Qua gần 35 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử.
Đất nước vượt qua khủng hoảng kinh tế đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Nhân dịp Kỷ niệm thành lập 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2020), Thông tấn xã Việt Nam thực hiện loạt bài ghi nhận những kết quả vượt bậc trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước từ các nghị quyết của Đảng; sự cụ thể hóa thành các cơ chế, chính sách và giải pháp của Chính phủ trong hội nhập, phát triển đất nước.
Bài viết "Bước chuyển mình từ hội nhập" với những góc nhìn tổng thể quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam kể từ khi gia nhập ASEAN năm 1995 đến nay sẽ mở đầu loạt bài viết nhân Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ứng dụng công nghệ hiện đại tạo ra đột phá về năng suất lao động cho ngành dệt may. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+) |
Kể từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986) - Đại hội mở đầu cho thời kỳ đổi mới đất nước, chủ trương hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật đối với các nước đã được đề cập và xuyên xuốt qua các kỳ đại hội, cho tới Đại hội XII tiếp tục khẳng định: “Triển khai mạnh mẽ định hướng chiến lược chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Bảo đảm hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh hội nhập trên cơ sở phát huy tối đa nội lực, gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình nâng cao sức mạnh tổng hợp, năng lực cạnh tranh của đất nước.”
Suốt những năm qua, hội nhập kinh tế quốc tế không những góp phần cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, mà còn là động lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội.
Đặc biệt, hội nhập kinh tế quốc tế còn giúp tăng sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và từng bước đưa Việt Nam khẳng định vị thế trên trường quốc tế cũng như trong mắt các nhà đầu tư.
Chuyển mình mạnh mẽ
Trong sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước, nhất là từ khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.
Chính vì vậy, việc mở cửa nền kinh tế đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần không nhỏ để duy trì tốc độ tăng trưởng cao hàng năm của nền kinh tế Việt Nam.
Thống kê cho thấy, đến nay Việt Nam đã tham gia ký kết 13 Hiệp định thương mại tự do (FTA) gồm 7 FTA ký kết với tư cách là thành viên ASEAN và 6 FTA ký kết với tư cách là một bên độc lập và hiện đang đàm phán 3 FTA gồm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), FTA với Khối thương mại tự do châu Âu (EFTA), FTA Việt Nam-Israel.
Chia sẻ về quá trình tham gia hội nhập, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết gia nhập ASEAN từ năm 1995, Việt Nam đã chính thức mở cửa hội nhập và bắt đầu tham gia các FTA. Tuy nhiên, ban đầu mới chỉ tham gia FTA với tư cách là thành viên khối ASEAN.
Hơn nữa, giai đoạn này chủ yếu Việt Nam tham gia là các FTA thế hệ cũ, tập trung biện pháp ở biên giới, ít đi sâu vào quy định trong khuôn khổ chính sách quốc gia.
Không những thế, Việt Nam tham gia vào các FTA này đều ở góc độ bị động bởi tất cả quy định của ASEAN đều có sẵn, Việt Nam không được đàm phán bất kỳ quy định nào và lợi ích khi đó hầu như không có, bởi các đối tác trên đều là đối tượng cạnh tranh sát sườn.
Thế nhưng, với chủ trương đúng đắn của Đảng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay Việt Nam tham gia ở thế chủ động hơn trong việc lựa chọn đối tác.
Đặc biệt, Việt Nam có sự chuyển đổi về chất trong quá trình hội nhập nền kinh tế toàn cầu, tham gia FTA thế hệ mới với tiêu chuẩn cao hơn.
Theo ông Lương Hoàng Thái, Hiệp định đầu tiên manh nha là FTA Việt Nam-Nhật Bản, tiếp theo đó là FTA Việt Nam-Chile và gần đây là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA).
Nhận định về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: Việc Việt Nam ký kết các FTA song phương và đa phương đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Việt Nam mở rộng thị trường, tiếp cận được thị trường khu vực và thị trường toàn cầu cũng như được tiếp cận thị trường dịch vụ của các nước đối tác thuận lợi hơn.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, phần lớn các rào cản và điều kiện trong buôn bán đã được cam kết dỡ bỏ chủ yếu là các hàng rào thuế quan (hầu hết về 0% hoặc dưới 5%) đã mang lại một lợi thế cạnh tranh lớn và một triển vọng tươi sáng cho nhiều ngành sản xuất hàng hóa trong nước.
Đặc biệt, năm 2019 là năm bản lề trong tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế khi chuyển sang giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế mới, Việt Nam đã chính thức ký kết và tham gia hai FTA thế hệ mới.
Cụ thể, Việt Nam chính thức đưa vào thực thi Hiệp định CPTPP vào ngày 14 tháng 1 năm 2019 và ký kết Hiệp định Thương mại tự do EVFTA và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu vào ngày 30 tháng 6 năm 2019.
Đây là thành quả tích cực sau nhiều năm Việt Nam kiên trì tham gia đàm phán với các đối tác thương mại hàng đầu thế giới.
Điều này cũng thể hiện quyết tâm và ý chí chính trị của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, được các nước đánh giá cao, nhất là trong bối cảnh bức tranh kinh tế của thế giới chưa có nhiều biến chuyển tích cực.
“Các kết quả này đã thể hiện tính đúng đắn và kết quả thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Chủ động ứng phó
Ông Trịnh Minh Anh, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế (Bộ Công Thương) cho hay hiện Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế ở mức rất cao và chủ động tham gia đàm phán các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới đã góp phần thực hiện thành công chiến lược thị trường, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại.
Nhận định về độ mở của nền kinh tế Việt Nam, theo ông Trịnh Minh Anh, sau hơn 10 năm kể từ khi Việt Nam tham gia WTO, GDP của Việt Nam đã tăng hơn 300%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 350%, độ mở của nền kinh tế cũng liên tục tăng trưởng.
“Điều này cho thấy Việt Nam đã gắn bó sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới, mà đang trong tiến trình chỉ có tiến và tiến nhanh chứ không được đi chậm. Đây là cũng là minh chứng cho đường lối, chủ trương chính sách hoàn toàn đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế” - ông Trịnh Minh Anh khẳng định.
Tuy nhiên, Báo cáo của Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho thấy Việt Nam đang phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức bởi chủ nghĩa bảo hộ ngày càng nổi lên rõ nét.
Bên cạnh đó, việc mất cân đối thương mại toàn cầu vẫn chưa được cải thiện, làm gia tăng xung đột thương mại, cạnh tranh chiến lược và cọ sát kinh tế, nhất là giữa các nền kinh tế chủ chốt. Ngoài ra, chính sách, pháp luật về hội nhập kinh tế quốc tế còn thiếu và chưa đồng bộ.
Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về vấn đề này cũng chưa nghiêm và quyết liệt.
Hơn nữa, trình độ năng lực điều hành, quản lý kinh tế của doanh nghiệp trong nước còn yếu kém đã tác động tiêu cực tới việc tăng nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội.
Ngoài ra, việc cân đối vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế chưa vững chắc; môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh chậm được cải thiện; thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc; tình hình sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn; năng lực doanh nghiệp hạn chế cũng là nguyên nhân khiến cản trở tiến trình hội nhập.
Để tối ưu hóa những tác động tích cực và giảm thiểu tác động tiêu cực của hội nhập kinh tế đến nền kinh tế, các chuyên gia cho rằng cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành cần quyết liệt vào cuộc trên tinh thần Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế; Chỉ thị số 25-CT/TW về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030 và các nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch hội nhập của Chính phủ.
Bên cạnh đó, nâng cao năng lực giám sát thị trường tài chính nhằm kịp thời đối phó với những biến động của dòng vốn, những ảnh hưởng lây lan từ khủng hoảng tài chính của một nước trong khu vực. Đồng thời tăng cường tuyên truyền cho các doanh nghiệp các thông tin về lộ trình và các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Ngoài ra, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ hợp lý để thúc đẩy phát triển những ngành có lợi thế so sánh, nhằm tăng năng suất và tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.
Hơn nữa, Nhà nước phải hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng tốt các điều kiện về xuất xứ, rào cản kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ từ các thị trường nhập khẩu.
Mặt khác, cần nắm bắt cơ hội và nhận diện rõ những thách thức của các FTA để hội nhập phù hợp song không để bị lệ thuộc và bị cuốn theo các trào lưu ngắn hạn, các xu hướng loại trừ và hình thành những liên kết khép kín trong làn sóng FTA.
Các chuyên gia cũng đưa ra quan điểm rằng phải thiết lập một nền kinh tế thị trường đầy đủ, minh bạch và hiện đại vừa là mục tiêu vừa là yêu cầu của hội nhập.
Đặc biệt, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi, phát huy hơn nữa vai trò của địa phương, của doanh nghiệp trong trong hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, doanh nghiệp và người dân phải chủ động hơn và thực thi đầy đủ, nghiêm túc các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về hội nhập, không để tình trạng vi phạm quy định pháp luật tiếp diễn, ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.