Kinh tế toàn cầu 2013: Phục hồi chậm?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chưa kịp thở phào nhẹ nhõm sau khi vượt qua một năm 2012 đầy sóng gió, kinh tế toàn cầu sẽ phải đối mặt với những cơn bão mới với sự suy thoái của các quốc gia phát triển và nguy cơ cộng dồn từ khủng hoảng nợ công tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Tuy nhiên, bất chấp khó khăn, hầu hết các quốc gia sẽ tìm được phương thức để đương đầu và vượt qua khủng hoảng.

Các nền kinh tế đầu tàu  gặp khó

Mỹ - nền kinh tế đầu tàu thế giới vẫn tiếp tục phục hồi chậm chạp trong năm 2013 khi tăng trưởng không có sự bứt phá và tỷ lệ thất nghiệp vẫn đứng ở mức cao 7,7%. Đặc biệt, nếu Nhà Trắng và Quốc hội không tìm ra cách thức giải quyết vấn đề "vách đá tài khóa" (tự động tăng thuế, giảm chi tiêu công có hiệu lực từ ngày 1/1/2013), việc nền kinh tế Mỹ đổ dốc chỉ còn là vấn đề thời gian. Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới được dự đoán là sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều bài toán khó về tăng trưởng trong năm 2013 do không còn tận dụng được ưu thế của việc tái xây dựng thời kỳ hậu thảm họa sóng thần, đồng Yên sẽ tiếp tục tăng giá làm ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu của nước này. Trong khi đó, triển vọng ảm đạm của kinh tế Anh, Pháp cũng đe dọa tiến trình phục hồi của khu vực.

Kinh tế toàn cầu 2013: Phục hồi chậm? - Ảnh 1

Eurozone giữa ngã ba đường

Dù Eurozone đã "sống sót" qua bão nợ công nhưng năm 2013, tình hình có thể khốc liệt hơn khi khu vực này phải vượt qua tình cảnh mà các nhà quan sát ví von là trong sa mạc với rất ít nước. Ngay cả khi Liên minh châu Âu đạt được thỏa thuận về thành lập một cơ chế giám sát ngân hàng chung, người ta vẫn không dám chắc về tương lai phía trước của đồng euro. Vì thế, trong năm tới, Eurozone sẽ phải đứng giữa ngã ba đường với lựa chọn hoặc đoàn kết hơn để thành lập Kho bạc T.Ư nhằm thu thuế trực tiếp từ tất cả các nước thành viên, hoặc chia rẽ hơn bởi không một quốc gia nào muốn từ bỏ quyền lợi riêng của mình.

Kinh tế châu Á tiếp tục khởi sắc

Trong khi các đầu tàu kinh tế thế giới đang lâm vào cảnh khó khăn, nhiều nước trong khu vực châu Á sẽ không để lỡ dịp "ngư ông đắc lợi" và đưa tăng trưởng bình quân toàn khu vực đạt mức 4,8%. Trung Quốc và Lào được xếp vào các nước tăng trưởng từ 8% trở lên, mức cao nhất trong khu vực. Indonesia thuộc nhóm sẽ tăng trưởng trong khoảng 6% đến 7,9%. Các nước Việt Nam, Myanmar, Thái Lan và Philippines được dự báo sẽ thuộc nhóm tăng trưởng từ 4 đến 5,9%, trong đó riêng Việt Nam đạt mức tăng trưởng là 5,5%. Sự khởi sắc của các nền kinh tế châu Á trong khó khăn sẽ góp phần nâng cao vị thế của khu vực trên trường quốc tế.

Chứng khoán giảm,  hàng hóa tăng

Tình hình kinh tế bất ổn, xung đột gia tăng ở khu vực Trung Đông, thiên tai, hạn hán, nắng nóng... được cho là những tác nhân dẫn đến những diễn biến trái chiều trên thị trường chứng khoán và thị trường hàng hóa. Theo các chuyên gia, doanh số bán hàng sụt giảm, các món nợ cá nhân tăng, thất nghiệp ngày càng trầm trọng kéo theo nhiều hệ lụy khác và khiến thị trường chứng khoán sẽ tụt dốc trong năm 2013. Trong khi đó, việc ngân hàng T.Ư nhiều nước tăng cường thâu tóm và tích trữ vàng sẽ đẩy giá kim loại quý tăng ít nhất 50%. Ngay cả tỷ phú George Soros, người thường lên án vàng là một món đầu tư kém khả thi cũng đang ra sức củng cố vị thế của mình bằng cách mua ròng nhiều ngày liên tiếp. Nếu xung đột tại các khu vực giàu dầu mỏ bùng nổ, khí hậu khắc nghiệt xảy ra ở những vựa sản xuất lương thực chính của thế giới, giá dầu, lương thực chắc chắn sẽ xác lập những kỷ lục mới.

Dù triển vọng kinh tế 2013 vẫn nhuốm màu u ám nhưng giới chuyên gia, các doanh nghiệp và những nhà đầu tư vẫn lạc quan về "ánh sáng cuối đường hầm". Trên con đường tìm lời giải cho bài toán thúc đẩy tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, giảm thất nghiệp, kinh tế toàn cầu vẫn có sức mạnh để vượt qua sóng gió với việc không ngừng đổi mới công nghệ, đẩy mạnh phát triển kỹ thuật và hướng tới phát triển các nguồn năng lượng giá rẻ.