70 năm giải phóng Thủ đô

Kinh tế vĩ mô ổn định, sao thị trường tài chính lao đao?

TS. Phan Văn Thường - Đại học Quốc tế Hồng Bàng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước tình hình lạm phát cao và nguy cơ khủng hoảng năng lượng đe dọa hầu hết các nền kinh tế toàn cầu, thì năm 2022 nền kinh tế vĩ mô Việt Nam lại khá ổn định, có phần ấn tượng với tỷ lệ tăng trưởng GDP.

Nhưng câu hỏi đang đặt ra là tại sao kinh tế vĩ mô tốt nhưng thị trường tài chính (TTTC) nhiều lao đao, trong khi hoạt động của TTTC là hậu thuẫn cho ổn định kinh tế vĩ mô?

Tại sao kinh tế vĩ mô năm 2022 ổn định?

Không những ổn định mà tỷ lệ tăng trưởng GDP khá ấn tượng, ước đạt khoảng 8%, đưa quy mô GDP lên mốc mới là 397,44 tỷ USD trong năm 2022 (Ngân hàng Thế giới - WB dự kiến 394,5 tỷ USD). Cho dù lạc quan thì trước hết cần hiểu, đạt được tỷ lệ tăng GDP như vậy một phần do nền so sánh quá thấp, năm 2021 tăng trưởng GDP nước ta chỉ đạt 2,58%, quy mô GDP đạt 368 tỷ USD.

Giao dịch tại Chi nhánh SHB Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Giao dịch tại Chi nhánh SHB Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Nếu soi vào từng thành tố cấu thành GDP cho thấy trước hết là kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh. Giá trị xuất nhập khẩu tính đến ngày 15/12 đạt 721,28 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 355,82 tỷ USD, nhập khẩu đạt 345,46 tỷ USD, giá trị xuất siêu đạt 10,35 tỷ USD. So với tăng tuyệt đối của GDP năm 2022 là 29,44 tỷ USD thì thặng dư xuất nhập khẩu đã đóng góp 35,15% vào tăng trưởng GDP, còn 64,85% do đóng góp của các thành tố còn lại.

Thứ hai, tiêu dùng cuối cùng của cá nhân và Chính phủ đều tăng. Ngay từ đầu quý I /2022 khi dịch Covid-19 đã cơ bản dập tắt, nhu cầu tiêu dùng của người dân phục hồi nhanh.

Trong khi nhiều gói hỗ trợ hồi phục kinh tế đã được Quốc hội thông qua và Chính phủ triển khai thực hiện. Hiện tại chưa có báo cáo số liệu thực tế giải ngân của chương trình hồi phục này, nhưng rõ ràng các gói hỗ trợ đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP năm 2022.

Theo số liệu ước tính thì thành tố tiêu dùng cuối cùng của cá nhân và Chính phủ đóng góp vào tăng GDP khoảng 42 - 43%; thành tố đầu tư tích lũy tài sản đóng góp cho tăng trưởng GDP năm 2022 khoảng 21 - 22% còn lại. Điểm hạn chế trong lĩnh vực đầu tư là các DN khó khăn trong huy động vốn đầu tư trung dài hạn. Đặc biệt đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS), hàng nghìn dự án đầu tư dở dang do vướng quy định pháp lý.

Thứ ba là chính sách tiền tệ chưa tạo ra cú sốc. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa có động thái mạnh về nâng lãi suất thắt chặt tiền tệ.

Mặc dù trong năm 2022 NHNN đã có 2 lần điều chỉnh tăng lãi suất điều hành song không tạo ra cú sốc đáng kể cho nền kinh tế. Việc NHNN yêu cầu các ngân hàng tăng cường thắt chặt tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất bất động sản, chứng khoán nói chung không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh kinh tế tăng trưởng khả quan thì lạm phát mục tiêu 4% vẫn được kiểm soát. Đáng lo ngại nhất với nước ta là lạm phát chi phí đẩy. Nhưng cho dù giá năng lượng và nguyên liệu thị trường thế giới tăng cao thì Việt Nam hạn chế được “nhập khẩu lạm phát”.

Nền kinh tế “mở” với độ rộng như Việt Nam đã né được nhập khẩu lạm phát trong năm 2022 là chuyện may mắn. Điều này cũng nói rõ hơn, chẳng hạn, Mỹ lạm phát gần lên 2 con số nhưng Việt Nam có xuất siêu lớn vào Mỹ nên lợi nhiều hơn hại.

Trong khi Việt Nam có nhập siêu lớn với Trung Quốc thì nước này lạm phát 11 tháng chỉ 1,6%. Hơn nữa, về hàng hóa tiêu dùng chủ đạo như lương thực, thực phẩm nói chung nội địa đã làm chủ. Bên cạnh đó, nhờ “neo” được giá một số dịch vụ như điện, y tế, giáo dục nên dư địa kìm lạm phát rộng hơn.

Tại sao thị trường tài chính nhiều lao đao?

Kinh tế vĩ mô ổn định là cơ sở cho TTTC ổn định và phát triển. Thế nhưng, điều này chưa có phù hợp trong năm 2022 tại nước ta. Tại sao kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế ấn tượng, lạm phát kiểm soát được mục tiêu, nhưng TTCK lao dốc và luôn biến động, trong khi thị trường trái phiếu DN gần như đang vỡ trận, thị trường BĐS nguy cơ bước vào giai đoạn suy thoái.

Cần một sự nhìn nhận thận trọng nhưng phải xác thực. Trước hết, nói kinh tế vĩ mô ổn định nhưng đặt câu hỏi rằng có ổn định thực sự không, thì đang có vấn đề. Bức tranh kinh tế vĩ mô toàn cảnh đang cố che khuất những điểm mờ của nền kinh tế, nó đang chờ cơ hội để bung. Tăng trưởng GDP đang dựa quá nhiều vào khu vực FDI. Trong khi thu ngân sách Nhà nước tăng mạnh chủ yếu từ nguồn thu bán đất đai, tài nguyên là không bền vững.

Kinh tế vĩ mô ổn định là nền tảng cho phát triển TTCK dài hạn. Trong khi đó, TTCK nước ta đang phát triển ngược lại. Thực tế giao dịch chứng khoán trên cả 3 sàn giao dịch chủ yếu là là “lướt sóng”, yếu tố đầu cơ ngự trị đầu tư, phân tích kỷ thuật đang đè bẹp phân tích cơ bản. Đương nhiên, sự biến động của TTCK nước ta từ đầu quý II đến cuối năm có ảnh hưởng nhất định đến rủi ro trên TTCK toàn cầu. Nhưng mức độ biến động mạnh hơn và khó lường hơn nhiều.

Một trong những mục tiêu hoạt động quan trọng của TTCK là hỗ trợ, tạo điều kiện cho cổ phần hóa DN Nhà nước nhưng không phát huy được do các lý do khác nhau. Cùng với đó, tạo sân chơi bình đằng, công bằng cho công chúng đầu tư, tích tụ vốn. Thế nhưng, thực tế nó đã biến tướng sân chơi “lùa gà vào chuồng” nhóm lũng đoạn thị trường. Cho nên, tiêu cực của TTCK ngày càng phơi bày nhiều hơn.

Một vấn đề tưởng chừng không phương hại lắm, nhưng hết sức nguy hiểm là các nhóm lợi ích đã lạm dụng triệt để truyền thông để lái thị trường, lừa đảo đẩy giá, in cổ phiếu bán thu tiền. Không hiếm ông chủ công ty niêm yết kiếm lợi nhuận khủng bằng hai tay, một tay vay tiền đầu tư dự án, một tay vay tiền đầu tư chứng khoán. Cho nên, giá cổ phiếu A hay B nào đó giảm rồi tăng kịch trần nhiều phiên liên tục đã có bàn tay ai đó không khó hiểu.

Nâng hạng TTCK lên nhóm thị trường mới nổi là chiến lược phát triển TTCK Việt Nam. Nhưng thông tin nâng hạng dường như đang trở thành thuyết âm mưu đẩy giá cổ phiếu.

Không ai nâng thêm tầng nhà khi dàn móng đang yếu. Vấn đề cốt tử nâng hạng TTCK hiện nay là nâng tính minh bạch, tính nghiêm minh kỷ cương của thị trường chứ không phải nâng hạng thị trường mới nổi. Các nhà quản lý hãy vì lợi ích bền vững của nền kinh tế, nâng hạng TTCK là con dao hai lưỡi.

Năm 2022 đã khép lại. Hiện tại chưa có tín hiệu nào cho thấy tình hình lạm phát trên toàn cầu đã lắng xuống, các Ngân hàng T.Ư sẽ chấm dứt thắt chặt tiền tệ. Ngược lại, dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 sẽ khó khăn hơn năm 2022. Tình hình trong nước đã có báo hiệu từ đầu quý 4 đến nay. Hiện tượng không ít doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng xuất khẩu, người lao động thất nghiệp đang báo động.

Năm 2023 chắc chắn kinh tế vĩ mô sẽ khó khăn hơn năm 2022. TTCK nước ta chưa có tác động tích cực đáng kể trong việc góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Vấn đề cần quan tâm trong năm tới là kết hợp hiệu quả hơn giữa điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Đây chính là tổng lực góp phần quyết định ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2023. Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ không thể “rung”trước áp lực thị trường bởi giật dây của các nhóm lợi ích.

Động lực chính cho tăng trưởng là chính sách tài khóa chứ không thể đòi nhiều vào chính sách tiền tệ. Tăng mạnh giải ngân đầu tư công là cực quyết định tăng trưởng trong năm 2023. Khan tiền, thiếu vốn cho hoạt động kinh doanh chỉ là cục bộ, là tâm lý thị trường được truyền thông tiếp sức. Câu chuyện nới room tín dụng năm 2022 lên mức 15,5 - 16% của NHNN dưới sức ép thị trường đã trở thành không cần thiết khi thực tế tăng trưởng tín dụng đến ngày 21/12 mới đạt 12,87%.