Kinh tế Việt Nam 2015: Năm của những hiệp định thương mại

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có thể nói, 2015 là năm bội thu về hiệp định thương mại đối với Việt Nam, đây đều là những yếu tố then chốt có ảnh hưởng lâu dài tới nền kinh tế trong những năm sắp tới.

1. Đàm phán thành công hiệp định thế kỷ TPP

Sau 5 năm đàm phán tích cực, vào ngày 5/10/2015, 12 nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được thỏa thuận cuối cùng về hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới này. Nếu được quốc hội của ít nhất 6 nước thành viên (chiếm ít nhất 85% GDP của khối), TPP sẽ chính thức có hiệu lực vào năm 2018.
TPP được xem là FTA quan trọng nhất mà Việt Nam từng tham gia
TPP được xem là FTA quan trọng nhất mà Việt Nam từng tham gia
Sau khi có hiệu lực, TPP sẽ có tác động rõ rệt lên nền kinh tế của Việt Nam. Theo dự đoán, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ tăng 11%, tương ứng 36 tỷ USD, xuất khẩu có thể mở rộng 28%. Kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng chủ lực như dệt may, giày dép, thủy sản có thể tăng mạnh trong vòng 10 năm tới.

Đi kèm với đó là dòng vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ các quốc gia thành viên của TPP sẽ chảy mạnh vào Việt Nam. Điều này sẽ giúp tạo ra lượng công ăn việc làm đáng kể đi kèm với năng lực sản xuất được tăng mạnh.

Bên cạnh lợi thế, TPP cũng sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh khốc liệt hơn cho DN Việt, đặc biệt là khu vực DN vừa và nhỏ. Trong đó những ngành như mía đường, dược và thức ăn chăn nuôi sẽ gặp nhiều khó khăn do khả năng cạnh tranh kém, trong khi đây lại là thế mạnh của nhiều quốc gia trong TPP.

2. Thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN

Vào ngày 31/12 tới, ASEAN sẽ chính thức thành lập Công đồng kinh tế (AEC) với kỳ vọng tạo dòng chảy ngày càng tự do hơn về dịch vụ, đầu tư, lao động lành nghề và vốn, cũng như đảo ngược tình trạng thương mại giảm sút thông qua việc xây dựng một thị trường duy nhất cùng một cơ sở sản xuất thống nhất.
Kinh tế Việt Nam 2015: Năm của những hiệp định thương mại - Ảnh 1
 
Trong quá trình hướng tới AEC, Việt Nam đã ký kết hàng loạt hiệp định thương mại thuộc khuôn khổ ASEAN như: Hiệp định Thương mại Hàng hoá ASEAN (ATIGA); Hiệp định Khung về Dịch vụ ASEAN (AFAS); Hiệp định Đầu tư Toàn diện ASEAN (ACIA).

Là thị trường có dân số 650 triệu người, với tổng sản lượng hằng năm khoảng 2.000 tỷ USD, AEC sẽ mang lại nhiều cơ hội lớn cho nền kinh tế cũng như các DN Việt Nam. Có thể kể đến như gần 100% hàng hóa được tự do lưu chuyển nội khối hay môi trường kinh doanh sẽ mình bạch và bình đẳng hơn, tạo cơ hội thu hút đầu tư từ nước ngoài.

Tuy nhiên đi kèm với đó là sức ép cạnh tranh hàng hóa từ các nước ASEAN sẽ lớn hơn nhiều lần, điều này sẽ có tác động mạnh tới các ngành vốn quen được bảo hộ từ trước tới nay. Ngoài ra DN trong nước cũng sẽ đối mặt với các thách thức đến từ dịch vụ, trình độ tay nghề lao động cũng như quản lý dòng vốn.

3. FTA Việt Nam - EU

Ngày 2/12/2015 vưa qua đã đánh dấu một cột mốc quan trọng với nền kinh tế Việt Nam khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam – EU (EVFTA) đã được ký kết chính thức tại Brussels, Bỉ. Đây được coi là hiệp định tạo ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và 28 quốc gia thuộc liên minh châu Âu.
Bộ trưởng Công Thương - Vũ Huy Hoàng và Cao ủy Thương mại EU - Cecilia Malmstrom ký hiệp định với sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker
Bộ trưởng Công Thương - Vũ Huy Hoàng và Cao ủy Thương mại EU - Cecilia Malmstrom ký hiệp định với sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker
Sau khi có hiệu lực, EVFTA sẽ giúp loại bỏ hơn 99% dòng thuế xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường 500 triệu dân của EU và ngược lại, trong thời hạn từ 7 đến 10 năm.  Hiệp định này được đánh giá sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Việt Nam vào EU tăng thêm  4-6%/năm so với không ký kết.

Theo điều khoản của Hiệp định, Việt Nam sẽ tiến hành tự do hóa thương mại trong dịch vụ tài chính, viễn thông, giao thông, bưu chính, chuyển phát nhanh. Mở cửa thị trường cho các lĩnh vực thực phẩm, đồ uống và phi thực phẩm.

Tuy nhiên EVFTA cũng đặt ra nhiều yêu cầu khắt khe buộc DN Việt Nam phải thay đổi để thích ứng. Hàng trong nước sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt đến từ hàng ngoại; Xuất khẩu phải đáp ứng được đòi hỏi khắt khe về quy tắc xuất xứ, vấn đề bán phá giá, trợ cấp và sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại; Có khả năng hụt hơi trong các lĩnh vực chưa có thế mạnh như logistic, cảng biển, tài chính …

Đặc biệt, với việc cam kết giảm thuế đối với phần lớn các nhóm mặt hàng từ EU, nguồn thu ngân sách chắc chắn sẽ bị giảm.

4. FTA Việt Nam - Liên minh Á Âu

Sau 2 năm đàm phán, vào 29/5/2015, Việt Nam đã chính thức ký hiệp định thương mại tự do với các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á - Âu (EEU). Với số dân hơn  175 triệu người từ các quốc gia Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan, tổng GDP của EEU đang vào khoảng 2.500 tỷ USD.

Sau khi FTA này có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên sẽ đạt 10 - 12 tỷ USD vào năm 2020, tăng mạnh so với con số 4 tỷ USD của năm 2014. Trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EEU sẽ tăng khoảng 18 - 20% hàng năm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký FTA giữa Việt Nam và EEU
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký FTA giữa Việt Nam và EEU
Đáng chú ý, EEU sẽ áp dụng mức thuế suất 0% cho tất cả các mặt hàng thủy sản của Việt Nam ngay khi hiệp định có hiệu lực. Bên cạnh đó là cam kết mở cửa cho các nhóm hàng Việt có thế mạnh như nông sản và hàng công nghiệp như dệt may, da giày, đồ gỗ và một số sản phẩm chế biến. 

Ở chiều ngược lại, Việt Nam sẽ mở cửa thị trường cho EEU với một số sản phẩm chăn nuôi, một số mặt hàng công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải... Trong lĩnh vực thực phẩm là sữa và các sản phẩm sữa, một số sản phẩm ngũ cốc...

Về tổng thể, hai bên dự kiến sẽ dành cho nhau mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm vào khoảng 90% số dòng thuế, tương đương vào khoảng trên 90% kim ngạch thương mại song phương.

5. FTA Việt Nam - Hàn Quốc

Bên cạnh FTA với EEU, trong tháng 5/2015 vừa qua, Việt Nam cũng đã tiến hành ký kết hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc (VKFTA). Đây là đối tác kinh tế mang tầm chiến lược của Việt Nam, kim ngạch thương mại song phương năm 2014 đạt 28,9 tỷ USD và đứng thứ 3 trong hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ xuất nhập khẩu với Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc - Yoon Sang-jick (trái) và Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng tại lễ ký VKFTA
Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc - Yoon Sang-jick (trái) và Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng tại lễ ký VKFTA
VKFTA có những cam kết hợp tác quy mô và chất lượng trải dài trên nhiều lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, qua đó 2 nước đặt kỳ vọng sẽ giúp thương mại 2 chiều đạt mốc 70 tỷ USD vào năm 2020.

 Hiện tại, Hàn Quốc đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam, vị trí này nhiều khả năng sẽ có sự thay đổi khi với VKFTA, hơn 90% dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu giữa 2 nước sẽ được gỡ bỏ. Việc xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, đặc biệt là hàng nông thủy sản, công nghiệp chế biến, được kỳ vọng sẽ tăng trưởng nhanh chóng.

VKFTA cũng đặt ra yêu cầu cho Việt Nam phải thúc đẩy cải cách kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. Về phía DN trong nước cần nỗ lực cải thiện chất lượng sản phẩm, cải tiến công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh trước sức ép đến từ các DN Hàn Quốc vốn có lợi thế về công nghệ, chất lượng hàng hóa, dịch vụ và năng lực quản lý.