Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế Việt Nam 2012: Áp lực và hy vọng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Kinh tế Việt Nam năm 2012 được đánh dấu đậm bởi một số dấu hiệu bất ổn, mà nổi bật là con số khoảng 55.000 doanh nghiệp dừng hoạt động, thua lỗ, phá sản hoặc thu hẹp sản xuất - kinh doanh do lãi suất vốn vay cao, hàng tồn kho lớn, sức mua và thị phần thu hẹp...

Thậm chí,  một số động thái mà nếu đạt được ở những năm trước được coi là thành tích ấn tượng, thì năm nay cũng tạo e ngại, nhất là mức tăng dư nợ tín dụng thấp đột ngột và mức lạm phát thấp trong nửa đầu năm, cũng như sự chuyển hướng từ nhập siêu triền miên nhiều thập kỷ nay thành xuất siêu...; bởi chúng được coi như hệ quả của suy giảm sức mua thị trường và sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp.

Áp lực nặng nề...

Nếu như giảm dần tốc độ tăng trưởng kinh tế như là kết quả, một phần bởi sự chủ động của Chính phủ trong nhận thức và thực hiện chính sách tài chính - tiền tệ thắt chặt để ưu tiên kiềm chế lạm phát, thì hạ lãi suất với tư cách là giải pháp hàng đầu tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, dường như vẫn chỉ là hình thức, thậm chí "đánh trống bỏ dùi"...

Trong khi đó, vốn được coi là "hàn thử biểu" của nền kinh tế nhưng năm 2012, thị trường chứng khoán (TTCK) dường như đang ở cảnh "chợ chiều", nên cả người mua lẫn người bán không mặn mà. Trong thời gian 2 - 3 năm tới, thị trường này sẽ chưa có nhiều động lực và tín hiệu khởi sắc do tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn chưa lấy lại đà tăng trưởng như trước khi khủng hoảng tài chính xảy ra ở Mỹ năm 2008. Dự báo, VN-Index giao động ở mức 370 - 450 điểm; Chỉ số VN30 sẽ giao động ở khoảng 450 - 480 điểm; chỉ số HNX-Index sẽ giao động trong khoảng 50 - 70 điểm (mức đáy trước đây là 50,3 điểm và thời điểm giữa tháng 11/2012 đang là 51 điểm ).

Kinh tế Việt Nam 2012: Áp lực và hy vọng - Ảnh 1

Để ứng phó với những khó khăn trong năm 2013, các doanh nghiệp cần chủ động tái cấu trúc, giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh. Ảnh: Linh Anh

Đặc biệt, gần đây, sự tồn tại đồng thời và sự tác động cùng lúc của cả yếu tố "tâm lý đám đông", cũng như cả vì tính chất "chi phối cá nhân", lợi ích nhóm của TTCK rất đáng chú ý và chưa từng có trong lịch sử TTCK Việt Nam. Điều này biểu hiện qua những đợt "sóng lạ", thậm chí ngược chiều trên TTCK do các nhóm lợi ích tạo ra, và điển hình là vụ TTCK đã "bốc hơi" 5,6 tỷ USD chỉ sau 3 ngày kể từ ngày 20/8/2012 khi "bầu Kiên" bị bắt và vẫn tiếp tục lao dốc sau đó như một xu hướng kéo dài...  

Ở kênh huy động vốn khác, qua theo dõi báo cáo về trái phiếu châu Á (Asia Bond Monitor) của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy, cuối tháng 9/2012, tổng lượng trái phiếu của Việt Nam đang lưu hành trị giá 21 tỷ USD, tăng 21,4% so với thời điểm cuối tháng 9/2011. Thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong số các nền kinh tế Đông Á mới nổi trong quý III/2012. Lượng trái phiếu Chính phủ phát hành thành công trong 11 tháng năm 2012 bằng 280% so với năm 2011(điều này là dấu hiệu không tích cực vì người mua chủ yếu là các ngân hàng thương mại đang khó tìm đầu ra trong khi các doanh nghiệp đang thiếu nguồn vốn rẻ để vượt qua khó khăn…). Đồng thời, tổng giá trị trái phiếu phát hành trong quý III/2012 giảm đến 81,3% tại Việt Nam (trong khi tăng 38,1% tại Malaysia, 13% tại Philipines và 10,5% tại Trung Quốc).

Nợ đọng bất động sản hiện là con số lớn, nhưng khó có con số chính xác (có thể lên tới cả triệu tỷ đồng, tức 50% dư nợ ngân hàng như cảnh báo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, hay chỉ 5% tổng dư nợ ngân hàng như lời giải thích của Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến). Báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia ước tính, khu vực bất động sản đã được các ngân hàng bơm gần 350.000 tỷ đồng, tương đương trên 17 tỷ USD. Đó là chưa tính dư nợ bất động sản được rót cho các dự án "ma" và các khoản cho vay ẩn tên khác, khó hoặc không thể thu hồi được... Có thể thấy, về tổng thể nền kinh tế, chí ít cũng có tới hàng triệu tỷ đồng vốn đang bị ứ đọng trong bất động sản và hàng hóa tồn kho.

Ngày 25/10/2012, Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nợ xấu của toàn bộ nền kinh tế có địa chỉ tại hệ thống ngân hàng ước khoảng 8,6% trên tổng dư nợ được cho là từ 2,5 triệu đến 2,8 triệu tỷ đồng, tức tổng nợ xấu vào khoảng 202.000 - 240.000 tỷ đồng. Trong khi đó, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng (TCTD), không TCTD nào có nợ xấu quá cao và đều có lãi. Tuy nhiên, khi NHNN thực hiện kiểm tra lại phát hiện có TCTD nợ xấu trên 30% hay cao hơn. Thậm chí, có TCTD mất cả vốn điều lệ. Điều này cho thấy, hiện tượng sở hữu chéo giữa các ngân hàng với nhau và giữa ngân hàng - DN càng làm cho con số nợ xấu thực tế trở nên khó xác định hơn bao giờ hết. Báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 9/2012 thừa nhận: "Doanh nghiệp Nhà nước sử dụng vốn tín dụng chiếm tới khoảng 70% tổng số nợ xấu, trong đó các tập đoàn kinh tế, tổng công ty chiếm 53% số nợ xấu". Ngoài ra, khối nợ do Nhà nước bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay của các TCTD nước ngoài hiện khoảng 7 - 10 tỷ USD và nhiều con nợ là các doanh nghiệp Nhà nước đã mất khả năng trả nợ.

Nợ xấu có nhiều nguyên nhân, trong đó có khó khăn chung về thị trường tiêu thụ. Năm 2012, chứng kiến chỉ số tồn kho tăng mạnh. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao, gồm: Chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm thủy sản tăng 23,9%; may trang phục tăng 48%; sản xuất xi măng tăng 53,1%; sản xuất sắt, thép, gang tăng 38%... Tuy nhiên, lỗi nợ xấu thuộc về cả người cho vay, lẫn người đi vay bởi ở Việt Nam, tỷ lệ nợ xấu còn là hệ quả của sự gia tăng quy mô tín dụng trong nhiều năm qua, cụ thể: Tín dụng tăng từ năm 2008 - 2010  bình quân 33%/năm (riêng năm 2008, tín dụng tăng tới 53%), và năm 2011 là 29%, còn từ đầu 2012 đến nay, tín dụng chỉ tăng 2,53%.

 …Và những hy vọng

Việt Nam trải qua năm 2012 với một số tín hiệu khả quan nhất định về kiềm chế lạm phát (chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2012 tăng 6,81%) hỗ trợ không nhỏ để lạm phát cả năm dưới 2 con số; xuất siêu đạt gần 300 triệu USD; cơ cấu chất lượng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cải thiện cả về nguồn vốn và lĩnh vực thu hút... Ngoài ra, những dấu hiệu cải thiện về hàng tồn kho, tính thanh khoản ngân hàng, dự trữ ngoại hối và số các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động nhờ tác động tích cực của thực hiện Nghị quyết 13/NQ-CP cũng được ghi nhận (trong đó có giảm lãi suất cho vay tín dụng ngân hàng trên 80% các khoản vay xuống dưới 15%)…Tuy nhiên, về nhiều mặt, tình hình kinh tế Việt Nam năm 2013, nhất là trong nửa đầu năm, sẽ còn khó khăn hơn cả năm 2012 do sức ép và khó khăn về nợ xấu, thanh khoản của các ngân hàng thương mại, việc hạ lãi suất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho doanh nghiệp, làm ấm thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản; duy trì tốc độ tăng trưởng, kiềm chế vững chắc lạm phát, thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách, tăng thu hút FDI, giảm thất nghiệp và bảo đảm an sinh xã hội… Việt Nam cũng đối diện với bài toán cần có đủ các kịch bản và hệ thống giải pháp hữu hiệu thúc đẩy tái cấu trúc để duy trì tăng truởng kinh tế theo yêu cầu bền vững; giảm can thiệp hành chính và các lối hành xử bị chi phối bởi tư duy nhiệm kỳ và lợi ích nhóm.

Ngoài ra, trong năm 2013 sẽ có sự tiếp tục gia tăng các hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) cùng với làn sóng phá sản doanh nghiệp và tái cấu trúc các doanh nghiệp Nhà nước, cũng như toàn bộ nền kinh tế. Đồng thời, cân đối giữa nguồn vốn huy động và vốn sử dụng tại các ngân hàng cần hài hòa hơn. Thực tế cũng đang đòi hỏi cần phát triển thị trường vốn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động nguồn lực xã hội, trong đó có việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cổ phiếu huy động vốn trên thị trường vốn...

Nhìn tổng thể, một trong các cơ hội lớn nhất cho năm 2013 và tiếp theo chính là vị thế và triển vọng phát triển kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương - khu vực vốn có vai trò quan trọng với Việt Nam, vì đang chiếm tới 65% tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chiếm 60% giá trị xuất khẩu, 80% giá trị nhập khẩu và 75% lượng khách du lịch quốc tế của Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam cần đẩy  mạnh mở rộng hợp tác, liên kết khu vực trên tầm cao mới và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực; đồng thời góp phần củng cố các cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế đa tầng nấc, từ tiểu vùng đến khu vực Đông Nam Á, Diễn đàn APEC và cả châu Á - Thái Bình Dương. Trên thực tế, Việt Nam đang tập trung triển khai các cam kết, các chương trình thuận lợi hóa và tự do hóa thương mại, đầu tư, dịch vụ, kết nối khu vực nhằm xây dựng cộng đồng ASEAN, liên kết kinh tế ASEAN với các đối tác, tích cực tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP); khởi động đàm phán Hiệp định FTA với EU, Hàn Quốc; cũng như với Liên minh thuế quan Nga - Belarus - Kazackhstan… tạo ra môi trường thuận lợi, lành mạnh nhất để các doanh nghiệp APEC làm ăn, kinh doanh có hiệu quả tại Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Về phần mình, các doanh nghiệp cần chủ động tái cấu trúc và tăng cường quản trị thông minh, khai thác cơ hội giảm chi phí cần thiết, mở rộng mặt bằng kinh doanh, nắm bắt và xử lý sớm thông tin, phản ứng nhanh nhậy và tiếp cận với các nguồn vốn, nguồn cung cấp thiết bị, máy móc giá rẻ, tham gia ngày càng chặt chẽ, hiệu quả vào quá trình tái cấu trúc, phân công lao động và hợp tác kinh tế chung, các chuỗi cung ứng và giá trị gia tăng trên thị trường trong nước và quốc tế.