70 năm giải phóng Thủ đô

Kinh tế TP Hồ Chí Minh sẽ hồi phục mạnh mẽ trong 3 quý cuối năm

Huy Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 8/5, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã có buổi làm việc trực tuyến với UBND TP Hồ Chí Minh về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2020. Mặc dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh nhưng TP Hồ Chí Minh vẫn giữ được niềm tin lạc quan về sự hồi phục kinh tế mạnh mẽ trong 3 quý cuối năm.

Suy giảm kinh tế toàn diện
Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, trong 4 tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc, toàn diện tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của TP. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý 1 chỉ đạt 335.682 tỷ đồng, tăng 0,42% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,64%). Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 2,6% (cùng kỳ tăng 6,6%), 4 ngành công nghiệp trọng yếu giảm 0,7% (cùng kỳ tăng 6,8%).
Thu ngân sách gặp khó khăn, đạt 120.703 tỷ đồng, giảm 9,88% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) thu hút được 1,3 tỷ USD (giảm 44,8% so với cùng kỳ), số lượng doanh nghiệp ngưng hoạt động là 6.173 doanh nghiệp (tăng 37,3%) và giải thể là 1.640 doanh nghiệp (tăng 17,8%) so với cùng kỳ.
Quang cảnh buổi họp trực tuyến với Thủ tướng ở đầu cầu TP Hồ Chí Minh
Cũng theo ông Nguyễn Thành Phong, kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh vẫn có những điểm sáng đáng ghi nhận, đó là mặc dù tốc độ tăng GRDP giảm nhưng vẫn chiếm tỷ trọng khoảng 25% trong GDP cả nước, tổng thu ngân sách tuy giảm, nhưng chiếm tỷ lệ khoảng 25% của cả nước. Qua đó cho thấy, TP Hồ Chí Minh vẫn có những yếu tố tích cực là tiền đề để tiếp tục phát triển nhanh hơn trong thời gian tới.
Cũng tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết, từ ngày 30/4 đến nay Việt Nam đang chuyển dần sang trạng thái bình thường, trong khi một số quốc gia hết sức khó khăn với dịch bệnh, mới thấy được cái hạnh phúc của chúng ta. Kinh tế giảm sút trong vài tháng vừa qua, cầu giảm, tổng năng lực cung vẫn đảm bảo.
Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, 7.773 doanh nghiệp đóng cửa phá sản, chiếm 3%, 97% vẫn còn nguyên.  TP Hồ Chí Minh tập trung hỗ trợ để doanh nghiệp giữ được người lao động. Đây là cơ sở để kinh tế TP phát triển trong những tháng còn lại của năm 2020.
Cũng theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, trong 15 nước là đối tác của Việt Nam, đóng góp 80% tổng kim ngạch thương mại... có 8 nước chuyển giai đoạn phòng chống dịch, đang đi đến trạng thái 1 triệu dân có 10 người nhiễm, trong tháng 5 - 6/2020 phục hồi quan hệ thương mại; 8 quốc gia triển vọng phục hồi… Mặc dù phải chịu tác động của tình hình dịch bệnh trên toàn cầu nhưng lãnh đạo thành phố có niềm tin sâu sắc kinh tế TP Hồ Chí Minh sẽ phục hồi mạnh mẽ kể từ tháng 6/2020.
TP Hồ Chí Minh cần chú trọng công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng
Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư đưa ra con số tăng trưởng kinh tế của TP Hồ Chí Minh năm 2020 khoảng 4,96%. “Không nên so sánh TP Hồ Chí Minh với các tỉnh thành khác nữa vì luôn đứng đầu, phải so sánh với các TP trong khu vực như Bắc Kinh, Thượng Hải, Singapore... Năm nay tình hình rất khá khăn, trông chờ vào các TP lớn, tất cả những gì giúp cho TP phát triển được cần giải quyết nhanh, tháo gỡ vướng mắc, từng bộ ngành chủ động rà soát vướng mắc” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cảnh báo: “Tình hình khó khăn, doanh nghiệp bị suy yếu, khả năng bị thâu tóm, bán rẻ. Tính toán mua lại doanh nghiệp FDI của nước ngoài, lấy được công nghệ, có thị trường ngay”.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng: “TP Hồ Chí Minh với vị trí đô thị đặc biệt của mình, nằm ở vị trí hạt nhân, giao thông thuận lợi, luôn đi đầu trong đổi mới sáng tạo, đóng góp khoảng 28% vào ngân sách nhà nước. Tiềm năng đất đai của TP Hồ Chí Minh rất lớn, sau thanh tra, cần phải xử lý quyết liệt, thu về cho ngân sách vài chục ngàn tỷ đồng. Sau thanh tra, xử lý đất đai đắc địa trên địa bàn TP tạo ra nguồn lực hàng ngàn tỷ đồng; Chuyển đổi đất từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp cũng sẽ tạo ra nguồn lực lớn cho TP Hồ Chí Minh".
Nói về các vấn đề tồn đọng ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, Bộ Tài chính cũng đã đưa ra chi phí đầu tư bình quân vào Thủ Thiêm, căn cứ vào đây để xử lý dứt điểm, thu hồi ngân sách nhà nước, đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư, đề nghị các đồng chí nghiên cứu vận dụng đúng pháp luật.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình gợi ý, TP Hồ Chí Minh muốn trở thành TP hàng đầu thì phải phát triển phải kết nối, làm đường vành đai 3, vành đai 4, mời các tỉnh về bàn, có hạ tầng giao thông đi trước một bước kết nối mới thông suốt.
Về đề án thành lập TP phía Đông trực thuộc TP Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng đây là đề xuất đáng lưu ý, đề xuất tạo điều kiện cho TP phát triển xứng tiềm năng, tạo động lực phát triển. Triển khai quy hoạch, phải làm tốt đối với TP động lực này. Giao thông phải đi trước, lấy giao thông làm định hướng phát triển, không chạy theo nhà đầu tư, không phải lấy dự án để lấp chỗ trống, lấy giao thông để tạo ra TP, gắn với chuỗi đô thị các tỉnh liên kết về… Không để nhà đầu tư dẫn dắt, hình thành đô thị tủn mủn, kẹt xe ngập nước...
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Trong khó khăn do dịch bệnh, TP Hồ Chí Minh không đổ gãy mà tăng trưởng 1,03%, đây là kết quả đầy cố gắng; Quốc phòng an ninh ổn định; lãnh đạo TP lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong công tác phòng chống dịch bệnh…
Theo báo cáo đã có 3% doanh nghiệp rời thị trường, 97% chờ phát triển. Quyết tâm của TP rất cao, nuôi chí lớn, đóng góp cho cả nước, quyết tâm tăng trưởng trên 6%... TP nén đủ rồi, giờ bung ra ngay và trở lại là chính mình. Trong 3 quý còn lại tăng trưởng xứng đáng, trở lại là cực tăng trưởng, đầu tàu kinh tế, đạt được trên 6% là trách nhiệm đối với cả nước”.
Bên cạnh việc biểu dương các thành quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ đề nghị TP Hồ Chí Minh cần phải nghiêm túc xem xét vì sao trong năm 2019 chỉ có vài dự án BĐS, trước đó cả trăm dự án, lỗi tại cơ chế, thể chế hay con người; giải ngân vốn đầu tư là việc cần làm ngay, trong 4 tháng TP Hồ Chí Minh chỉ giải ngân được 9,2% thấp hơn mức bình quân;
Thủ tướng đề nghị, TP Hồ Chí Minh cần phải có sự chuẩn bị đón cơ hội vàng, Việt Nam là một trong những quốc gia an toàn dịch bệnh, an toàn đầu tư; TP Hồ Chí Minh nên tính đến các phương án hỗ trợ doanh nghiệp để tránh, hạn chế nguy chơ doanh nghiệp bị thâu tóm; chấm dứt tình trạng sợ trách nhiệm…

Sẽ báo cáo Bộ Chính trị về việc sát nhập 3 quận để thành lập Thành phố năng động phía Đông

Trong khuôn khổ buổi làm việc, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị về việc thành lập sáp nhập 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức để thành lập Thành phố năng động tương tác cao phía Đông, trực thuộc TP Hồ Chí Minh; xây dựng đề án không tổ chức HĐND cấp quận, phường.

Về các kiến nghị này, đại diện Bộ Nội vụ cho rằng, việc không tổ chức HĐND ở phường, quận cũng như Đề án thành lập thành phố thuộc TP trực thuộc Trung ương, Bộ Nội vụ ủng hộ. Đây là 2 nội dung lớn, quan trọng, không thể không gắn kết với Nghị quyết 37 của Bộ Chính Trị. Về đề án sát nhập 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức để thành lập Thành phố năng động phía Đông trực thuộc TP Hồ Chí Minh, theo đại diện Bộ Nội vụ, đơn vị hành chính thuộc thành phố trực thuộc Trung ương chỉ là cấp quận huyện thôi, không thể khác được.

Đại diện Bộ Nội vụ đề nghị TP Hồ Chí Minh tích hợp 2 nội dung này trong một đề án.

Liên quan vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị TP Hồ Chí Minh ghép 2 đề án thành một và Chính phủ sẽ báo cáo Bộ Chính trị xem xét.