Đây là chủ trương đúng đắn, nhất quán, xuyên suốt, khách quan và có hiệu quả của Đảng, Nhà nước ta. Một lần nữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2022.
Trước đó trong chuyến thăm Mỹ, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh, Việt Nam khẳng định chủ trương nhất quán là kiên định đường lối đổi mới, mở cửa, chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả với bên ngoài. Đường lối đổi mới dựa trên 3 trụ cột gồm xóa quan liêu bao cấp, đa sở hữu và hội nhập.
Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp của các DN, đối tác đầu tư trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro và tuân thủ pháp luật. Nhờ đường lối đổi mới, đặc biệt là xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, từ một nền kinh tế kém phát triển, sau hơn 35 năm đổi mới Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ.
Thực tế, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, các nước phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, giảm tác động trước những cú sốc từ bên ngoài đang là xu hướng chung và mong muốn của hầu hết các nước.
Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh: “Độc lập, tự chủ không có nghĩa là đóng cửa, tự cung, tự cấp mà gắn liền với chính sách mở cửa, hội nhập”. Mục tiêu, tư tưởng chủ yếu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, Thủ tướng từng nhấn mạnh đó là xây dựng nền kinh tế có cơ cấu hợp lý, hiệu quả, bền vững. Nâng cao sức chống chịu và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế; thích ứng linh hoạt, hiệu quả với những biến động tình hình quốc tế, khu vực và trong nước.
Tận dụng tốt các cơ hội từ hội nhập quốc tế, tạo động lực thúc đẩy phục hồi nhanh, bền vững. Đồng thời, cần đặc biệt chú trọng đến tiến bộ, công bằng xã hội. Và đặc biệt “Không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”.
Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng bởi đó là giải pháp để góp phần giải quyết những vấn đề lớn đặt ra đối với Việt Nam. Cùng với đó đây là một trong những yếu tố then chốt để bảo đảm độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia, là tất yếu khách quan của việc mở cửa, hội nhập quốc tế. Định hướng này cũng giúp nâng cao thực lực, tiềm lực cho hội nhập sâu rộng, hiệu quả trong hệ thống kinh tế toàn cầu và thực hiện tốt các cam kết quốc tế.
Thời gian qua, chương trình phục hồi và phát triển mà Chính phủ đang triển khai không chỉ có ý nghĩa sau đại dịch mà còn trong thời điểm Việt Nam có thể tận dụng thời cơ để bứt lên. "Hoàn cảnh không bình thường thì tư duy và giải pháp phải khác thường", nhiều chuyên gia tham dự diễn đàn đánh giá cao sự linh hoạt thích nghi với những biến động của nền kinh tế Việt Nam thời gian qua, đặc biệt là trong ứng phó với đại dịch Covid-19 và đà phục hồi kinh tế ghi nhận những dấu hiệu tích cực.
Khủng hoảng năng lượng, biến đổi khí hậu cũng là cơ hội để Việt Nam thực hiện cuộc chuyển đổi mạnh mẽ về phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng. Bên cạnh đó là giải quyết những lo ngại về lạm phát, đồng thời với việc bảo đảm tín dụng cho nền kinh tế; thúc đẩy giải ngân hiệu quả đầu tư công…
Việt Nam chưa mạnh nhưng có tầm nhìn, khát vọng, năng lực chớp thời cơ, có nền tảng tốt cho phát triển. Nền kinh tế có đà, có thế, có khát vọng để vươn dậy.