70 năm giải phóng Thủ đô

Kinh tế Việt Nam 2016: Vượt qua thách thức

Theo VOV.VN
Chia sẻ Zalo

Dù đứng trước nhiều khó khăn, thách thức nhưng bức tranh kinh tế Việt Nam 2016 vẫn nổi bật với nhiều gam màu sáng.

Trong bối cảnh đất nước đứng trước nhiều thách thức khi GDP không đạt mục tiêu, nợ công tăng cao, nhiều tỉnh trải qua sự cố môi trường chưa từng có..., bức tranh kinh tế Việt Nam 2016 vẫn nổi bật với nhiều gam màu sáng, trong đó phải kể đến số lượng doanh nghiệp đăng ký mới đạt kỷ lục, thu hút FDI tăng,... Năm 2016 cũng được chọn là năm quốc gia khởi nghiệp, tạo tiền đề cho việc phấn đấu thực hiện tới năm 2020 cả nước sẽ có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động.
 Kinh tế Việt Nam năm 2016 có nhiều gam màu sáng
Năm quốc gia khởi nghiệp
2016 được chọn là Năm quốc gia khởi nghiệp. Bên cạnh vai trò của Nhà nước trong việc xây dựng thể chế, chính sách thì các doanh nghiệp cũng đang chung tay hỗ trợ các startup theo cách của riêng mình.
Để hỗ trợ các startup, Chính phủ hiện đã và đang đưa ra nhiều nhóm giải pháp cụ thể về tạo dựng môi trường thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo và thành công. Các chính sách, thể chế đang được hoàn thiện để startup có thể tiếp cận nguồn tín dụng, có môi trường kinh doanh thuận lợi. Các chính sách cũng đang hướng tới thu hút các quỹ mạo hiểm, quỹ đầu tư “thiên thần” vào Việt Nam hoạt động, xây dựng các trung tâm hỗ trợ thông tin khởi nghiệp…
Hiện tại là thời điểm thanh niên khởi nghiệp nhận được sự hỗ trợ to lớn từ Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh chưa bao giờ Chính phủ tạo nhiều điều kiện cho khởi nghiệp như hiện nay.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, thước đo của khởi nghiệp không phải là doanh thu, không thành công thì cũng không thể gọi đó là thất bại. Có thất bại thì mới có thành công. Những người có ước mơ khởi nghiệp là người có ước mơ hoài bão.
Số doanh nghiệp mới thành lập đạt mức cao kỷ lục
Được Thủ tướng chọn là năm quốc gia khởi nghiệp, 2016 chứng kiến làn sóng doanh nghiệp mới thành lập nhiều chưa từng có.
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến hết 11 tháng, có xấp xỉ 102.000 doanh nghiệp mới thành lập, so với con số cả năm 2015 là hơn 94.700. Cùng với đó, cả nước có hơn 24.500 doanh nghiệp trở lại hoạt động, tăng gần 32% so với cùng kỳ.
 
Các tổ chức kinh doanh gia nhập thị trường trong không khí khởi nghiệp sôi động bởi cam kết của lãnh đạo đất nước về một Chính phủ "kiến tạo, phục vụ doanh nghiệp".
Việt Nam cũng tăng 9 bậc về môi trường kinh doanh trong năm nay theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới nhờ cải thiện thủ tục thành lập doanh nghiệp, nộp thuế, tiếp cận điện năng…, song lại tụt hạng về năng lực cạnh tranh theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Tăng trưởng không đạt mục tiêu

Kinh tế Việt Nam đã có năm khởi động kế hoạch 2016-2020 không thuận lợi khi tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến chỉ đạt 6,3-6,5%, so với chỉ tiêu 6,7% cũng như mục tiêu trung bình của nhiệm kỳ 6,5-7%.
Nguyên nhân kìm hãm đà tăng trưởng là sự sụt giảm của công nghiệp khai khoáng, nông nghiệp chịu ảnh hưởng của thiên tai, sự cố môi trường và giá cả hàng hóa trên thế giới… Những yếu tố này cũng khiến xuất khẩu toàn nền kinh tế không đạt mục tiêu tăng trưởng 10%.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, tăng trưởng GDP đã phản ánh đúng thực trạng nền kinh tế đất nước và bối cảnh chung của thế giới. Việc tốc độ tăng trưởng giảm cũng là bình thường trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh những tác động khách quan như hạn hán, giá dầu đã làm giảm sản lượng, quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công cũng như tái cơ cấu các tổ chức tín dụng vẫn đang trong quá trình diễn ra nên sẽ phải có những tác động nhất định đến quá trình tăng trưởng.
Nợ công "phình to"
Không hề né tránh thực trạng nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã thẳng thắn đưa ra trước Quốc hội những con số phản ánh chính xác về thực trạng nợ công trong suốt thời gian qua.
 Tăng trưởng GDP vẫn ở mức khiêm tốn (Ảnh minh họa: KT)
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhận định: Đây là vấn đề khó, đặc biệt trong điều kiện kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường, giá dầu thô giảm sâu, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn, trong nước lại đang triển khai tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế.
Tại thời điểm 2001, nợ công mới chỉ chiếm 36,5% GDP; năm 2005, tỷ lệ này đã lên 40,8% GDP; năm 2010 là 50% GDP và năm 2015 đã là 62,2% GDP. Trong năm 2016 tiếp tục nhận được các cảnh báo về mức nợ công vượt trần.
Về quy mô, năm 2015, tổng nợ công khoảng 2,68 triệu tỷ đồng, gấp 2,3 lần năm 2010, gấp 7,6 lần năm 2005 và gấp 14,8 lần so với năm 2001. Tốc độ tăng nợ công của giai đoạn 2011-2015 là 18,5%/năm, cao gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Formosa - cú sốc cho nền kinh tế
Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đối diện với thảm họa môi trường ảnh hưởng cuộc sống của hàng triệu người, kéo theo nhiều hệ lụy về kinh tế. Đặc biệt, ngành khai thác thủy sản suy giảm trầm trọng, thậm chí có thời điểm thủy sản miền Trung không thể tiêu thụ được.
Câu chuyện Formosa là tiếng chuông dữ dội cảnh báo về hậu quả môi trường trong quá trình phát triển, là bài học đắt giá cho việc thu hút đầu tư và giám sát thực hiện dự án.
Phía Formosa Hà Tĩnh đã cam kết bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân, xử lý môi trường với số tiền là 500 triệu USD.
Chính phủ cũng tiến hành nhiều biện pháp mạnh mẽ siết chặt quản lý các nguồn ô nhiễm biển, hỗ trợ dân khôi phục sinh kế.
Tuy vậy, ngoài những mảng màu xám, nền kinh tế Việt Nam nói chung đã ghi nhận những điểm sáng nổi bật khi Chính phủ hoàn thành 11/13 chỉ tiêu Quốc hội đề ra như: kiểm soát tốt lạm phát, ổn định tỷ giá, thực kiện tốt cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, tiếp tục thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)...