Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 tăng 2,91% so với năm 2019. Ảnh: Phạm Hùng |
Bước sang năm 2021, chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021 được Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đặt mục tiêu quy mô GDP bình quân đầu người “chốt” ở mức 3.700 USD (năm 2020 là 3521 USD), chỉ tiêu được coi là “rất dũng cảm và quyết liệt”. Mặc dù làn sóng thứ tư của đại dịch Covid-19 đã bùng phát trở lại Việt Nam ở nhiều tỉnh, thành nhưng với sự chỉ đạo, điều hành đúng đắn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội”, chỉ tiêu của Quốc hội đã thông qua là hoàn toàn khả thi. Điều này có thể thấy rõ qua báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2021 của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Kết quả sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 5 tháng qua đạt kết quả rất khả quan. Vụ lúa đông xuân năm 2021 tuy diện tích gieo trồng chỉ bằng 99,4% so với năm 2020 do chuyển đổi một phần diện tích đất trồng lúa cho quá trình đô thị hóa, do chuyển đổi cơ cấu sản xuất (trồng cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản…) nhưng thời tiết thuận lợi, nguồn nước tưới tiêu được cung ứng hợp lý, nhiều giống lúa mới được đưa vào sản xuất nên dự báo kết quả sản xuất lúa đông xuân năm nay cao hơn vụ lúa đông xuân năm trước.
Mặc dù phần lớn các trường hợp dương tính với Covid-19 được phát hiện trong 5 tháng qua là ở các khu công nghiệp, nhưng kết quả sản xuất toàn ngành công nghiệp cũng rất khả quan. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) vẫn tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Ngành chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt nền kinh tế tăng tới 12,6% (trong khi 5 tháng đầu năm 2020 ngành này chỉ tăng 3,2%).
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao (trên 10%) trong 5 tháng đầu năm 2021 so với 5 tháng đầu năm 2020 như: thép cán tăng 60%; ô tô tăng 56%; linh kiện điện thoại tăng 36,4%; điện thoại di động tăng 22,2%; sắt, thép thô tăng 18,4%; xe máy tăng 15,3%; sơn hóa học tăng 14,6%; phân hỗn hợp NPK tăng 13,5%; ti vi tăng 13,2%; sữa bột, giày dép da tăng 12,6%; bia các loại tăng 11,7%.Trong số 3 nhóm ngành kinh tế, Thương mại và dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 đang diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương. Nhiều cơ sở lưu trú, ăn uống, lữ hành phải tạm đóng cửa, đặc biệt là trong tháng 5. Tuy nhiên, nếu tính chung cả 5 tháng đầu năm, hoạt động thương mại, dịch vụ cũng đạt được kết quả đáng kể.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 5 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 5 tháng đầu năm 2021 của một số tỉnh, thành phố giảm so với 5 tháng đầu năm 2020: Thành phố Hồ Chí Minh giảm 0,6%; Hà Nội giảm 1,2%; Quảng Ninh giảm 5,2%; Bắc Ninh giảm 27%.Du lịch lữ hành là ngành bị tác động nặng nề nhất của dịch Covid-19. Doanh thu du lịch lữ hành 5 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 4,3 nghìn tỷ đồng và giảm tới 48,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, con số này chỉ chiếm 0,2% tổng mức doanh thu toàn ngành nên nó ảnh hưởng không nhiều đến tốc độ tăng chung.
Trong số 3 nhóm ngành kinh tế, Thương mại và dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 đang diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương. Ảnh: Phạm Hùng |
Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành 5 tháng đầu năm giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái là: Khánh Hòa giảm 85,6%; Quảng Nam giảm 68,4%; Thừa Thiên – Huế giảm 48,8%; Thành phố Hồ Chí Minh giảm 46,7%; Bắc Ninh giảm 38,1%; Bình Định giảm 33%; Hà Nội giảm 29,7%; Quảng Ninh giảm 16,6%; Hải Phòng giảm 14,3%; Cần Thơ giảm 13,6%.
Doanh thu dịch vụ khác trong 5 tháng đầu năm 2021 ước đạt 214,6 nghìn tỷ tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước.
Dịch Covid-19 bùng phát trở lại, nhất là trong tháng 5 và đầu tháng 6 chủ yếu ở các khu công nghiệp khiến hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp trong các khu công nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021 ước tính vẫn tăng cao, đạt 262,25 tỷ USD, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 130,94 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm 2020; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 131,31 tỷ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm 2020. Cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021 ước tinh nhập siêu 369 triệu USD.
Rõ ràng, làn sóng thứ tư của dịch Covid-19 bùng phát trở lại đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2021, nhất là lĩnh vực du lịch lữ hành. Tuy nhiên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp vừa phòng, chống dịch, đảm bảo sức khỏe người dân, vừa phòng chống suy giảm kinh tế nên “mục tiêu kép” đã đạt được những thành tựu to lớn, không chỉ cho 5 tháng đầu năm mà cả cho cả năm 2021.
Như bà Era Dabla – Norris, đại diện Vụ châu Á – Thái Bình Dương của Quĩ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, năm 2021, khi các hoạt động kinh tế trong và ngoài nước được bình thường hóa, những chính sách củng cố tài khoá thận trọng trong năm 2020 sẽ tạo đà cho Việt Nam vượt qua những bất ổn và phục hồi tốc độ tăng trưởng GDP.