UBND TP Hà Nội giao ban tháng 5/2022:

Kinh tế Thủ đô phục hồi tích cực, phát triển tốt

Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – 5 tháng đầu năm 2022, tổng thu NSNN trên địa bàn của TP Hà Nội đạt 164.295 tỷ đồng, đạt 52,7% dự toán. Các chỉ số hoạt động kinh doanh tăng mạnh so với cùng kỳ cho thấy, nền kinh tế Thủ đô đang phục hồi tích cực và phát triển tốt.

UBND TP Hà Nội giao ban công tác tháng 5/2022.
UBND TP Hà Nội giao ban công tác tháng 5/2022.

Chiều nay 2/6, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh chủ trì hội nghị giao ban công tác tháng 5/2022 của UBND TP.

Dự hội nghị có Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn; các Phó Chủ tịch UBND TP: Nguyễn Trọng Đông, Dương Đức Tuấn, Hà Minh Hải; Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên; đại diện lãnh đạo các sở, ngành TP.

Xuất khẩu phục hồi mạnh

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở KH-ĐT Đỗ Anh Tuấn cho biết, các chỉ số hoạt động kinh doanh tháng 5/2022 tăng mạnh so với cùng kỳ, nền kinh tế đang phục hồi tích cực và phát triển tốt.

Cân đối thu, chi ngân sách được đảm bảo. Tổng thu NSNN trên địa bàn 5 tháng đầu năm 2022 đạt 164.295 tỷ đồng, đạt 52,7% dự toán, bằng 127,3% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 10.737 tỷ đồng, đạt 49,0% dự toán, bằng 124,2% so với cùng kỳ; thu nội địa 152.310 tỷ đồng, đạt 52,8% dự toán, bằng 127,3% so với cùng kỳ.

Chi ngân sách địa phương đạt 24.536 tỷ đồng, đạt 22,9% dự toán đầu năm, bằng 105,5% so với cùng kỳ, trong đó chi thường xuyên là 16.285 tỷ đồng, đạt 30,6% dự toán.

Nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục tăng, đảm bảo nhu cầu của nền kinh tế. Vốn huy động đạt 4,44 triệu tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng 4, tăng 4,5% so với thời điểm 31/12/2021. Tổng dư nợ 2,62 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 1,2% và tăng 5,4%.

Xuất khẩu phục hồi mạnh, kim ngạch tháng 5 đạt 1,52 tỷ USD, tăng 31% (cùng kỳ tăng 2,5%); lũy kế 5 tháng đầu năm đạt 6,91 tỷ USD, tăng 18,8% (cùng kỳ tăng 8,1%). Kim ngạch nhập khẩu tăng tương ứng 18,9% và tăng 20,2%.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng 0,3% so với tháng 4, tăng 2,43% so với tháng 12/2021 và tăng 3,79% so với cùng kỳ năm 2021. Bình quân 5 tháng đầu năm 2022 tăng 3,04% - cao hơn khá nhiều mức tăng cùng kỳ (tăng 0,97%), trong đó nhóm giao thông tăng cao nhất 15,3%.

Giám đốc Sở KH-ĐT Đỗ Anh Tuấn cho biết, thực hiện hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, các chính sách miễn, giảm thuế, lệ phí, TP đã giảm VAT 2% đối với 41.797 doanh nghiệp, đạt 43% kế hoạch; tổng giá trị thuế VAT được giảm trừ 2% là 1.734 tỷ đồng, đạt 24% kế hoạch. TP đã huy động xã hội hoá để quyết định hỗ trợ tiền mặt và cho vay cho trên 5,69 triệu lượt đối tượng với tổng kinh phí 7.243,6 tỷ đồng...

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 tăng 1,8% so với tháng 4 và tăng 7,3% so với tháng 5/2021 (cùng kỳ tăng 5,1%); lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, IIP tăng 6,4% (cùng kỳ tăng 9,4%).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 tăng 19,9% so với tháng 5/2021 (cùng kỳ giảm 5,7%); lũy kế 5 tháng đầu năm tăng 10,9% (cùng kỳ tăng 11,2%).

Khách quốc tế đến Hà Nội tăng 3,2 lần so với cùng kỳ

Khách quốc tế đến Hà Nội tháng 5/2022 đạt 69.000 lượt khách, tăng 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2021; lũy kế 5 tháng đầu năm đạt 161.000 lượt khách, tăng 79,5% (cùng kỳ giảm 86,2%).

Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển. Cơ cấu giống lúa tiếp tục chuyển dịch theo hướng mở rộng diện tích lúa chất lượng cao. Chăn nuôi trâu, bò ổn định, bệnh truyền nhiễm cơ bản được kiểm soát; đàn trâu bò tăng 3,1%; đàn lợn tăng 2,2%; đàn gia cầm tăng 1,3% so cùng kỳ.

Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 312 triệu USD. Thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách 2.117 tỷ đồng. Có 2.427 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 22.477 tỷ đồng (tăng 10% về số lượng doanh nghiệp và giảm 47% vốn đăng ký). Lũy kế 5 tháng đầu năm, có 11.517 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 144.571 tỷ đồng. Số doanh nghiệp giải thể là 341 doanh nghiệp (tăng 43%), số doanh nghiệp đang chờ làm thủ tục giải thể là 358 doanh nghiệp (tăng 4%), 911 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 27%). Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 627 doanh nghiệp (tăng 10%).

Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội cũng cho biết, công tác tổ chức SEA Games 31 của TP Hà Nội đã hoàn thành tất cả các nhiệm vụ được Trung ương giao, bảo đảm các mốc tiến độ. TP đã chuẩn bị chu đáo các điều kiện về vật chất, kỹ thuật và con người góp phần tổ chức thành công SEA Games 31, trong đó đoàn thể thao Thủ đô đạt thành tích ấn tượng với 151/446 huy chương (62 Huy chương Vàng), đóng góp 1/3 số huy chương toàn đoàn, giúp đoàn thể thao Việt Nam xác lập kỷ lục về số huy chương tại SEA Games 31.

Chất lượng giáo dục tiếp tục được giữ vững. Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2022, Hà Nội là đơn vị đứng đầu về số lượng đạt giải với 125 giải, trong đó có 7 giải Nhất. Có 4/4 đề tài nghiên cứu khoa học của học sinh THPT dự thi quốc gia đều đoạt giải.

Đặc biệt, TP Hà Nội đã thực hiện tốt các mục tiêu phòng, chống dịch Covid-19. Đến nay, 99,9% người trên 18 tuổi và trẻ em từ 12-17 đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 2, mũi nhắc lại tỷ lệ đạt cao (95,4% với người trên 18 tuổi). Triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 69,2% số trẻ thuộc đối tượng tiêm.

Ngoài ra, TP cũng bảo đảm tốt an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm. Lũy kế 5 tháng đầu năm, đã hỗ trợ 2,631 triệu người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid-19 với kinh phí 2.531,7 tỷ đồng. Bảo hiểm xã hội đã chi trả cho trên 3,239 triệu người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và người lao động tạm dừng bảo hiểm thất nghiệp với số tiền 4.859,7 triệu đồng…

Công tác quy hoạch của TP Hà Nội được đẩy nhanh tiến độ. Nhiều quy hoạch quan trọng được phê duyệt. Xây dựng hạ tầng KTXH được đẩy mạnh. Triển khai đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo.

Một số chỉ số về cải cách thủ tục hành chính có sự cải thiện xếp hạng: Chỉ số PAPI xếp thứ 9/63, tăng 39 bậc; chỉ số SIPAS xếp thứ 30/63, tăng 3 bậc. Tuy nhiên, các chỉ số PCI và PAR Index giảm bậc xếp hạng (PCI giảm 1 bậc; PAR Index giảm 2 bậc so với năm 2020).

Đôn đốc quyết liệt tiến độ các công trình trọng điểm

Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Giám đốc Sở KH-ĐT Đỗ Anh Tuấn cho biết, TP sẽ tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Tập trung lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Bên cạnh đó, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ: Miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí và lệ phí; giảm  tiền thuê đất, mặt nước; gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ lãi suất ngân hàng; cho vay ưu đãi qua Ngân hàng chính sách xã hội...

Phát huy vai trò, trách nhiệm của 6 Tổ công tác của TP về giải ngân vốn đầu tư công; tập trung tối đa nguồn lực, nâng cao hiệu quả đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công. Đôn đốc quyết liệt tiến độ các công trình trọng điểm, các công trình thiết yếu; tập trung tháo gỡ khó khăn tối đa cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách nhằm đẩy mạnh kích cầu đầu tư.

Chuẩn bị các điều kiện phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT và phối hợp tổ chức thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022. Thực hiện tốt công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước mùa hè.

Thực hiện linh hoạt, chủ động các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Chăm sóc, đảm bảo sức khỏe Nhân dân, phòng chống dịch bệnh mùa hè. Kiểm soát chặt chẽ công tác an toàn thực phẩm, chú trọng phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần