Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10 ngày 3/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đây là lần đầu tiên Đảng xác định kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với KTTN là nòng cốt để xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ. Phát triển KTTN là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Các quan điểm của Nghị quyết đều rất mới, rất mạnh mẽ và đột phá, Đảng xác định xóa bỏ mọi rào cản, mọi định kiến và tạo mọi điều kiện để KTTN phát triển lành mạnh, bình đẳng.
Theo Sách Trắng Việt Nam 2019, khu vực KTTN trong nước đang tạo ra khoảng 43% GDP, 30% thu NSNN. Khối tư nhân cũng đang thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước. Hiện tại đã có 29 DN Việt Nam có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD trên thị trường chứng khoán như Vingroup, Sungroup, Masan, Vietjet, Techcombank, Thế Giới Di Động, Novaland, Hòa Phát...
Hiện nay, trong lĩnh vực bất động sản, quy mô và doanh thu của Sungroup, Vingroup thậm chí lớn hơn các Tổng Công ty phát triển nhà của Bộ Xây dựng hay Tổng Công ty phát triển đô thị của Hà Nội rất nhiều lần. Tại lĩnh vực công nghiệp ô tô, VEAM hay VINAMOTOR đã tiến hành nhiều dự án phát triển ô tô. Song cuối cùng, thành công lại tới từ 3 DN tư nhân là Thaco, Hyundai Thành Công và VinFast. Việt Nam cũng đã có những tỷ phú USD đầu tiên như: Ông Phạm Nhật Vượng (Vingroup), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Vietjet), ông Trần Bá Dương (Thaco), ông Nguyễn Đăng Quang (Masan)... Ngoài vai trò là động lực tăng trưởng, khối KTTN đã khẳng định được vị thế khi ngày càng tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào hầu hết lĩnh vực của nền kinh tế, từ công nghiệp chế tạo cho đến du lịch, dịch vụ, hàng không…
Những thay đổi về thể chế, chính sách đã tạo nên những thành tựu trong sự phát triển của khu vực KTTN của Việt Nam. Bước ngoặt vào năm 2017 khi Chính phủ thành lập Ban nghiên cứu phát triển KTTN (Ban IV), mà thành viên đa phần là các doanh nhân nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực. Từ địa phương, bầu không khí cũng rất sôi động. Tại nhiều tỉnh, thành, việc phát triển DN tư nhân được lãnh đạo địa đã cụ thể hóa bằng nhiều chương trình hành động. Nhiều trung tâm dịch vụ hành chính công, một cửa liên thông ra đời. Nhiều điều kiện, thủ tục kinh doanh, đầu tư trói buộc trước đây đã bị xóa bỏ. Các buổi gặp gỡ như “cà phê doanh nhân”; chương trình khởi nghiệp sáng tạo; ban hành các chính sách dưỡng nghiệp... được tổ chức thường nhật…
|
Hãng Vietjet đã khẳng định được vị thế trên thị trường hàng không trong và ngoài nước. Ảnh: Ánh Dương |
Phát triển kinh tế Nhà nước trong điều kiện mớiNhìn chung, kể từ khi Nghị quyết số 10-NQ/TƯ của Hội nghị T.Ư 5 (khóa XII) được ban hành, Chính phủ và các bộ, ngành đã nỗ lực vào cuộc để thực hiện mục tiêu mang đến sự bứt phá toàn diện cho khu vực KTTN. Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển KTTN vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn và thách thức, cụ thể như: Đóng góp của KTTN vào tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng. Tỷ trọng của KTTN trong GDP ít thay đổi trong 10 năm qua. Mục tiêu đóng góp khoảng 50 - 60% GDP vào năm 2020 gặp nhiều thách thức; Quy mô bình quân các đơn vị KTTN trong nước còn nhỏ, chủ yếu là kinh tế cá thể đóng góp tới 30% GDP (tức phần lớn KTTN của Việt Nam vẫn là kinh tế hộ gia đình, 97% DN tư nhân Việt Nam là DNNVV); Năng suất lao động xã hội của khu vực KTTN thấp hơn mức bình quân của nền kinh tế; Năng lực tài chính, trình độ công nghệ và hiệu quả kinh doanh của KTTN chưa cao; chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh chưa nổi bật; khả năng tham gia chuỗi giá trị và mạng sản xuất khu vực và toàn cầu còn hạn chế, chủ yếu tập trung ở các công đoạn có giá trị gia tăng thấp.
Điều đó sẽ gây bất lợi cho chúng ta, bởi kinh tế hộ gia đình không đăng ký thương hiệu, không đăng ký nhãn hiệu và khó có thể cạnh tranh với hàng nước ngoài tràn vào nước ta. Trong cuộc CM 4.0, các công nghệ của chúng ta còn lạc hậu, năng suất lao động còn rất thấp, nếu chúng ta ứng dụng KHCN vào vận hành thì có thể tạo ra các đột phá lớn.
Trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII, Dự thảo văn kiện chỉ rõ, đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành nước thu nhập trung bình cao - sớm hơn 5 năm so với khát vọng Việt Nam 2035 và năm 2045 sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Trong công cuộc phát triển lần này, DN Việt Nam, đặc biệt là DN tư nhân có cơ hội và trách nhiệm phát huy vai trò động lực của nền kinh tế, góp sức thực hiện những chuyển đổi nói trên.
Một số mục tiêu tiếp tục đặt ra đối với phát triển khu vực kinh tế ở nước ta trong thời gian tới như: Phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 1,5 triệu DN và năm 2030 là khoảng 2 triệu DN hoạt động có hiệu quả; Tốc độ tăng trưởng của KTTN cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế; Tỷ trọng đóng góp của khu vực KTTN đạt khoảng 55% GDP năm 2025; 60 - 65% GDP năm 2030 và 65 - 70% GDP năm 2040. Trong giai đoạn 2021- 2030, DN tư nhân có mức tăng trưởng bình quân số lao động khoảng 6- 8%; tăng trưởng bình quân thu nhập của người lao động đạt khoảng 25 - 30% và tăng trưởng bình quân mức đóng góp vào NSNN đạt khoảng 25%/năm.
Để thúc đẩy KTTN phát triển hơn nữa, đòi hỏi này cần được đáp ứng từ hai phía. Về phía nhà nước, cần những bước chuyển đổi quyết liệt hơn nữa để vận hành bộ máy theo đúng quy luật kinh tế thị trường. Cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, đặc biệt là hoàn thiện khung pháp luật, chính sách và các văn bản hướng dẫn thi hành để đảm bảo tính đồng bộ, cụ thể và minh bạch; có tính khả thi cao và dễ thực hiện. Triển khai có hiệu quả các quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV. Cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh nhằm đảm bảo duy trì niềm tin và tăng cường đầu tư kinh doanh bền vững. Thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo. Xây dựng khung thể chế thí điểm cho mô hình kinh doanh mới. Khuyến khích DN ứng dụng KHCN, khai thác cơ hội của cuộc CM 4.0. Ngoài ra, cần coi trọng phát triển các dịch vụ tư vấn, thông tin và dự báo thị trường, hỗ trợ kinh doanh; giảm thiểu cho khu vực DN các gánh nặng thể chế, tài chính và tín dụng trong đầu tư mở rộng thị trường trong nước và hỗ trợ các DN tư nhân đầu tư ra nước ngoài…
Về phía DN phải có tư duy đột phá, hình thành đội ngũ doanh nhân có đức, có tài, trí tuệ và bản lĩnh, đặc biệt là có ý chí và khát vọng làm giàu chính đáng, không ngừng đổi mới sáng tạo. Nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh. Bên cạnh mục tiêu lợi nhuận, cần thực hiện trách nhiệm xã hội của mình, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội, đóng góp thuế…