Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế tuần hoàn: Nền tảng cho tăng trưởng xanh

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Biến rác thải thành nguồn lực, tiến tới không rác thải”, quản lý, sử dụng hợp lý các nguồn nguyên liệu thô có khả năng tái tạo… Mô hình kinh tế tuần hoàn chính là lời giải cho bài toán thách thức tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm môi trường.

“Tuần hoàn khép kín”
Liên tiếp được vinh danh là DN Sản xuất Bền vững Nhất Việt Nam theo Chương trình Đánh giá và Xếp hạng các DN Bền vững ở Việt nam (CSI), Heineken là một ví dụ áp dụng mô hình nền kinh tế tuần hoàn nhằm đáp ứng chiến lược phát triển kinh doanh bền vững. “99% phụ phẩm và phế liệu trong sản xuất của công ty được tái chế hoặc tái sử dụng, làm thức ăn chăn nuôi hoặc phân bón vừa đem lại thu nhập, vừa bảo vệ môi trường. Tiêu biểu phải kể tới việc áp dụng nguồn nguyên liệu khí sinh học (biogas) và nguyên liệu sinh khối (biomass)” - Giám đốc Ngoại vụ Cấp cao Heineken Việt Nam Matt Wilson chia sẻ. Sáng kiến này là ví dụ cụ thể của mô hình nền kinh tế tuần hoàn khi phụ phẩm cuối của một quy trình sản xuất nông nghiệp như vỏ trấu lại trở thành năng lượng đầu vào của một quy trình sản xuất mới. Về mặt kinh tế - xã hội, sử dụng nguyên liệu sinh khối cũng giúp cho người nông dân có thêm thu nhập.
 Dây chuyền sản xuất Coca-Cola tại Việt Nam.  Ảnh:  Anh Tuấn
Nằm trong top 10 DN phát triển bền vững, Coca-Cola tung ra chiến dịch có tên World Without Waste tiến đến năm 2030, công ty này thu thập và tái chế được 100% vỏ bao bì, đồng thời hạn chế thành phần nhựa trong bao bì. “Chúng tôi sẽ xây dựng thí điểm các hệ thống thu thập và phân loại chai nhựa tại các TP lớn như Hồ Chí Minh, Hà Nội nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về quản lý rác nhựa" - ông Sanket Ray - Tổng Giám đốc Coca-Cola Việt Nam cho biết.

Sẽ ban hành Chỉ thị về phát triển bền vững

Tại Việt Nam, Chính phủ khuyến khích hoạt động phát triển bền vững trong khối DN, coi đây là động lực chính giúp hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh, thúc đẩy phát triển bền vững. Chiến dịch này cũng được nhiều địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… hưởng ứng. Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững, tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với VCCI, soạn thảo, trình Thủ tướng ban hành chỉ thị về phát triển bền vững.

Trong khi đó, ông Tomoyuki Sasama - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dow Việt Nam chia sẻ, đang đầu tư nghiên cứu 2 dự án áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn là tái sử dụng bùn thải của ngành công nghiệp sản xuất vật liệu sơn làm nguyên liệu sản xuất gạch đắp đường và chất kết dính ngành xây dựng, và dự án tái sử dụng nguyên liệu sản xuất nhựa đường cho vật liệu làm đường.

Tăng trưởng xanh: Xu thế tất yếu

Bảo vệ môi trường, giảm áp lực tài nguyên thông qua mô hình kinh tế tuần hoàn là cần thiết. Nền kinh tế tuần hoàn với quy trình sản xuất khép kín các sản phẩm được tái chế từ nguyên liệu đã sử dụng, hướng đến phát triển bền vững đã nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia và DN, trong đó có Việt Nam. Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, tuần hoàn khép kín mang lại cho toàn thế giới trị giá khoảng 4,5 nghìn tỷ USD. Tuy vậy, khi thực hiện chủ trương kinh tế tuần hoàn sẽ phát sinh thêm chi phí, như tại Heineken riêng chi phí xử lý nước thải, DN này bỏ ra 200 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh thế giới về phát triển bền vững Peter Bakker, cốt lõi của kinh tế tuần hoàn đó là công nghệ và đổi mới. Phải có sự hợp tác giữa các bên Chính phủ, DN, cộng đồng để sử dụng tốt hơn nguồn tài nguyên, sử dụng nguồn nguyên liệu từ chất thải tái chế, dùng nguyên liệu sinh học…

Thực tế, hàng năm có hàng triệu tấn phế liệu làm nguyên liệu cho các ngành sản xuất trong nước được nhập khẩu qua gần 60 cửa khẩu quốc tế, quốc gia, 49 cảng biển các loại của Việt Nam với số lượng ngày càng tăng. Việt Nam đứng thứ 4 châu Á về phát sinh nhiều chất thải nhựa, chỉ sau Trung Quốc, Indonesia, Phillippines. Trong khi lĩnh vực tái chế chất thải ở Việt Nam vẫn chưa phát triển, tỷ lệ phân loại chất thải nhựa tại nguồn rất thấp, chủ yếu dựa vào lực lượng thu mua phế liệu và một số cơ sở xử lý chất thải rắn.