Kinh tế Việt Nam 2022: Nhiều tín hiệu phục hồi tích cực

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước các tín hiệu tích cực từ nhu cầu tiêu dùng trong nước, hoạt động xuất khẩu, du lịch… các chuyên gia kinh tế có chung nhận định, kinh tế Việt Nam sẽ bắt đầu phục hồi từ cuối quý I và tăng tốc mạnh mẽ trong năm 2022. Tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt 6,7%.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam, Khu công nghiệp Nội Bài, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Phạm Hùng  
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam, Khu công nghiệp Nội Bài, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Phạm Hùng  

GDP cả năm dự kiến đạt 6,7%

Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 2/2022 được Ngân hàng Thế giới vừa công bố cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều tín hiệu phục hồi tích cực từ đầu năm 2022. So với cùng kỳ năm 2021, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 1/2022 của Việt Nam đã tăng 1,6%; CPI tăng 1,94%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,4%; FDI tăng 4,2%. Đáng chú ý, đăng ký DN trong tháng 1/2021 có nhiều khởi sắc với số DN thành lập mới tăng 28,9%.

Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam Michele Wee cho biết, trong một cuộc khảo sát của Standard Chartered thực hiện gần đây, các khách hàng đều cho rằng, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng tăng trưởng và thu hút đầu tư. Việt Nam đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu. Mặc dù xuất khẩu giảm tốc, tăng trưởng chậm lại nhưng cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam vẫn thặng dư 1,4 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký và giải ngân vào Việt Nam cũng có khởi đầu vững chắc trong năm 2022.

Chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam (Ngân hàng Standard Chartered) Tim Leelaphan đưa ra dự báo, nền kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục mạnh mẽ trong năm 2022, bắt đầu từ cuối quý I. Tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ đạt 6,7% trong năm 2022 và 7% trong năm 2023. Việt Nam sẽ tiếp tục là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và là một điểm đến được nhiều DN lựa chọn.

Dự báo do Standard Chartered đưa ra cao hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng mà Chính phủ đề ra. Nhưng theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam có nhiều cơ sở để đạt được mức tăng trưởng này, nhờ kinh tế được dẫn dắt bởi các động lực từ xuất khẩu, du lịch, nhu cầu trong nước phục hồi…

Đề phòng lạm phát

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, không phải chỉ có một động lực duy nhất có thể vực dậy nền kinh tế, mà phải trông chờ vào tất cả các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, đầu tư công, sức cầu của nền kinh tế.

Theo đó, để hồi phục kinh tế, ngay từ đầu năm 2021 Chính phủ đã có sự chuyển hướng chiến lược về phòng, chống dịch bệnh, còn các DN sẵn sàng thích ứng an toàn, linh hoạt với tình hình để sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Với nhiều giải pháp hỗ trợ, giảm thuế và triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Việt Nam đã cơ bản thích ứng an toàn với dịch Covid-19, với tỷ lệ bao phủ vaccine thuộc nhóm 6 nước hàng đầu thế giới. Việt Nam cũng đã bắt nhịp nhanh và kịp thời với các dòng chảy của kinh tế thế giới như tăng trưởng xanh, có cơ hội đẩy mạnh hợp tác, thu hút nguồn lực từ bên ngoài kết hợp với nguồn lực trong nước phục hồi và phát triển.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, kinh tế năm 2022 được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng bởi nhiều yếu tố hỗ trợ từ sự phục hồi của kinh tế vĩ mô trong nước như phổ quát vaccine tiếp tục được đẩy nhanh. Các hoạt động dịch vụ, đặc biệt là du lịch, hàng không nội địa và quốc tế được mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy chỉ số tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cuối cùng của cả nước tăng. Chính sách tiền tệ tiếp tục được điều hành theo hướng linh hoạt, đảm bảo thanh khoản, hỗ trợ tổ chức tín dụng sẵn sàng cung ứng đầy đủ và kịp thời vốn cho quá trình phục hồi kinh tế.

Tuy nhiên, trước đà hồi phục kinh tế - xã hội và sự sôi động của các hoạt động sản xuất – kinh doanh, tiêu dùng, áp lực lạm phát có chiều hướng tăng. Đặc biệt khi giá thế giới và chi phí sản xuất dự kiến còn ở mức cao, tình trạng đứt gãy nguồn cung có thể kéo dài hơn dự kiến. Mặt khác, khi sản xuất phục hồi, nhu cầu về vốn tín dụng tăng cao sẽ có khả năng thúc đẩy lãi suất và lạm phát tăng cao.

Ngoài ra, tăng trưởng mạnh của thị trường tài sản như chứng khoán, bất động sản, tiền kỹ thuật số... có thể lan tỏa đà tăng giá sang thị trường hàng hóa bởi kỳ vọng chi tiêu, tiêu dùng nhiều hơn khi thu nhập tăng. Thậm chí, rủi ro lạm phát nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, một số khu vực, tỉnh TP phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội ở cấp độ cao khiến sản xuất, lưu thông hàng hóa gián đoạn, tình trạng thiếu hụt cục bộ.

 

Những yếu tố khiến các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến Việt Nam trước đây vẫn được giữ vững. Trong nhiều năm qua, Việt Nam liên tục là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất châu Á và không có lý do gì mà điều đó lại không tiếp tục duy trì trong tương lai.

Giám đốc Điều hành Hiệp hội DN Mỹ tại Hà Nội Adam Sitkoff

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần