70 năm giải phóng Thủ đô

Kinh tế Việt Nam hậu Covid-19: Cơ hội đột phá

Trâm Anh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chúng ta đang có cơ hội để bước ra khỏi đà suy giảm kinh tế xuất phát từ đại dịch sớm hơn so với nhiều nền kinh tế khác.

Việt Nam cần tranh thủ những diễn biến tích cực trong việc ứng phó với dịch bệnh để làm bước đột phá cho nền kinh tế. Đó là những nhận định của PGS. TS. Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân khi trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị. 
Tập trung 5 mũi đột phá
Thưa ông, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau Covid -19, Việt Nam có những thuận lợi và khó khăn gì?
- Việt Nam đã khống chế đại dịch để tái khởi động hoạt động kinh tế sớm, trong khi thế giới nhiều nước chưa bình thường hóa hoạt động sản xuất lại thì lợi thế của ta rất nhiều. Lợi thế thứ nhất là có điều kiện đưa hàng hóa thiết yếu đến những nước đang thiếu, điển hình như những sản phẩm thiết bị y tế, khẩu trang…
Thứ hai, các nhà đầu tư thế giới cũng đánh giá an toàn yên tâm hơn trong đầu tư vào Việt Nam. Đó là cơ hội đón dòng chuyển dịch đầu tư quốc tế. Qua đợt Covid, các nhà đầu tư thấy nếu như “bỏ trứng vào một giỏ” đầu tư quá nhiều tập trung vào một nước, chuỗi cung ứng một khu vực thì rủi ro rất lớn, điển hình như Trung Quốc. Lúc này, nhiều dòng đầu tư vào Trung Quốc phải tính toán, các tập đoàn lớn, công ty lớn các nước phát triển phải tính con đường phân tán hoạt động đầu tư sang khu vực khác, và Việt Nam đang tạo lợi thế để đón nhận.
 PGS. TS. Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân 
Về khó khăn, rõ nhất là dù Việt Nam khống chế dịch nhưng thế giới vẫn còn bị Covid vây quanh, nguy cơ dịch vẫn rất lớn và như vậy chúng ta không thể mở rộng thị trường, giao lưu hàng hóa, cũng không thể đưa khách hàng thế giới vào Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam là nền kinh tế mở sẽ bị ảnh hưởng. Các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, đặc biệt là sản xuất công nghiệp chế tạo chế biến ngành chủ lực cho tăng trưởng phụ thuộc nguồn nguyên liệu các nước bị ảnh hưởng dịch bệnh như Trung Quốc, Hàn Quốc...
Thứ hai, năng lực thị trường bị hẹp lại các nước sẽ chuyển sang chính sách bảo hộ, họ phải duy trì sản xuất bên trong không muốn lệ thuộc bên ngoài và như vậy chủ nghĩa bảo hộ càng tăng lên. Thứ ba, 4 tháng qua do tác động của dịch, giãn cách xã hội… làm cho nhiều DN, nhiều ngành bị khó khăn như vận tải, hàng không… đặc biệt là du lịch khi Việt Nam vốn dựa vào thế mạnh ngành này bị đóng cửa toàn bộ.
Việt Nam nên làm thế nào để tranh thủ tận dụng mặt mạnh và hạn chế được điểm yếu thưa ông?
- Chính phủ đã có kịch bản, chiến lược tập trung 5 mũi đột phá để tăng trưởng, phát triển. Đó là thu hút FDI, đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy mạnh đầu tư công, thu hút đầu tư tư nhân, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa. Tôi cho rằng đây là chương trình hành động khá toàn diện để tranh thủ lợi thế và hạn chế khó khăn.
Ví dụ tranh thủ thu hút đầu tư nước ngoài, lúc này dòng dịch chuyển đầu tư nước ngoài sẽ xuất hiện, nếu quốc gia nào biết lựa chọn, biết thu hút, tranh thủ thì sẽ rất lợi thế. Việt Nam đang có lợi thế về địa lý, quan hệ quốc tế mở, có các FTA, và môi trường về mặt chính trị, kinh tế vĩ mô ổn định, đặc biệt là qua đợt Covid vừa rồi Chính phủ đã làm rất tốt, người dân rất đồng tình… là điều kiện thu hút FDI rất tốt. Nhưng điều quan trọng không phải thu hút một cách ồ ạt, nhất là bài học trong thu hút FDI trước kia đôi khi tạo ra sự lệ thuộc kinh tế. Do đó đây là thời kỳ chúng ta phải chủ động để tìm ngành hàng, DN, lĩnh vực nào cần thiết để tạo ra kết nối cho hoạt động sản xuất trong nước.
Đặc biệt là phải khắc phục gia công giá trị thấp để chuyển sang một giai đoạn sản xuất chuỗi giá trị cao, thay đổi cấu trúc của nền kinh tế. Đây là việc có ý nghĩa trong phục hồi kinh tế trung hạn nhưng đặc biệt cải tổ cho nền kinh tế phát triển lâu dài, cơ cấu lại nền kinh tế khu vực sản xuất trong nước.
Thứ hai, xuất khẩu tiềm năng vẫn rất tốt, trong quý I vừa qua nền kinh tế thế giới đóng cửa như vậy, xuất khẩu vẫn tăng 4,7%. Những sản phẩm có thế mạnh như xuất khẩu nông sản, sản phẩm thiết yếu vẫn tăng, như vậy chúng ta nhìn thấy để xác định rõ chiến lược xuất khẩu. Thay đổi về tiêu chuẩn sản xuất, kỹ thuật để sản phẩm đó đạt được tiêu chuẩn của những thị trường khó tính, cao cấp. Như vậy không chỉ tăng khối lượng mà còn tăng giá trị gia tăng xuất khẩu.
Thứ ba, Chính phủ đang rất quyết tâm đẩy mạnh đầu tư công. Trong bối cảnh nền kinh tế đình trệ, cầu tiêu dùng thấp dẫn tới hạn chế sản xuất, nếu đẩy mạnh đầu tư công là biện pháp tăng cầu của Chính phủ. Như vậy vừa tạo ra sản phẩm công trình hạ tầng để tạo tiền đề phát triển lâu dài mà quan trọng hơn là hoạt động đầu tư công sẽ tạo ra sức cầu kích thích cho các ngành phát triển, tạo ra công ăn việc làm và các hoạt động kinh tế khác.
Việt Nam có một điểm là nguồn tiền vốn đầu tư từ ngân sách hạn hẹp cả 5 năm 2016 - 2020 chỉ có 2 triệu tỷ đồng. Nhưng năm 2020 lượng tiền còn dư rất lớn, 700.000 tỷ đồng để giải ngân, đây là cơ hội rất tốt đẩy nhanh đầu tư công, tạo ra động lực nguồn tiền để bơm vào nền kinh tế, không phải bơm ngân sách trực tiếp, không phải bơm tín dụng mà là tạo ra nguồn lực phát triển như vậy sẽ đóng góp rất lớn cho tăng trưởng.
Chúng ta cũng nhìn thấy nguồn từ thị trường trong nước rất lớn, 100 triệu dân nếu chúng ta thúc đẩy thị trường tiêu dùng trong nước, đặc biệt tranh thủ kích cầu du lịch trong nước. Nhu cầu du lịch của Việt Nam rất lớn, so lượng khách Việt Nam mang tiền tiêu ở nước ngoài không thua kém lượng tiền khách quốc tế vào Việt Nam. Khi du lịch trong nước khôi phục kéo theo dịch vụ sản xuất trong nước sẽ tăng.
Doanh nghiệp hướng đến phát triển dài hạn
Các DN cần chuẩn bị gì cho hậu Covid-19? Ngày 9/5, Thủ tướng Chính phủ và các bộ sẽ đối thoại trực tiếp với các DN. Ông nghĩ sao về động thái này của Chính phủ?
- Chính phủ tổ chức hội nghị này rất kịp thời để một mặt khích lệ nhưng mặt lớn hơn nắm bắt được các vấn đề nhu cầu đặt ra của các DN để tạo ra tiền đề cơ chế cho DN phục hồi.

Bản thân DN qua đại dịch thấy rằng nổi lên mấy vấn đề cần tính đến: Nếu như những DN nào nhìn đến sự phát triển có tính chất kết nối, chiến lược dài hạn thì mức độ ảnh hưởng có thể ít hơn. Ngược lại những DN hoạt động chộp giật, ngắn hạn có thể sẽ bị rơi vào khủng hoảng. Vì thế DN phải hướng đến phát triển dài hạn. Và để tiếp cận được thị trường thế giới không phải ở các thị trường thấp, tiểu ngạch trước đây, đặt ra đòi hỏi DN phải đổi mới về mặt công nghệ, quy trình kiểm soát để vươn ra được thị trường khu vực rộng lớn.
Điểm nữa, cuộc CMCN 4.0 chuyển sang kinh tế số không phải là vấn đề của đất nước nói chung mà còn là vấn đề của DN, DN nào chuyển nhanh sẽ khắc phục được các vấn đề không hiệu quả từ bộ máy, nhân lực, quản trị để sang phương thức quản trị hiệu quả hơn và đặc biệt tiếp cận nhanh được với các tiêu chuẩn cao hơn. Do đó DN phải nghĩ đến xu thế phát triển dài hạn, kết nối để tạo ra tiềm lực phát triển chung cho đất nước cũng như cơ hội cho các DN.
Và cơ quan quản lý cũng cần hỗ trợ, dự báo kịp thời phối hợp với các nước đối tác chủ yếu về tương mại, đầu tư du lịch để mở cửa hoạt động theo từng nước vào từng thời điểm phù hợp; thúc đẩy số hóa toàn bộ tài nguyên của DN, hình thành cơ sở dữ liệu số các ngành kinh tế, từ đó DN khai thác và lập kế hoạch sớm và thực hiện quản trị thông minh.
Xin cảm ơn ông!

"Để phục hồi tăng trưởng kinh tế bên cạnh việc tiếp tục quyết liệt phòng dịch phải phục hồi SXKD, tiếp tục công tác hỗ trợ DN, người dân. Việc hỗ trợ cần kết hợp từ gói hỗ trợ của Chính phủ và từ gói hỗ trợ của các địa phương; khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, vật tư, thiết bị phục vụ sản xuất có lợi thế từ địa phương; đẩy mạnh đầu tư công, hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển lành mạnh; đẩy mạnh các chương trình khởi nghiệp, đổi mới công nghệ sáng tạo. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần củng cố và xây dựng các “khoảng đệm” chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm ứng phó tốt hơn với các cú sốc bên ngoài" - PGS TS Hoàng Văn Cường