Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế vỉa hè: Cần được thừa nhận và quản lý chặt chẽ

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất chấp mọi nỗ lực kiềm chế của cơ quan chức năng, kinh tế vỉa hè vẫn phát triển mạnh mẽ tại nhiều đô thị, trong đó có Hà Nội.

Kinh tế vỉa hè là sinh kế của hàng triệu gia đình, là tất yếu trong xã hội hiện đại cần phải được thừa nhận chính thức và có kịch bản quản lý, có định hướng phát triển rõ ràng, ngăn nắp.

Tồn tại trong thế giằng co

Nhiều năm qua, vỉa hè Hà Nội nằm trong thế “giằng co”. Một bên là cơ quan chức năng nỗ lực ngăn cấm các hoạt động lấn chiếm, kinh doanh trên vỉa hè mà luật không cho phép. Một bên là người dân, DN bằng mọi cách “cố tình” kinh doanh, kiếm sống trên vỉa hè. Trong số đó hàng trăm nghìn người không còn sinh kế nào khác, buộc phải tìm một góc vỉa hè để làm xe ôm, bán hàng rong…

Cuộc “giằng co” chưa hồi kết đó mang đến cho Hà Nội nhiều hệ luỵ lâu dài và phức tạp, khiến chính quyền các quận, huyện bối rối, còn một bộ phận người dân thì dần hình thành thói quen nhờn luật và ngày càng tùy tiện hơn.

Và đáng tiếc nhất là nguồn lợi kinh tế chảy vào túi các cá nhân, còn TP phải bỏ tiền duy tu, bảo trì, sửa chữa, xây dựng hạ tầng. Hầu hết người dân kiếm sống trên vỉa hè đều sẵn sàng nộp thuế, xin thuê vỉa hè để kinh doanh ổn định, nhưng chính quyền đô thị lại không dám thu, không dám tổ chức cho buôn bán mà chỉ xoay vần với điệp khúc “phạt - đuổi - tái diễn - lại phạt”.

Công an quận Hoàn Kiếm nhắc nhở người kinh doanh trên vỉa hè phố Hàng Mã. Ảnh: Công Hùng
Công an quận Hoàn Kiếm nhắc nhở người kinh doanh trên vỉa hè phố Hàng Mã. Ảnh: Công Hùng


PGS.TS Doãn Minh Tâm - Hội Cầu đường Hà Nội chia sẻ: “Có người cho rằng việc buôn bán, ăn uống gây lộn xộn, nhếch nhác trên vỉa hè là bình thường, thậm chí là nét văn hóa đô thị. Trên thực tế không có cái gọi là văn hoá vỉa hè, mà chỉ có kinh tế vỉa hè”.

Theo ông Doãn Minh Tâm, không thể xem nhẹ vai trò của vỉa hè trong phát triển kinh tế đô thị. Trên thế giới, đặc biệt là các nước khu vực châu Á, khối ASEAN, không đô thị nào không có kinh tế vỉa hè.

Vậy vì sao Hà Nội lại rơi vào thế giằng co, gánh chịu nhiều hệ lụy trong khi tiềm năng của kinh tế vỉa hè là rất lớn, rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế đô thị? Đại diện Sở Xây dựng cho rằng: “Nguyên nhân chủ yếu là thiếu quy hoạch lòng đường, vỉa hè”.

Thực vậy, việc thiếu quy hoạch rõ ràng về chức năng, chồng chéo trong các quy định quản lý đã gây khó khăn rất lớn cho chính quyền đô thị, lãng phí nguồn lực kinh tế.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường nhận định, vỉa hè không chỉ là không gian giao thông mà còn là không gian của hoạt động kinh tế - xã hội. Thực tế cho thấy vỉa hè là nơi tạo ra nhiều công ăn việc làm, diễn ra nhiều hoạt động mưu sinh của người dân. Hè phố gắn với sinh kế của người dân và phần nào cũng là kinh tế đô thị.

Quyền Viện trưởng Viện chiến lược và phát triển GTVT, Bộ GTVT, TS Phạm Hoài Chung chia sẻ, ở nhiều đô thị lớn trên thế giới như: Sydney (Úc), Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc)…, chính quyền nhận thấy không thể xóa bỏ các hoạt động kinh doanh trên vỉa hè nên đã đề ra những quy định để quản lý và cho phép sử dụng hè phố để kinh doanh.

Vậy nhưng Luật Giao thông đường bộ do Quốc hội ban hành năm 2008, tại Điều 36 quy định: “Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông”. Bên cạnh đó, Điều 8 Luật này còn nêu rõ: “Nghiêm cấm sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép”. Việc quy hoạch, xây dựng vỉa hè cũng chỉ tính đến chức năng dành cho giao thông, bỏ qua hẳn yếu tố phục vụ kinh doanh.

 

Cần phải quản lý vỉa hè đầy đủ theo chức năng, phù hợp với yêu cầu sử dụng và sinh hoạt của người dân; quản lý đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên, dưới nền hè và các hoạt động góp phần tạo nên môi trường tiện nghi, văn minh, hiện đại, an toàn, đồng bộ và bền vững.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường

 

Chính vì vậy nên chính quyền đô thị và cơ quan chức năng không thể thừa nhận kinh tế vỉa hè, không thể xây dựng các kịch bản quản lý, bởi đơn giản là không ai dám trái luật; và có muốn cũng không biết hoạch định các vùng chức năng vỉa hè như thế nào cho hài hòa, hợp lý.

Đã đến lúc thay đổi

Nhận thấy tiềm năng và xu thế tất yếu của kinh tế vỉa hè, năm 2018, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 09/2018/QĐ-UBND quy định về quản lý, khai thác và bảo trì hệ thống đường đô thị trên địa bàn TP Hà Nội.

Trong đó có Điều 12, Quy định về việc sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh buôn bán với nội dung: “Chỉ một số tuyến đường phố đặc thù phục vụ các hoạt động du lịch, văn hóa mới được phép sử dụng tạm thời hè phố vào việc kinh doanh, buôn bán hàng hóa”.

Thông tư số 04/2008/TT - BXD ngày 20/02/2008 của Bộ Xây dựng cũng nêu rõ: “UBND cấp tỉnh quyết định danh mục công trình và tuyến phố được phép sử dụng hè phố vào việc kinh doanh, buôn bán”. Nhưng quy chuẩn tiêu chuẩn để xác định thế nào là tuyến phố đặc thù, được kinh doanh buôn bán lại chưa hề có.

Các chuyên cho rằng, việc đầu tiên cần làm là thay đổi tư duy quản lý. Cơ quan quản lý phải thừa nhận kinh tế vỉa hè, coi nó là tiềm năng, nguồn lực chứ không phải một loại hình vi phạm phức tạp như hiện nay.

Một khi đã thừa nhận cần thay đổi Luật, chính sách, cơ chế quản lý đồng bộ từ Chính phủ đến chính quyền địa phương, gỡ bỏ các rào cản pháp lý chồng chéo hiện nay. Tiếp đó cần xây dựng kịch bản để kinh tế vỉa hè phát triển tốt mà không gây rối loạn trật tự đô thị.

Đối với Hà Nội, Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Phi Thường cho rằng: “Cần khảo sát, đánh giá toàn bộ hệ thống hè phố. Phân loại chức năng của hè phố để tổ chức không gian theo quy hoạch đô thị và điều kiện cụ thể của mỗi khu vực”. Theo ông Nguyễn Phi Thường cần phân loại khu vực nào vỉa hè chỉ dành cho người đi bộ, khu vực nào có thể sử dụng đa chức năng, trong đó có kinh doanh và trông giữ phương tiện.

TS Phạm Hoài Chung cho rằng, trước mắt, Hà Nội phải nghiên cứu, xây dựng và ban hành Quy chế quản lý sử dụng vỉa hè vào mục đích kinh doanh trên địa bàn TP.

Đồng thời, Hà Nội kiến nghị Chính phủ ban hành bổ sung quy định cụ thể về việc sử dụng vỉa hè vào các mục đích khác trong đó có mục đích kinh doanh, buôn bán trong Luật Giao thông đường bộ, các văn bản nghị định, thông tư có liên quan; lập và ban hành tiêu chí xác định các tuyến phố đủ điều kiện cho phép sử dụng vỉa hè vào mục đích kinh doanh; xây dựng, ban hành, điều chỉnh mức thu phí đối với người sử dụng hè phố để kinh doanh cho phù hợp với từng khu vực, từng tuyến đường.

UBND các quận, huyện, thị xã nên là đơn vị chủ trì đề xuất và lựa chọn các loại hình được phép kinh doanh trên vỉa hè theo đặc thù của từng khu vực, tuyến phố; đồng thời xây dựng và ban hành quy định tiêu chuẩn dịch vụ kinh doanh trên vỉa hè như: giấy phép kinh doanh, vệ sinh an toàn thực phẩm, trang phục nhân viên phục vụ, người bán hàng… nhằm bảo đảm văn minh đô thị.

“Trước hết, Hà Nội có thể triển khai thí điểm cho phép sử dụng vỉa hè vào mục đích kinh doanh tại một số khu vực, tuyến phố. Trên cơ sở đánh giá kết quả thí điểm sẽ triển khai các bước tiếp theo và nhân rộng trên toàn bộ địa bàn TP” - ông Phạm Hoài Chung nói.

Các chuyên gia cho rằng, kinh tế vỉa hè trên thực tế đã tồn tại từ lâu. Do đó mục tiêu chính của công tác quản lý và khai thác hè phố là phải phù hợp với định hướng phát triển đô thị trong nền kinh tế thị trường. Không thể tiếp tục cứng nhắc, quản lý vỉa hè theo những quy định chồng chéo, để thất thoát một nguồn lợi lớn trong khi phải chật vật “giằng co” với người dân trong công tác duy trì trật tự, văn minh đô thị.

 

Cần đưa ra tiêu chí để phân loại các tuyến phố dựa trên thực tiễn của từng quận, huyện. Ví dụ như Hoàn Kiếm là một trong những trung tâm văn hóa, du lịch của Thủ đô, đang triển khai các hoạt động kinh tế về đêm, cần đưa ra những giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng vỉa hè sao cho hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, công tác quản lý đô thị và nhu cầu của người dân.
Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Trịnh Hoàng Tùng