá) xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật - xã hội đồng bộ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô; Đẩy mạnh phát triển kinh tế cân bằng với yêu cầu phát triển văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường để đảm bảo phát triển bền vững...
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Nguyễn Đình Dương:
Tiếp tục triển khai Chương trình trên cơ sở những cơ chế đặc thù
Nội dung Chương trình số 03 rất rộng bao gồm các vấn đề về sức cạnh tranh, phát triển kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững, do vậy, đề nghị cần có nghiên cứu trong thời gian tới. Đồng thời đề xuất những cơ chế đặc thù về tài chính, nghiên cứu điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách hợp lý để TP có điều kiện thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Hà Nội thành trung tâm tài chính - ngân hàng và phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán. Hà Nội cũng cần được phân cấp mạnh hơn trong quản lý đô thị, đầu tư, tài chính...
Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Thăng:
Không thể phát triển “kiểu phong trào”
Thực hiện Chương trình số 03 -CTr/TU của Thành ủy, đồng thời nhằm hiện thực hóa mục tiêu chiến lược đặt ra tại Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 23 của Công ty, đòi hỏi Công ty vừa phải tập trung cả về kiến thức và tính chuyên nghiệp, vừa phải giải quyết bài toán tốc độ và hiệu quả. Đặc biệt, thách thức hội nhập đang đặt ra tình thế chưa từng có với các DN Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung. Hội nhập kinh tế với luật chơi mới, đẳng cấp mới, nhất là với kỷ luật thị trường mới, các DN "nội" trong đó có Rạng Đông đều phải chuyên nghiệp hơn, không thể phát triển theo "kiểu phong trào".